Không thể để cấu trúc doanh nghiệp lệch lạc như hiện nay

DOANH NGHIỆP Việt nAM
07:00 - 15/12/2021
Không thể để cấu trúc doanh nghiệp lệch lạc như hiện nay
0:00 / 0:00
0:00
“Các anh các chị tưởng tượng một quốc gia nông nghiệp, đang hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao mà mỗi năm chỉ có khoảng 1.000-2.000 doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực nông nghiệp...cơ cấu doanh nghiệp trong nền kinh tế như vậy phù hợp chưa?"

Giám đốc Economica Việt Nam, TS. Lê Duy Bình nhận định rằng xu hướng phát triển của hệ thống doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang tồn tại một khiếm khuyết kéo dài mà ông mô tả như một "sự lệch lạc về cấu trúc".

"Mặc dù số lượng doanh nghiệp trong nền kinh tế tăng nhanh trong những năm qua và tiếp tục tăng lên trong đại dịch, bản thân khu vực này vẫn tồn tại những thách thức mang tính cơ cấu cần được giải quyết kịp thời để đóng góp tốt nhất cho sự phục hồi, phát triển chung của nền kinh tế", TS. Lê Duy Bình phát biểu tại Diễn đàn "Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 -2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp" chiều ngày 14/12.

Từ 1991, khi Luật công ty, Luật doanh nghiệp tư nhân có hiệu lực, bắt đầu cho phép khu vực kinh tế tư nhân phát triển, trong vòng 30 năm số lượng doanh nghiệp phát triển rất mạnh mẽ. Giai đoạn 1991-2005, trung bình mỗi năm có 26.817 doanh nghiệp mới được thành lập; giai đoạn 2005-2014 là 70.900 doanh nghiệp và giai đoạn 2015-2020 con số đã tăng lên tới 122.500 doanh nghiệp.

"Như vậy, các doanh nghiệp đã đóng góp lớn vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế", ông Bình nói.

Theo TS. Bình, trong thời gian tới, nhiệm vụ mà kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đặt ra với khu vực doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành các mục tiêu về số lượng (như phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn).

Điều cần làm là "hướng đến giải quyết các vấn đề cấu trúc lại hệ thống doanh nghiệp, từ cơ cấu doanh nghiệp cho đến năng lực tài chính, năng suất lao động…," theo TS. Lê Duy Bình, để giải toả kịp thời "những thách thức mang tính cơ cấu giúp hệ thống doanh nghiệp có thể đóng góp tốt nhất cho sự phục hồi, phát triển chung của nền kinh tế".

Từ góc nhìn tư vấn thiết kế chính sách, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng chia sẻ: “Trên tinh thần doanh nghiệp là xương sống của nền kinh tế, phải tập trung phát triển lực lượng doanh nghiệp. Tạo ra giá trị gia tăng trong quá trình phát triển doanh nghiệp thì sẽ có những cơ sở thực chất để phát triển kinh tế xã hội”.

Số doanh nghiệp thành lập mới trong nền kinh tế từ năm 1991 đến 2020 (Nguồn: Bộ KH&ĐT, Economica)

Số doanh nghiệp thành lập mới trong nền kinh tế từ năm 1991 đến 2020 (Nguồn: Bộ KH&ĐT, Economica)

"Không thể để cấu trúc doanh nghiệp lệch lạc như hiện nay"

Xét cơ cấu kinh tế từ góc độ lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, TS. Lê Duy Bình chỉ ra rằng trong hơn 122.500 doanh nghiệp được thành lập hàng năm thì có tới gần 100.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, nhiều nhất là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa với quy mô nhỏ, giá trị gia tăng thấp. Số còn lại là các doanh nghiệp công nghiệp, xây dựng hay nông lâm ngư nghiệp.

Năm 2019, trong số hơn 138.000 doanh nghiệp thành lập mới, có tới hơn 99.500 doanh nghiệp trong khu vực dịch vụ, 36.500 doanh nghiệp trong khu vực công nghiệp & xây dựng, chỉ có hơn 2.000 doanh nghiệp trong khu vực nông lâm ngư nghiệp (Nguồn: Tổng cục Thống kê, Economica)

Năm 2019, trong số hơn 138.000 doanh nghiệp thành lập mới, có tới hơn 99.500 doanh nghiệp trong khu vực dịch vụ, 36.500 doanh nghiệp trong khu vực công nghiệp & xây dựng, chỉ có hơn 2.000 doanh nghiệp trong khu vực nông lâm ngư nghiệp (Nguồn: Tổng cục Thống kê, Economica)

Ảnh tác giả

“Các anh các chị tưởng tượng một quốc gia nông nghiệp, một quốc gia đang hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao mà mỗi năm chỉ có khoảng 1.000-2.000 doanh nghiệp mới thành lập hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chưa bằng con số lẻ trong số bình quân 122.500 doanh nghiệp được thành lập mỗi năm trong nền kinh tế...Có lẽ vấn đề chúng ta nên bàn đến là cơ cấu doanh nghiệp trong nền kinh tế như vậy đã phù hợp hay chưa?

