Intel đầu tư hơn 30 tỷ USD xây dựng nhà máy chip tại Đức

Intel Đức
14:12 - 20/06/2023
Intel đầu tư hơn 30 tỷ USD xây dựng nhà máy chip tại Đức
0:00 / 0:00
0:00
Intel và Berlin ngày 19/6 đã ký một thoả thuận đầu tư để xây dựng nhà máy bán dẫn hiện đại tại Đức. Đây được xem là một dự án quan trọng đối với tham vọng biến Đức thành trung tâm bán dẫn toàn cầu của Thủ tướng Olaf Scholz.

Theo Reuters, thông tin về thỏa thuận được đưa ra trong cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger tại thủ đô Berlin (Đức).

CEO Intel Pat Gelsinger (trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz gặp mặt tại Berlin.

CEO Intel Pat Gelsinger (trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz gặp mặt tại Berlin.

Theo thoả thuận, Intel sẽ đầu tư 33 tỷ USD để xây dựng hai nhà máy sản xuất chip ở thành phố Magdeburg (Đức) sau khi Chính phủ nước này cam kết tài trợ 1/3 khoản đầu tư cần thiết.

Cơ sở đầu tiên ở thành phố Magdeburg dự kiến đi vào hoạt động sau 4-5 năm ngay sau khi Ủy ban châu Âu phê duyệt gói trợ cấp. Nhà máy này sẽ tạo ra khoảng 7.000 việc làm, khoảng 3.000 việc làm công nghệ cao tại Intel và hàng chục nghìn việc làm trong toàn ngành.

"Thoả thuận hôm nay là bước tiến quan trọng đối với Đức. Với khoản đầu tư này, chúng tôi đang bắt kịp công nghệ tốt nhất thế giới và mở rộng năng lực của chính mình để phát triển hệ sinh thái và sản xuất vi mạch", Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết trong một tuyên bố.

Thỏa thuận tại Đức là khoản đầu tư lớn thứ ba của Intel chỉ trong 4 ngày. Hãng chip Mỹ tiết lộ kế hoạch xây nhà máy chip 4,6 tỷ USD tại Ba Lan vào ngày 16/6 vừa qua. Chỉ 2 ngày sau, Israel cũng cho biết Intel sẽ chi 25 tỷ USD cho một nhà máy tại đây.

Dưới sự dẫn dắt của Giám đốc điều hành Pat Gelsinger, Intel đã đầu tư hàng tỷ USD để xây nhà máy tại 3 châu lục nhằm khôi phục vị thế thống trị trong ngành bán dẫn và cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ như AMD, Nvidia và Samsung.

Sản xuất bán dẫn dự kiến trở thành ngành công nghiệp nghìn tỷ USD vào năm 2030, tăng từ 600 tỷ USD vào năm 2021, theo hãng nghiên cứu McKinsey. Cả Mỹ và châu Âu đều đang nỗ lực thu hút các công ty lớn trong ngành thông qua các chương trình tài trợ và quy định thuận lợi.

Do đó, Chính phủ Đức cũng chi hàng tỷ USD tiền trợ cấp để thu hút các công ty công nghệ nhằm tránh lệ thuộc chuỗi cung ứng vào Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Mới đây, Chính phủ Đức đàm phán với công ty bán dẫn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) và nhà sản xuất pin xe điện Northvolt của Thụy Điển về việc thiết lập các cơ sở sản xuất tại Đức, sau khi thành công thuyết phục Tesla xây dựng nhà máy đầu tiên tại quốc gia này.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.