Kho bạc Nhà nước huy động hơn 200.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ mỗi năm

TRÁI PHIẾU Việt nAM
20:29 - 16/11/2021
Kho bạc Nhà nước huy động hơn 200.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ mỗi năm
0:00 / 0:00
0:00

Với 200.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ được huy động mỗi năm, con số này chiếm xấp xỉ 10% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội năm 2020.

Thống kê trên thị trường Trái phiếu Chính phủ sơ cấp cho thấy, trong vòng 12 năm, hơn 2,47 triệu tỷ đồng vốn đã được Kho bạc Nhà nước huy động cho Ngân sách Nhà nước để phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế đất nước.

Con số này tương ứng với mức huy động bình quân năm đạt hơn 206 nghìn tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 10% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội năm 2020, và 28,3% tổng vốn đầu tư của khu vực Nhà nước năm 2020.

Để huy động được lượng vốn hơn 2,47 triệu tỷ đồng này, đã có hơn 2.600 phiên đấu thầu được tổ chức tại HNX với tỷ lệ huy động thành công bình quân đạt 60-70% trên tổng khối lượng gọi thầu.

Đáng chú ý, qua 12 năm, lãi suất huy động vốn trên thị trường Trái phiếu Chính phủ đã giảm đáng kể từ 4 đến 6%/năm ở tất cả các kỳ hạn. Trong đó, đặc biệt giảm mạnh tại kỳ hạn 5 năm (giảm từ 10,49%/năm trong 2009 xuống còn 1%/năm trong 2021; kỳ hạn 10 năm (giảm từ mức 9,7%/năm trong 2009 xuống còn 2,06%/năm trong 2021).

Đồng thời, kỳ hạn phát hành của Trái phiếu Chính phủ ngày càng tăng. Kỳ hạn phát hành bình quân đã tăng từ 2-3 năm trong năm 2009 lên 12,2 năm trong năm 2021.

Trên thị trường thứ cấp, giao dịch tăng về quy mô và độ sâu, tiệm cận với các nước có thị trường Trái phiếu Chính phủ phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Cụ thể, tổng dư nợ thị trường Trái phiếu Chính phủ tại HNX tính đến hết tháng 8/2021 đạt 1,4 triệu tỷ đồng, gấp 8,7 lần quy mô năm 2009. Thanh khoản trái phiếu năm 2021 đạt mức 10,8 nghìn tỷ đồng/phiên, gấp 29,7 lần so với năm 2009. Giá trị giao dịch Repos cũng tăng mạnh từ quy mô với tỷ trọng 6,5% trên tổng giá trị giao dịch năm 2009 lên mức 33% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường năm 2021.

Theo HNX đánh giá: "Thị trường Trái phiếu Chính phủ đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho Ngân sách Nhà nước, góp phần thay đổi cơ cấu nợ Chính phủ thông qua việc tập trung phát hành các kỳ hạn dài và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư".

Được biết, để thực hiện nhiệm vụ huy động vốn cho ngân sách trung ương năm 2021, Kho bạc Nhà nước đã điều chỉnh kế hoạch đấu thầu Trái phiếu Chính phủ của năm 2021 từ 350 nghìn tỷ đồng lên 373 nghìn tỷ đồng (đã bao gồm khối lượng phát hành cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam).

Như vậy, với điều chỉnh trên, ngân sách năm nay dự kiến tăng vay thêm 23 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu.

Theo kế hoạch phát hành điều chỉnh, khối lượng phát hành tăng ở một số kỳ hạn (5 năm, 10 năm, 30 năm) trong khi đó giảm ở các kỳ hạn còn lại (7 năm, 15 năm, 20 năm). Trong đó, kỳ hạn 5 năm tăng khối lượng thêm 15 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm tăng thêm 25 nghìn tỷ đồng và kỳ hạn 30 năm tăng thêm 15 nghìn tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại các kỳ hạn 7 năm, 15 năm và 20 năm lần lượt giảm khối lượng phát hành: 5 nghìn tỷ đồng, 10 nghìn tỷ đồng và 7 nghìn tỷ đồng.

Riêng trong quý 4, Kho bạc Nhà nước dự kiến tổng mức phát hành theo kế hoạch là 135 nghìn tỷ đồng (đã bao gồm khối lượng phát hành cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam). Trong đó khối lượng phát hành nhiều nhất ở kỳ hạn 15 năm với 50 nghìn tỷ đồng, và khối lượng ít nhất ở kỳ hạn 7 năm với chỉ 5 nghìn tỷ đồng.

Mới đây, trả lời chất vấn trước Quốc hội về nguồn lực cho chương trình phục hồi kinh tế, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan này đã tính tới các biện pháp, trong đó có việc phát hành trái phiếu Chính phủ để huy động tiền trong dân với số tiền khoảng 180.000 tỷ trong 2 năm.

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.