Hiệp định thương mại lớn nhất toàn cầu RCEP bắt đầu có hiệu lực

Thương Mại asean
18:54 - 02/01/2022
Hiệp định thương mại lớn nhất toàn cầu RCEP bắt đầu có hiệu lực
0:00 / 0:00
0:00
Kể từ ngày 1/1/2022, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực, mở ra cánh cửa mới cho phục hồi kinh tế thời kì hậu Covid-19 cho các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.

Vùng tự do mậu dịch lớn nhất thế giới

Ngay khi có hiệu lực, RCEP sẽ tạo ra một thị trường thương mại và đầu tư lớn nhất thế giới bao gồm 15 quốc gia với dân số gần 2,3 tỷ người, GDP năm 2020 đạt 28.500 tỷ USD (chiếm 30% GDP toàn cầu). Giá trị thương mại của các nước tham gia RCEP cũng đạt hơn 10.700 tỷ USD, tương đương 30,3% tổng giá trị thương mại toàn cầu vào năm 2020.

Hiệp định này là kết quả của quá trình đàm phán kéo dài từ năm 2011 cùng với 19 vòng đàm phán cấp bộ trưởng và 15 cuộc họp của Ủy ban đàm phán thương mại. Các nước đạt được thỏa thuận RCEP gồm có 10 nước ASEAN cùng 5 nước đối tác Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand.

Theo quy định, hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực sau khi được ít nhất 6 quốc gia thành viên ASEAN và 3 đối tác phê chuẩn. Hiện đã có 6 nước ASEAN gồm Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam và 4 quốc gia ký kết là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản và New Zealand phê chuẩn, đồng nghĩa Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Cơ hội lớn cho Việt Nam

Với vai trò là chủ tịch của ASEAN năm 2021, Việt Nam đã đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy kết thúc đàm phán và đưa hiệp định vào thực thi năm 2022. Theo Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), RCEP không phải là một hiệp định thương mại hoàn toàn mới mà là một hiệp định nhằm hài hòa và đa phương hóa những gì mà ASEAN đã thiết lập với 5 nước đối tác trên.

Về mặt thương mại và đầu tư, hiệp định này còn mang đến hy vọng xây dựng thị trường ổn định hơn với những quy tắc đa phương rõ ràng. Việc thương mại riêng lẻ với các quốc gia và điều tiết quan hệ dựa vào mối quan hệ song phương đã được hạn chế, từ đó đem đến nhiều sự chắc chắn và dễ dự báo hơn cho các doanh nghiệp, đồng thời giảm thiểu các rủi ro cho chuỗi cung ứng.

Tuy việc tự do thuế quan giữa 15 quốc gia tham gia RCEP đã có nhiều tiến bộ trong thập kỷ qua nhờ các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), Hiệp định RCEP còn có thể nới lỏng hàng rào thuế quan hơn nữa. Phạm vi của nó sẽ bao gồm giảm thuế quan với thương mại hàng hóa và giảm bớt hàng rào phi thuế quan đối với thương mại giữa các nước thành viên.

Theo như cam kết, RCEP sẽ tiến tới loại bỏ 92% dòng thuế nhập khẩu với các nước có tham gia ký kết trong vòng 20 năm. Đồng thời, các quy tắc chung cho thương mại, thương mại điện tử và quyền sở hữu trí tuệ cũng sẽ được thiết lập.

Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) dự báo, việc RCEP đi vào hiệu lực có thể giúp tăng 0,2% GDP của các nước thành viên. Đối với Việt Nam, Hiệp định RCEP có thể tạo cơ hội cho một số lĩnh vực như xuất khẩu khi nó giúp hàng hóa Việt Nam tăng khả năng đáp ứng điều kiện và được hưởng ưu đãi thuế quan. Một ví dụ có thể kể đến là ngành thủy sản vốn đang gặp các vấn đề liên quan đến kiểm dịch vì các nước khác nhau có các chính sách khác nhau về việc xác định virus corona có tồn tại trên sản phẩm hay không.

Ngoài ra, hiệp định này cũng có thể giúp Việt Nam đẩy mạnh vai trò của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu và trở thành một điểm thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các nước thành viên RCEP.

Tuy nhiên ngoài những lợi ích, RCEP cũng đem đến cho Việt Nam những thử thách nhất định, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam nhập siêu với tỷ lệ lớn từ các nước thành viên RCEP như Hàn Quốc về các mặt hàng như nguyên liệu và máy móc. Hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam cũng sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn từ hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc.

Do đó, cùng với sự hướng dẫn và khuyến khích từ chính phủ, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao tính chủ động để đón đầu xu hướng và biến các thách thức thành cơ hội cho riêng mình.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.