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam

"Ở góc độ đó, có lẽ vấn đề chúng ta nên bàn đến là cơ cấu doanh nghiệp trong nền kinh tế như vậy đã phù hợp hay chưa? Chúng ta đã thực sự quan tâm tới các doanh nghiệp nông nghiệp, khu vực nông thôn hay chưa? Cần có biện pháp để phát triển các doanh nghiệp ở nông thôn như thế nào để đưa Việt Nam trở thành điểm sáng quốc tế về chế biến và xuất khẩu nông lâm thủy sản, sản phẩm nông nghiệp”, ông Bình trăn trở.

Về vấn đề cơ cấu kinh tế từ góc độ quy mô doanh nghiệp, trong số hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động tính đến năm 2020, chỉ có khoảng 17.000 doanh nghiệp lớn, 21.000 doanh nghiệp vừa nếu xét theo tiêu chí tại Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong khi đó, ông Bình cho rằng, doanh nghiệp quy mô vừa mới là những doanh nghiệp có tiềm năng chuyển thành doanh nghiệp lớn, có khả năng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.

“Việt Nam thiếu doanh nghiệp lớn là điều dễ hiểu, vì ta mới trải qua quá trình phát triển khoảng 30 năm. Nhưng vấn đề quan trọng là chúng ta thiếu các doanh nghiệp quy mô vừa. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Cần xem xét trong thời gian tới hình thành doanh nghiệp vừa ra sao, không thể để cấu trúc doanh nghiệp lệch lạc như hiện nay", chuyên gia kinh tế từ Economica Việt Nam cho hay.

"Đa phần doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nếu ta nhìn vào sơ đồ của các quốc gia có truyền thống phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ như Hàn Quốc thì sẽ thấy phần về doanh nghiệp cỡ vừa sẽ nở ra rất lớn", ông Lê Duy Bình cho hay. (Nguồn: Bộ KH&ĐT, Economica)
"Đa phần doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nếu ta nhìn vào sơ đồ của các quốc gia có truyền thống phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ như Hàn Quốc thì sẽ thấy phần về doanh nghiệp cỡ vừa sẽ nở ra rất lớn", ông Lê Duy Bình cho hay. (Nguồn: Bộ KH&ĐT, Economica)

Xét theo khu vực kinh tế, theo TS Bình, vấn đề trọng tâm là cải cách doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), nâng cao năng lực tự cường của doanh nghiệp trong nước và chuyển đổi khu vực kinh doanh phi chính thức (hộ kinh doanh cá thể).

Khu vực DNNN đang nắm giữ những nguồn lực quan trọng của nền kinh tế với khoảng 25% tổng vốn sản xuất kinh doanh, 23% tổng giá trị tài sản cố định và tài sản đầu tư tài chính dài hạn, tuy nhiên đóng góp cho nền kinh tế lại chưa tương xứng.

Theo Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp năm 2020, tổng tài sản của khu vực DNNN tăng, vốn chủ sở hữu tăng nhưng tổng doanh thu và lãi trước thuế lại giảm, thậm chí giảm mạnh hơn cả khu vực kinh tế tư nhân. Đến cuối năm 2020, 11 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn Nhà nước lỗ lũy kế 11.640 tỷ đồng, 7 công ty mẹ lỗ hơn 6.000 tỷ.

Khu vực hộ kinh doanh cá thể và khu vực DNNN là hai khu vực đóng góp lớn nhất trong nền kinh tế (Nguồn: TCTK, Economica)

Khu vực hộ kinh doanh cá thể và khu vực DNNN là hai khu vực đóng góp lớn nhất trong nền kinh tế (Nguồn: TCTK, Economica)

Khu vực kinh doanh phi chính thức (5 triệu hộ kinh doanh cá thể) hiện đang đóng góp lớn vào tỷ trọng GDP nói chung và thị trường lao động (khoảng 8 triệu lao động trong nền kinh tế thuộc khu vực này). Ông Bình cho rằng cần nâng cao tính chính thức của khu vực này để tái cấu trúc kinh tế bền vững hơn.

Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI), hiện có khoảng 18.700 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam và tận dụng rất tốt các ưu đãi từ 17 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

“Đáng chú ý, khu vực doanh nghiệp FDI hiện đóng góp tới khoảng 70% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam, điều này đặt ra vấn đề tự cường cho các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Lê Duy Bình nhận định.

Doanh nghiệp FDI tăng nhanh về số lượng (Nguồn: TCTK, Bộ KH&ĐT, Economica)....

