Internet Day 2021: 80% dữ liệu của người Việt đang nằm ở nước ngoài

CÔNG NGHỆ Việt nAM
08:18 - 22/12/2021
Internet Day 2021 "Phục hồi và bứt phá trong kỷ nguyên dữ liệu hóa"
Internet Day 2021 "Phục hồi và bứt phá trong kỷ nguyên dữ liệu hóa"
0:00 / 0:00
0:00
Tính đến đầu năm nay, Việt Nam có 68,72 triệu người sử dụng Internet, chiếm 70,3% dân số nhưng có tới 80% dữ liệu lại nằm ở nước ngoài, trong khi điều này lại chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức.

Năm 2021 đánh dấu sự kiện Internet Day Việt Nam được tổ chức 10 năm liên tiếp. Với chủ đề "Phục hồi và bứt phá trong kỷ nguyên dữ liệu hóa", Internet Day 2021 diễn ra trực tuyến ngày 21/12 nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nhiều đơn vị có uy tín trong cộng đồng Internet Việt Nam và thế giới.

Chia sẻ tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, Việt Nam đang rất chú trọng tới việc ứng dụng công nghệ thông tin để phục hồi và phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh đại dịch. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, chúng ta cũng cần phải nhận thức rõ về những vấn đề xoay quanh việc chuyển đổi dữ liệu này.

"Dữ liệu là tài sản chiến lược của cơ quan, tổ chức cá nhân, là nguồn tài nguyên phát triển kinh tế, tạo ra các dịch vụ xã hội, tuy nhiên hiện nay, 80% tài nguyên dữ liệu (người dùng) của Việt Nam đang ở nước ngoài và các doanh nghiệp chưa ý thức được vấn đề này" ông Phạm Đức Long nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long

Bàn về vấn đề này, ông Phạm Anh Chiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam đặt ra câu hỏi: "Nếu như 80% dữ liệu của người Việt Nam ở nước ngoài thì làm thế nào để chúng ta có thể bảo vệ được chủ quyền trên không gian mạng, an ninh mạng hoạt động thế nào trên một môi trường phi truyền thống như thế?".

"Chúng ta đang sử dụng dịch vụ của các nhà cung cấp xuyên biên giới, chúng ta thoải mái chia sẻ thông tin dữ liệu cho họ, làm giàu cho các công ty công nghệ xuyên biên giới vậy chúng ta phải làm gì để biến 80% dữ liệu ấy trở thành của chúng ta", ông Phạm Anh Chiến trăn trở.

Trả lời cho câu hỏi này, ông Nguyễn Ngọc Cương Đại tá, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, an toàn dữ liệu là vấn đề của an ninh quốc gia. Ông Cương đề xuất một số biện pháp đảm bảo an toàn dữ liệu quốc gia như các dịch vụ xuyên biên giới và mạng xã hội nước ngoài phải thượng tôn pháp luật nước sở tại, đứng trên lập trường của các hoạt động kinh doanh, bảo đảm lợi ích của nhà nước, công dân của quốc gia sở tại.

Ông Nguyễn Ngọc Cương, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao

Ông Nguyễn Ngọc Cương, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao

"Mặt khác, các nước sở tại cũng phải có những chiến lược an ninh, an toàn dữ liệu phù hợp để đảm bảo rằng các dịch vụ xuyên biên giới và các mạng xã hội nước ngoài được tiếp cận và phục vụ kinh tế phù hợp với quy định pháp luật" ông Nguyễn Ngọc Cương nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Nghĩa, Trưởng ban CNTT Tập đoàn Viettel cho rằng, những doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vẫn chưa đủ tài lực để đối chọi với những tập đoàn công nghệ cao (big tech) trên thế giới. "Các doanh nghiệp CNTT như chúng tôi đang cố gắng cải thiện tuy nhiên việc đảo ngược lại 80% dữ liệu về Việt Nam cũng chưa dám nghĩ đến, việc này rất cần sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Cục An ninh mạng", ông nói thêm.

