Hé lộ những ứng viên tiềm năng của Giải Nobel Hòa bình năm 2022

Giải Nobel THẾ GIỚI
13:04 - 07/10/2022
Giải Nobel Hòa bình là một trong 6 giải do nhà khoa học Thụy Điển Alfred Nobel sáng tạo ra. Ảnh: Getty Images
Giải Nobel Hòa bình là một trong 6 giải do nhà khoa học Thụy Điển Alfred Nobel sáng tạo ra. Ảnh: Getty Images
0:00 / 0:00
0:00
Giải Nobel Hòa bình năm 2022 sẽ được Viện Nobel Na Uy công bố vào lúc 11h sáng 7/10 (16h giờ Việt Nam. Trong đó, Tổ chức y tế Thế giới (WHO), Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) và Tổng thống Ukraine được coi là những ứng viên tiềm năng.

Giải Nobel Hòa bình 2022 được trao tặng trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, như cuộc xung đột Nga – Ukraine, lạm phát tăng vọt, khủng hoảng giá thực phẩm và năng lượng và những tiềm ẩn của chiến tranh hạt nhân.

Theo di nguyện của nhà sáng lập Thụy Điển Alfred Nobel, giải thưởng này nên trao cho cá nhân, tổ chức "có đóng góp nhiều nhất, tốt nhất để thúc đẩy sự đoàn kết giữa các quốc gia, cắt giảm hoặc giải trừ lực lượng vũ trang thường trực, tổ chức và xúc tiến các hội nghị hòa bình".

Reuters cho biết, danh sách ứng viên đề cử đầy đủ được giữ bí mật trong vòng 50 năm, nhưng người hoặc tổ chức đề cử được phép tiết lộ danh tính của họ. Hàng nghìn ứng viên cho Giải Nobel Hòa bình được đề xuất như ­­thành viên chính phủ, quốc hội các nước, nguyên thủ quốc gia, giáo sư lịch sử, khoa học xã hội, luật và triết học tại các trường đại học hoặc người từng đoạt giải.

Năm nay, danh sách đề cử có 343 ứng viên trên toàn thế giới. Dưới đây là một số ứng viên tiềm năng mà TIME đã chỉ ra.

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR)

UNHCR là cơ quan đi đầu trong việc ứng phó các cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Ukraine và Afghanistan. Cơ quan này đã hỗ trợ tài chính và hàng hóa thiết yếu cho những người dân gặp khó khăn trong các cuộc xung đột.

Theo Liên Hợp Quốc, cuộc khủng hoảng Ukraine khiến 7,2 triệu người tị nạn từ Ukraine di tản sang khắp châu Âu, trong khi hơn 6,9 triệu người Ukraine phải sơ tán trong nước. Đây là cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2. Trong những năm gần đây, UNHCR cũng đi đầu trong các phản ứng hỗ trợ nhân đạo tại Syria và ứng phó cuộc khủng hoảng nhập cư trên Địa Trung Hải.

Cơ quan này từng được trao Giải Nobel Hòa bình năm 1954 và 1981.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

WHO được coi là một trong những ứng viên hàng đầu cho Giải Nobel Hòa bình năm 2020 và 2021. Trong 3 năm qua, WHO đã đi đầu trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 trên toàn cầu.

Cơ quan này được ca ngợi vì đã cung cấp tài chính, vaccine Covid-19 và các thiết bị y tế để giúp ngăn chặn đại dịch trên thế giới. Trong đó, Chương trình COVAX, cơ chế nhân đạo về khả năng tiếp cận vaccine cho các quốc gia nghèo, do WHO hỗ trợ, cho đến nay đã phân bổ hơn 1,7 tỷ mũi vaccine Covid-19 cho 146 quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, WHO cũng bị chỉ trích vì một số sai sót như đã chậm trễ một tuần trong việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu sau khi Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, có những thông báo mâu thuẫn về khả năng lây lan của virus và không khuyến cáo đeo khẩu trang để giảm nguy cơ lây nhiễm trong giai đoạn đầu đại dịch.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky

Tổng thống Ukraine Zelensky, người được tạp chí TIME bình chọn là một trong 100 người có sức ảnh hưởng nhất năm 2022, cũng được nhiều người kỳ vọng sẽ nhận Giải Nobel Hòa bình năm nay.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Keystone Press Agency