Doanh nghiệp FDI tăng nhanh về số lượng (Nguồn: TCTK, Bộ KH&ĐT, Economica)....

...và đóng góp phần lớn trong kim ngạch thương mại quốc gia (Nguồn: TCTK, Economica)

...và đóng góp phần lớn trong kim ngạch thương mại quốc gia (Nguồn: TCTK, Economica)

Tái cấu trúc kinh tế từ góc độ “sức khỏe” doanh nghiệp

Thực tế tồn tại khoảng cách rất lớn giữa doanh nghiệp đăng ký thành lập và doanh nghiệp hiện đang hoạt động. “Theo số liệu từ Cục Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính có khoảng 1,4 triệu doanh nghiệp đã đăng ký thành lập, nhưng doanh nghiệp hoạt động thực chất chỉ khoảng hơn 800.000.”, ông Lê Duy Bình nhận định.

Ảnh tác giả

"Vấn đề lớn với doanh nghiệp Việt Nam là có tới gần một nửa trong số doanh nghiệp đã khai sinh hiện không còn tồn tại hoặc không đi vào hoạt động. Chỉ hơn một nửa còn tồn tại hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là vấn đề lớn mang tính cấu trúc cần được giải quyết trong thời gian tới."

Ông Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam

Cũng theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà ông Lê Duy Bình viện dẫn, trong số hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động năm 2020, khoảng 48,8% trong tình trạng thua lỗ, chỉ 43% có lãi.

(Nguồn: Bộ KH&ĐT, Economica)

(Nguồn: Bộ KH&ĐT, Economica)

Xét theo quy mô doanh nghiệp, doanh nghiệp càng nhỏ càng có xu hướng thua lỗ lớn. Con số lấy từ sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam về lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019 cho thấy doanh nghiệp siêu nhỏ thua lỗ tổng cộng 71.000 tỷ đồng, doanh nghiệp nhỏ lỗ 3.400 tỷ đồng, trong khi doanh nghiệp vừa và lớn đều có lãi lần lượt 27,1 nghìn tỷ đồng và 937,4 nghìn tỷ đồng.

Xét theo lĩnh vực kinh tế, doanh nghiệp trong khu vực dịch vụ, sản xuất công nghiệp và xây dựng có lãi so với mức lỗ khoảng 0,5 nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp trong khu vực nông lâm nghiệp.

Ảnh tác giả

“Doanh nghiệp lỗ thì rất khó mở rộng sản xuất, tích tụ tư bản, tăng quy mô, chưa nói đến chuyện trụ lại thị trường. Khả năng tạo ra lợi nhuận bền vững của doanh nghiệp là một vấn đề lớn với nền kinh tế. Trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, phải làm sao cho bức tranh năng lực tài chính của doanh nghiệp trở nên tươi sáng hơn”.

Ông Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam

Tái cấu trúc kinh tế từ góc độ lao động trong doanh nghiệp

Hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế đã đóng góp hơn 15 triệu công ăn việc làm, mà nếu không có số doanh nghiệp đó, người lao động sẽ phải chuyển sang làm việc trong các khu vực phi chính thức, nông nghiệp, nông thôn… Do đó, vị chuyên gia kinh tế từ Economica Việt Nam nhận định đóng góp của doanh nghiệp trong quá trình tái cấu trúc thị trường lao động, đưa bộ phận rất lớn người lao động vào khu vực chính thức, nâng cao thu nhập, an sinh xã hội… là rất đáng kể.

Tuy nhiên, khoảng 14% trong số 15 triệu lao động thuộc khu vực doanh nghiệp đến nay chưa tham gia bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, đánh giá của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) năm 2019 cho thấy năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp nhất so với các nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN, chỉ cao hơn 2 quốc gia là Campuchia và Myanmar. Ông Lê Duy Bình nhận định đây tiếp tục là vấn đề mang tính cơ cấu mà kế hoạch tái cấu trúc kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần giải quyết.

Trong khuôn khổ Diễn đàn "Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 -2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp", ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trên thế giới xuất hiện các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số và sự thay đổi đổi nhanh chóng các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng… Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế cũng như tái cơ cấu doanh nghiệp.

Từ phía doanh nghiệp, trong tiến trình tái cơ cấu, cần phát huy tinh thần chủ động, nhất là khi môi trường kinh doanh còn có yếu tố chưa ổn định, cần đến năng lực thích ứng, điều chỉnh và nắm bắt cơ hội.

Từ góc độ chính sách, TS. Trần Thị Hồng Minh nhận định tác động lớn nhất của kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 với hoạt động doanh nghiệp là hướng đến tạo ra một khung khổ thể chế hoàn thiện, phù hợp, từ đó tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển và vươn lên của doanh nghiệp.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.