Trong 5 năm tới, Viettel sẽ đầu tư mạnh cho hạ tầng dữ liệu cụ thể là các trung tâm dữ liệu (data center). Hiện tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam này cũng có nguồn nhân lực chất lượng cao với hơn 100 nhà khoa học và kỹ sư dữ liệu trong ban phân tích dữ liệu hoạt động hết công suất. Đó là những nỗ lực của tập đoàn trong việc cùng nhà nước giải bài toán về nâng cao chủ quyền dữ liệu.

Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, ông Hà Thái Bảo, Phó Tổng giám đốc công ty CNTT VNPT-IT đánh giá: "Việc 80% dữ liệu người dùng Việt Nam ở nước ngoài là những dữ liệu mang tính riêng tư, cá nhân. Vì thế, chúng ta cần nhìn nhận ra hai vấn đề rõ ràng đó là vấn đề về nhu cầu sử dụng giải trí của người dân và những thông tin dữ liệu liên quan đến hành chính công của mỗi người".

Ông Hà Thái Bảo Phó Tổng giám đốc công ty CNTT VNPT-IT

Ông Hà Thái Bảo Phó Tổng giám đốc công ty CNTT VNPT-IT

"Có thể người dân đa số sử dụng Facebook nhưng giao tiếp với chính quyền họ chỉ có thể sử dụng dịch vụ công của nhà nước. Chúng ta cần đơn giản hóa thủ tục giúp người dân dễ dàng sử dụng các dịch vụ hành chính công, người dân sử dụng nhiều thì lượng dữ liệu sẽ tăng lên. Đồng thời phải chia sẻ những dữ liệu mở để người dân có thể tìm hiểu và nắm bắt những cơ hội kinh doanh" ông Bảo cho biết.

Ông cũng thông tin thêm, trong chiến lược phát triển, VNTP đã xây dựng Trung tâm điều hành; Trung tâm phản ánh kiến nghị trong trung tâm điều hành thông minh cấp huyện, cấp tỉnh. Đồng thời có một ứng dụng dành riêng cho người dân để thực hiện mọi thủ tục hành chính công. Qua đó, chúng ta thấy nếu có quy hoạch phát triển dịch vụ hành chính công thì chúng ta sẽ có một lượng dữ liệu công dân rất lớn.

Ảnh tác giả

Cơ sở dữ liệu lõi nhất hiện nay là cơ sở dữ liệu về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân do Bộ Công an quản lý. Từ bộ cơ sở dữ liệu lõi ấy, các Bộ, ban, ngành có thể khai thác, cùng phối hợp xây dựng

Ông Nguyễn Ngọc Cương , Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao

"Phần lớn dữ liệu người dùng Việt Nam ở nước ngoài đều là những dự liệu mang tính trao đổi, giải trí hàng ngày như Facebook, Youtube chứ không phải những dữ liệu quan trọng như giao dịch hay hành chính công của chính quyền vì vậy đây cũng không phải một vấn đề quá nghiêm trọng"- ông Nguyễn Hồng Thắng Giám đốc trung tâm Internet Việt Nam nhận định.

Trung tâm Internet Việt Nam đã trình bộ trưởng ký ban hành thông tư 21 về Quản lý tài nguyên Internet (7/12/2021) có hiệu lực sau 60 ngày nhằm tạo ra một không gian cho mọi người dân, doanh nghiệp lên mạng một cách dễ dàng, mở một đuôi tên miền mới cho toàn dân ( id.vn) để tất cả công dân có thể thiết lập email, website riêng với chi phí thấp để tạo ra dữ liệu cho công dân Việt Nam.

Với những dữ liệu hiện tại đang có, những hành lang pháp lý được hoàn thành trong tương lai, ngành công nghiệp, kinh tế dữ liệu sẽ giúp tất cả các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân cũng bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.