Guotai Junan dự báo nới room tín dụng là 'chuyện sớm muộn'

NGÂN HÀNG Việt nAM
12:30 - 03/09/2022
0:00 / 0:00
0:00
Câu chuyện nới room tín dụng vẫn đang là điểm nóng trong giai đoạn cuối năm. Theo Công ty chứng khoán Goutai Junan, dù diễn ra chậm hơn so với kỳ vọng nhưng nới room sẽ giúp các ngân hàng kịp thời đạt được kế hoạch kinh doanh trong năm nay.

Tại Báo cáo triển vọng ngành Ngân hàng của Công ty Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam) cho thấy, tín dụng nhanh chóng chạm hạn mức tăng trưởng trong những tháng đầu quý II, với tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 9,35% tính từ đầu năm.

Do đó, Guotai Junan cho biết, nới room tín dụng là chuyện sớm muộn. "Dù diễn ra chậm hơn so với kỳ vọng nhưng nới room tín dụng sẽ giúp các ngân hàng kịp thời đạt được kế hoạch kinh doanh trong năm nay. Mức tăng trưởng mục tiêu toàn ngành không đổi ở khoảng 14%-15% là căn cứ cho tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trung bình 30% cho cả năm 2022", Guotai Junan kỳ vọng.

Trước đó, tại báo cáo thị trường tiền tệ tháng 8/2022 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng, áp lực nới room tín dụng đang mạnh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể linh hoạt hơn trong việc mở room.

Chuyên gia VDSC đánh giá, nhu cầu tín dụng trong nền kinh tế vẫn sẽ ở mức cao, việc siết room tín dụng trong phần lớn thời gian của quý III sẽ phần nào ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh và mở rộng của các doanh nghiệp trong thời gian còn lại của năm", chuyên gia VDSC nhận định.

Điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế khi sau 3 tháng thực hiện, số tiền lãi đã hỗ trợ chỉ đạt 1,02 tỷ đồng. Do đó, thời gian tới, VDSC kỳ vọng NHNN có thể điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho phù hợp hơn với nhu cầu thực tế, trong đó tăng trưởng tín dụng cả năm ước tính có thể đạt 16%.

Nền lãi suất huy động tiếp tục tăng

Các chuyên gia cho biết, NIM của nhiều ngân hàng tiếp tục giảm so với cuối quý I/2022, cho thấy áp lực từ nền lãi suất huy động tăng. Tuy nhiên vẫn có một số cái tên sáng duy trì được NIM tăng trong quý II (nhóm ngân hàng quy mô tầm trung OCB, MSB, HDB) và MBB là ngân hàng lớn duy nhất có NIM tăng.

Ngoài ra, thu nhập lãi thuần (NII) cũng chịu áp lực do các ngân hàng hầu hết đã dùng hết room tín dụng ngay từ thời điểm cuối quý I, đầu quý II/2022. Việc tái cơ cấu lại danh mục là giải pháp thiết thực nhất các nhà băng có thể đưa ra để duy trì lợi nhuận.

Về thu nhập ngoài lãi nhóm ngân hàng niêm yết tăng 25% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng trung bình 21%.

Ngoài khoản thu bất thường upfront fee tại VPB, thu từ thu hồi và xử lý nợ xấu giúp cho thu nhập khác của các ngân hàng tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường chứng khoán suy yếu cũng diễn biến bất lợi về mặt lãi suất khiến thu từ hoạt động đầu tư chứng khoán giảm mạnh, thậm chí nhiều ngân hàng ghi nhận lỗ kinh doanh chứng khoán và qua đó kéo lùi lợi nhuận ngoài lãi của các ngân hàng, chuyên gia Guotai Junan nhận định.

Về chất lượng tài sản của hệ thống tiếp tục được duy trì ở mức tốt với tỷ lệ bao phủ nợ xấu toàn ngành vẫn đang ở trên đỉnh lịch sử. Ngoài ra, dư nợ tái cơ cấu của nhiều ngân hàng đang được giảm dần.

Bên cạnh đó, thu nhập từ xử lý nợ xấu và hoàn nhập dự phòng cũng góp phần không nhỏ cho mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội của nhiều ngân hàng trong quý II. Nợ tái cơ cấu hiển thị dần trên nợ xấu nội bảng.

Triển vọng toàn ngành giai đoạn cuối năm

Huy động tăng chậm ở nhiều ngân hàng là động thái chủ động để cân đối chi phí so với room tín dụng bị hạn chế của nhiều nhà băng. Các chuyên gia cho rằng, sự chủ động cân đối tín dụng và huy động sẽ giúp mặt bằng NIM đi ngang trong nửa cuối năm.

"Sẽ khó xảy ra việc đua lãi suất huy động để đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (tỷ lệ 34%, áp dụng từ 1/10/2022) khi hầu hết các ngân hàng trong hệ thống đã đưa tỷ lệ này về ngưỡng an toàn tại thời điểm cuối quý II/2022," theo dự báo của chuyên gia Guotai Junan.

Tuy nhiên về mặt dài hạn, cân đối huy động và cho vay vẫn là bài toán lớn cho ngân hàng khi cho vay hiện nay vẫn tập trung vào phân khúc bất động sản và các khoản vay dài hạn trong khi tiền gửi tập trung ở kỳ hạn ngắn là đặc tính riêng tại thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhận thấy, lợi ích từ gói hỗ trợ lãi suất 2% còn chưa rõ ràng. Theo thống kê của NHNN, số dư nợ giải ngân đến giữa tháng 8 theo chương trình này là hơn 4,100 tỷ đồng (tương ứng lãi suất hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng). Trong đó, theo chia sẻ từ BIDV, số dư nợ giải ngân của ngân hàng là khoảng 3,800 tỷ đồng vào hồi đầu tháng 8.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng sở hữu những câu chuyện riêng lẻ khác như HDBank, Vietcombank, MB với thông tin sẽ nhận được ưu đãi về chính sách nhờ việc tham gia vào tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

Nhìn xa hơn, Guotai Junan cho rằng, thị trường kém bất lợi đã đẩy lùi kế hoạch phát hành riêng lẻ của nhiều ngân hàng. Tuy nhiên, áp lực tăng vốn sẽ đẩy mạnh lộ trình tăng vốn của các ngân hàng. Một số ngân hàng có kế hoạch theo Goutai Junan điển hình như BID, VPB, LPB, OCB.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.