Hỗ trợ trực tiếp công nhân ngừng, mất việc làm để “giữ chân” người lao động

CHÍNH SÁCH Việt nAM
18:03 - 12/10/2021
Trao tặng "Túi an sinh công đoàn" hỗ trợ người lao động yên tâm sản xuất. Ảnh: TTXVN
Trao tặng "Túi an sinh công đoàn" hỗ trợ người lao động yên tâm sản xuất. Ảnh: TTXVN
0:00 / 0:00
0:00
Những ngày đầu tháng 10, có khoảng 60.000 lao động ngoại tỉnh từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương về quê dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động. Nhất là ở những địa phương đã lên kế hoạch mở cửa đón khách du lịch.

Bài toán thiếu hụt nguồn lao động

Đại dịch COVID-19 đã gây nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế mà người lao động là “nạn nhân” hứng chịu đầu tiên. Những khó khăn về khả năng cầm cự trong dịch bệnh cùng tâm lý lo sợ lây nhiễm COVID-19 đã khiến người lao động khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ có xu hướng “hồi hương” ngày càng nhiều.

Trước đợt dịch thứ tư, toàn tỉnh Bình Dương có khoảng 50.000 doanh nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động. Nhưng khi dịch bệnh bùng phát chỉ còn khoảng 3.500 doanh nghiệp hoạt động theo phương án "3 tại chỗ," “1 cung đường, 2 điểm đến”. Dự báo trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương sẽ thiếu 40.000-50.000 lao động.

TP.HCM cũng đang báo động tình trạng này, trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021 của Cục Thống kê TP.HCM ghi, số lao động làm việc tại các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 9 giảm 63,3% so với cùng kỳ năm 2020. Số lao động thiếu của TP.HCM cũng lên đến con số 45.000 lao động.

Gộp chung những ngày đầu tháng 10 đã có khoảng 60.000 lao động ngoại tỉnh từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương về quê.

Việc người dân tự phát về từ TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An… đã gây nên sự thiếu hụt lao động nghiêm trọng cho các doanh nghiệp sản xuất, cơ sở kinh doanh vừa hoạt động trở lại sau cao điểm chống dịch COVID-19.

Đẩy mạnh an sinh xã hội để giữ chân người lao động

Để giữ chân người lao động trong thời điểm này thì vấn đề an sinh xã hội phải được giải quyết theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg. Tức là tạo điều kiện về vật chất, đời sống để người lao động ở lại cùng địa phương phục hồi nền kinh tế.

"Việc triển khai hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP cần nhanh, cụ thể và thiết thực, hiệu quả hơn. Trong đó, cần ưu tiên quan tâm đến lực lượng lao động, công nhân bị mất việc, ngừng việc".

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Trên cơ sở Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/07/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; căn cứ đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội (LĐTB&XH), Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động đang gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Cụ thể, quy định mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; và thời gian áp dụng mức đóng vào Quỹ là 12 tháng, từ ngày 01/07/2021 đến hết ngày 30/06/2022.

Ngoài ra, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào qũy hưu trí và tử tuất; Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc; Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều hưởng trợ cấp thất nghiệp; Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất…

Tại Bình Dương, trong buổi Họp báo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh ngày 17/08, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH khẳng định: Việc thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, HĐND, UBND tỉnh đã nhanh chóng ban hành văn bản triển khai thực hiện. Tổng số trường hợp được chi hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 là 162.296 hồ sơ với số tiền trên 194 tỷ đồng.

Đẩy mạnh thực hiện hai nghị quyết này vào tình hình thực tế, TP.HCM đã có thông tin về kết quả gói hỗ trợ an sinh xã hội hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn trên địa bàn.

Tại buổi làm việc chiều ngày 06/10 giữa Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Bộ LĐTB&XH phía Nam (Tổ Công tác đặc biệt) cùng các thành viên của Tổ Công tác đặc biệt với Sở LĐTB&XH TP.HCM, Giám đốc Sở LĐTB&XH Lê Minh Tấn thông tin: Tính đến 10h ngày 06/10/2021, thành phố đã giải quyết cho 4.350.481 đối tượng với số tiền 7.349.842.524.000 đồng.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng tại buổi làm việc ngày 06/10

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng tại buổi làm việc ngày 06/10

Trong đó, hỗ trợ cho 4.248.829 lao động tự do với số tiền là 5.893.766.000 đồng và giải quyết cho 101.652 doanh nghiệp, số tiền là 1.456.075.799.000 đồng.

Gần đây, trong buổi làm việc ngày 08/10, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Bộ ở phía Nam, cùng đoàn công tác đã đến làm việc tại tỉnh Long An cũng đã kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an sinh xã hội.

Ông Phạm Tấn Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An khẳng định, đến hiện tại, hơn 435.000 người đã được nhận hỗ trợ với kinh phí 357 tỷ đồng theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Chính phủ. Trong đó hỗ trợ trực tiếp cho 137.000 người với số tiền 245 tỷ đồng.

Cụ thể, hơn 5.000 đơn vị với 296.000 lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với số tiền 104 tỷ đồng; 482 lao động được hỗ trợ chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền hơn 3,4 tỷ đồng. Hỗ trợ gần 9.000 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với số tiền 35 tỷ đồng. Hỗ trợ 1.813 trẻ em trong các khu cách ly tập trung số tiền 1,8 tỷ đồng.

"Thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục tập trung công tác phòng chống dịch; hoàn tất các chính sách an sinh xã hội sớm; tuyên truyền hỗ trợ doanh nghiệp trở lại sản xuất để giữ chân, ổn định tâm lý người lao động; lên phương án đón lao động trở lại", Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh./.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.