Hà Giang hỗ trợ 15 kg gạo/khẩu cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ và phát triển rừng

CHÍNH SÁCH dân tộc
19:03 - 02/10/2023
Diện tích rừng và đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp của Hà Giang chiếm 70% diện tích tự nhiên. Ảnh: Hoàng Anh
Diện tích rừng và đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp của Hà Giang chiếm 70% diện tích tự nhiên. Ảnh: Hoàng Anh
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã ký ban hành Quyết định số 16/2023/QĐ-UBND về việc trợ cấp gạo cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

Nhằm thực hiện có hiệu quả chỉ đạo Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn một số hoạt động về lâm nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành quyết định số 16/2023/QĐ-UBND về trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 3 – Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS&MN giai đoạn 2021-2030.

Căn cứ theo quyết định, đối tượng được hỗ trợ là hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã, thị trấn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (Khu vực III, II theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025) trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Đối tượng được hỗ trợ phải là những hộ gia đình tham gia trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất bằng cây lấy gỗ hoặc cây lâm sản ngoài gỗ có diện tích đất tối thiểu từ 0,3 ha tập trung trở lên; tham gia khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung; nhận khoán bảo vệ rừng; thực hiện bảo vệ rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên được nhà nước giao trong thời gian chưa tự túc được lương thực.

Mức trợ cấp là 15 kg gạo/khẩu/tháng, loại gạo là gạo tẻ thường. Số khẩu của hộ gia đình được hỗ trợ là những người cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú.

Về hình thức trợ cấp, trợ cấp bằng tiền mặt quy đổi tương ứng với giá trị 15 kg gạo/khẩu/tháng tại thời điểm trợ cấp (theo thông báo giá hàng tháng của cơ quan chuyên môn trên địa bàn huyện). Thời gian trợ cấp tối đa không quá 7 năm.

Trường hợp các hộ gia đình được trợ cấp gạo từ nhiều chính sách khác nhau của nhà nước thì chỉ được nhận trợ cấp gạo từ một chính sách với định mức hỗ trợ cao nhất, không được nhận đồng thời các chính sách trợ cấp lương thực.

Dòng sông Nho Quế xanh biếc chảy quanh co dưới chân những dãy núi hùng vĩ tại Hà Giang. Ảnh Hoàng Anh

Dòng sông Nho Quế xanh biếc chảy quanh co dưới chân những dãy núi hùng vĩ tại Hà Giang. Ảnh Hoàng Anh

Hà Giang là tỉnh miền núi phía Bắc có tổng diện tích tự nhiên là 791.488,9 ha, trong đó diện tích rừng và đất qui hoạch cho phát triển lâm nghiệp là 553.138,3 ha, chiếm gần 70 % diện tích tự nhiên.

Nhằm phát huy thế mạnh từ rừng kinh tế (rừng trồng hoặc rừng sản xuất) và phát triển vốn rừng, đảm bảo được diện tích đất canh tác nương rẫy cho người dân, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số tại các huyện vùng cao thì công tác giao rừng, cho thuê rừng và quản lý nương rẫy là một chiến lược trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội lâu dài, bền vững.

Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, kết hợp bảo vệ rừng với phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, tạo môi trường thuận lợi cho công tác trồng và bảo vệ rừng.

Tỉnh Hà Giang đã đặc biệt chú trọng đến việc tuyên truyền, hỗ trợ kinh phí cho công tác trồng trừng. Thông qua các chương trình như giao đất giao rừng cho người dân nhận khoán, phát triển dược liệu dưới tán rừng, trồng rừng gỗ lớn, cấp chứng chỉ (FSC (phát triển & quản lý rừng bền vững) không chỉ giúp cho độ che phủ rừng của tỉnh tăng qua từng năm mà chất lượng rừng cũng được nâng lên rõ rệt.

Ngoài ra, Hà Giang còn chú trọng tới việc nâng cao chất lượng, đưa giống tốt vào trồng rừng. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp vào trồng, chế biến gỗ theo chuỗi giá trị.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.