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Keystone Press Agency

Ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt hồi cuối tháng 2, ông Zelensky đã xuất hiện trong video gửi đến người dân và tuyên bố: "Chúng tôi vẫn ở đây. Chúng tôi đang ở Kiev. Chúng tôi đang bảo vệ Ukraine". Trong khi đó, cuộc chiến tại Ukraine đã bước sang tháng thứ 8 nhưng chưa có dấu hiệu bớt căng thẳng, nhưng nhà lãnh đạo này tuyên bố sẽ “giải phóng toàn bộ lãnh thổ Ukraine”.

Greta Thunberg

Danh sách đề cử Giải Nobel Hòa bình năm 2022 còn có Greta Thunberg – nhà hoạt động khí hậu Thụy Điển, người được TIME bình chọn là Nhân vật của năm 2019.

Nhà hoạt động khí hậu Thụy Điển Greta Thunberg. Ảnh: AP

Nhà hoạt động khí hậu Thụy Điển Greta Thunberg. Ảnh: AP

Năm 2021, Greta Thunberg đã chỉ trích Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) là chưa hành động đủ để cắt giảm lượng khí thải CO2. Cô bắt đầu nổi tiếng vào năm 2018 sau khi dẫn đầu phong trào học sinh, sinh viên trên toàn thế giới biểu tình ủng hộ các hành động chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu.

Bộ trưởng Ngoại giao Tuvalu Simon Kofe

Bộ trưởng Ngoại giao Tuvalu Simon Kofe là một ứng viên của Giải Nobel Hòa bình năm 2022. Ông đã coi việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu là một sứ mệnh quan trọng của nhân loại.

Bộ trưởng Ngoại giao Tuvalu Simon Kofe. Ảnh: Devpolicy

Bộ trưởng Ngoại giao Tuvalu Simon Kofe. Ảnh: Devpolicy

Quan chức này cho biết, mối đe dọa đáng kể đối với các đảo ở Thái Bình Dương như Tuvalu – quốc gia nhỏ thứ 4 trên thế giới, là sự nóng lên toàn cầu và hiện tượng nước biển dâng. Ông Kofe đã có bài phát biểu giữa biển ấn tượng tại COP26 để minh chứng cho thấy sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng đang tác động đến quốc đảo này như thế nào.

David Attenborough

Ông David Attenborough, 95 tuổi là một phát thanh viên và nhà tự nhiên học người Anh. Ông được mọi người yêu thích vì đã sáng tạo ra loạt phim về thiên nhiên thế giới, từng đoạt giải thưởng, bao gồm Sự sống trên Trái đất và Hành tinh Xanh.

Ông David Attenborough. Ảnh: BBC

Ông David Attenborough. Ảnh: BBC

Các tác phẩm của ông đã giới thiệu một cách sâu sắc về thiên nhiên và động vật hoang dã trong nhiều thập kỷ. Gần đây, ông Attenborough đã phát biểu trước Liên Hợp Quốc và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) để vận động giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

Một số đề cử khác cho giải Nobel Hòa bình năm nay là các chính trị gia đối lập Belarus gồm Sviatlana Tsikhanouskaya, Maria Kolesnikova và Veronika Tsepkalo, Giáo hoàng Francis, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), Hội đồng Bắc Cực, Nhóm viện trợ CARE,…

Lễ trao giải Nobel Hòa Bình năm 2022 sẽ diễn ra tại Tòa thị chính Oslo vào ngày 10/12, kỷ niệm ngày mất của nhà phát minh, nhà khoa học Alfred Nobel. Trang web giải thưởng Nobel Hòa bình cho biết, kể từ năm 1901, giải đã được trao 102 lần, cho 134 cái tên gồm 91 nam, 18 nữ và 25 tổ chức.

Chủ nhân Giải Nobel Hòa bình năm 2021 là Maria Ressa và Dmitry Muratov, hai nhà báo người Philippines và Nga, vì "nỗ lực bảo vệ quyền tự do ngôn luận". Năm 2020, giải được trao cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) vì những nỗ lực chống nạn đói và đóng góp cho hòa bình thế giới.

Tin liên quan

Đọc tiếp