Không để các chính sách hỗ trợ hợp tác xã bị lợi dụng

HTX Luật
14:02 - 13/07/2022
Sửa đổi Luật Hợp tác xã 2012, nâng cao năng lực cạnh tranh, hạn chế bất cập
Sửa đổi Luật Hợp tác xã 2012, nâng cao năng lực cạnh tranh, hạn chế bất cập
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, nhưng Luật Hợp tác xã 2012 đã cho thấy không ít các hạn chế, bất cập cần có các giải pháp sửa đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức kinh tế phát triển năng động, hiệu quả, bền vững.

Tại hội thảo Tham vấn về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đối với khu vực hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngày 12/7, ông Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD - Bộ NN&PTNT), đã chỉ ra những bất cập, hạn chế của Luật Hợp tác xã năm 2012.

Cụ thể, Luật Hợp tác xã năm 2012 chưa tạo được sự khuyến khích cho các thành viên hợp tác xã: chưa tạo được thuận lợi cho các hợp tác xã nâng cao năng lực cạnh tranh, những quy định về mô hình quản trị hợp tác xã còn cứng nhắc, thiếu chính sách hỗ trợ, nguồn lực hỗ trợ cho các hợp tác xã còn nhỏ; điều kiện, thủ tục để được hỗ trợ khó khăn, phức tạp, quản lý nhà nước chồng chéo, thiếu lực lượng tư vấn, đào tạo cho cán bộ, thành viên hợp tác xã.

Ảnh tác giả

“Mức độ hỗ trợ của nhà nước cho hợp tác xã gắn với mức độ hợp tác xã phục vụ thành viên chính thức. Ngăn chặn hành vi cơ hội, lợi dụng chính sách hỗ trợ hợp tác xã. Ưu đãi, hỗ trợ đặc thù cho hợp tác xã nông nghiệp do vai trò của hợp tác xã nông nghiệp trong phát triển nông nghiệp nông thôn và đặc thù của sản xuất nông nghiệp”.

Ông Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn

Từ đó, ông Quang đề xuất định hướng sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 theo nguyên tắc tạo động lực, khuyến khích tham gia, phát triển hợp tác xã; đảm bảo hợp tác xã bình đẳng trong cạnh tranh, tiếp cận nguồn lực, thụ hưởng hỗ trợ; phát triển đa dạng mô hình hợp tác xã nông nghiệp, để hợp tác xã nông nghiệp là mô hình giúp nông dân tham gia thị trường, khởi nghiệp kinh doanh.

Tôn trọng một số nguyên tắc cơ bản của hợp tác xã, phù hợp với điều kiện thị trường, công nghệ luôn thay đổi. Nguyên tắc cần được tôn trọng là thành viên sử dụng dịch vụ là người kiểm soát hợp tác xã, thụ hưởng thành quả của hợp tác xã.

4 điểm nghẽn trong phát triển hợp tác xã

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), sau 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp đã vượt qua những yếu kém, khó khăn và có những bước tiến mang tín hiệu khả quan, trở thành lực lượng có nhiều tiềm năng phát triển.

Đến hết tháng 6/2022, cả nước có 18.760 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm trên 70% tổng số hợp tác xã cả nước. Hợp tác xã nông nghiệp có vai trò quan trọng trong việc tổ chức lại sản xuất trong khu vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ngoài ra, hợp tác xã còn là mô hình kinh tế xã hội ở nông thôn, giúp tạo việc làm, an sinh xã hội và phát triển cộng đồng ở nông thôn.

Tuy nhiên, thời gian qua, ông Lê Đức Thịnh cho rằng các hợp tác xã nói chung và hợp tác xã nông nghiệp nói riêng còn gặp nhiều thách thức. Các hợp tác xã tuy tăng trưởng nhanh về mặt số lượng nhưng chất lượng hoạt động còn khiêm tốn.

Số lượng thành viên hợp tác xã nông nghiệp liên tục giảm. Công tác quản trị, quản lý hợp tác xã gặp nhiều khó khăn. Quy mô của các hợp tác nhỏ, doanh thu thấp. Đặc biệt, vai trò hỗ trợ cho các thành viên hợp tác xã trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp trước biến động kinh tế thị trường, tác động của dịch bệnh chưa thực sự nổi bật.

Ảnh tác giả

“Suy cho cùng, sở dĩ nông dân còn thờ ơ, chưa quan tâm đến hợp tác xã là vì hiệu quả hoạt động chưa tốt. Nếu các hợp tác xã mang lại những lợi ích thiết thực hơn, nâng cao phúc lợi về kinh tế, xã hội tại khu vực nông thôn thì người dân sẽ hào hứng tham gia hợp tác xã”.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn

Theo đó, ông Lê Đức Thịnh đã nêu những nguyên nhân khiến các hợp tác xã chậm phát triển. Đó là những hạn chế từ nội tại của các hợp tác xã; đội ngũ lãnh đạo cũng như thành viên hầu như đều là các hộ sản xuất nhỏ; đặc biệt, khung pháp lý để phát triển hợp tác xã, cụ thể là Luật Hợp tác xã năm 2012 còn nhiều bất cập, hạn chế.

Ông Thịnh cho rằng, hiện nay đang tồn tại 4 điểm nghẽn trong việc phát triển hợp tác xã nông nghiệp: Thứ nhất là thành viên hợp tác xã còn nhỏ lẻ, manh mún. Thứ hai là khung pháp lý. Thứ ba là đất đai cho hợp tác xã. Thứ tư là các cơ chế chính sách cho các hợp tác xã.

Hiện nay, các hợp tác xã đang gặp những khó khăn, vướng mắc đến từ vấn đề đất đai để xây dựng các trụ sở, nhà xưởng, nhà kho, khu sơ chế… Bên cạnh đó, để có được vốn sản xuất kinh doanh, các hợp tác xã phải đi vay, trong khi các hợp tác xã không có tài sản thế chấp.

“Đối với các cơ chế chính sách, chúng ta có quá nhiều chính sách nhưng chưa hiệu quả, thiếu nguồn lực thực hiện. Thủ tục để các chính sách được thực hiện một cách phù hợp với các hợp tác xã nông nghiệp còn gặp khó khăn. Trong các nhóm chính sách, nhất là nhóm chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp có nhiều loại chính sách cần được cụ thể hóa mới có thể triển khai được trong thực tiễn, điển hình như chính sách về đất đai cho các hợp tác xã”, ông Thịnh phân tích.

Trước đó, ngày 5/7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông thông tin, Bộ này được giao là cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Đến nay, dự thảo Luật đã xây dựng xong và đang lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, cơ quan liên quan, các địa phương, các tổ hợp tác, hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, liên hiệp hợp tác xã và quần chúng nhân dân.

Qua trao đổi, thảo luận tại buổi tọa đàm, những bất cập trong việc thực hiện Luật hợp tác xã năm 2012 trong 10 năm qua được nhận diện rõ hơn, thực chất hơn và có nhiều ý kiến góp ý, làm cơ sở cho Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Tin liên quan

Đọc tiếp