Kiến nghị của ngành nông nghiệp về 'giải cứu’ các container hạt điều bị lừa

Điều Việt nAM
14:47 - 18/03/2022
0:00 / 0:00
0:00
Thương vụ Việt Nam tại Italia cho biết hiện vẫn còn 30 container điều đang bị mất kiểm soát. Bộ NN&PTNT đã có kiến nghị với Chính phủ và các bộ ngành về phương án giải quyết vụ này.

Trước đó, các doanh nghiệp xuất khẩu điều trong vụ “thất lạc” container điều nói trên đã thông qua Công ty Môi giới Kim Hạnh Việt ký hợp đồng với một số khách hàng Italy để xuất khẩu nhân điều sang nước này. Tổng lượng hàng xuất khẩu là 74 container. Các doanh nghiệp Việt thực hiện hợp đồng với phương thức thanh toán nhờ thu, hay còn gọi là “Trả tiền nhận chứng từ D/P”.

Tính đến 15/3/2022, còn 36/74 container hàng với giá trị 162 tỷ đồng đang thất lạc chứng từ. Trong đó, có 8 container hàng đã cập cảng Genova của Italy, các container hàng còn lại sẽ đến cảng của nước này vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2022.

Thông tin mới nhất từ Thương vụ Việt Nam tại Italia hiện còn khoảng 30 lô hàng phía doanh nghiệp Việt Nam mất quyền kiểm soát.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 1583/CĐ-VPCP ngày 14/3 về việc xuất khẩu điều sang thị trường Châu Âu, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có cuộc họp với Lãnh đạo Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) để hỗ trợ doanh nghiệp xử lý vụ việc điều xuất khẩu sang Italy.

Trên cơ sở kết quả của cuộc họp, ngày 17/3/2022, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo về vụ việc. Trong đó Bộ này sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và VINACAS theo sát tình hình, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, tránh thiệt hại cho các doanh nghiệp.

Đồng thời, Bộ chỉ đạo VINACAS và các doanh nghiệp tiếp tục làm việc với Văn phòng luật sư Davide Gallasso và Đại sứ quán Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Italy để làm việc với các cơ quan thẩm quyền nước này, chưa thông quan với 36 container hàng đang mất chứng từ gốc hoặc chỉ cho thông quan khi có xác định của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam (bên bán).

Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ giao Bộ Giao thông và Vận tải làm việc với các hãng tàu để giữ 36 container đang thất lạc hồ sơ gốc. Ảnh: TL.

Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ giao Bộ Giao thông và Vận tải làm việc với các hãng tàu để giữ 36 container đang thất lạc hồ sơ gốc. Ảnh: TL.

Cụ thể, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông và Vận tải làm việc với các hãng tàu vận tải 36 container hàng đang thất lạc hồ sơ gốc để phối hợp giữ hàng, tạo điều kiện cho bên luật sư xử lý dứt điểm vụ việc, để doanh nghiệp được lấy lại hàng và tái xuất sang thị trường khác.

Kiến nghị giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm việc với các ngân hàng thương mại (là ngân hàng thực hiện nghiệp vụ nhận tiền cho công ty xuất khẩu) rà soát lại quá trình thực hiện giao dịch với ngân hàng của bên mua hàng để xác định nguyên nhân và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xử lý hồ sơ của những lô hàng đang thất lạc hồ sơ gốc.

Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an tìm hiểu vụ việc, nếu phát hiện có yếu tố phạm pháp là các tổ chức, cá nhân trong nước thì xử lý theo quy định pháp luật Việt Nam; là các tổ chức, cá nhân nước ngoài, làm việc với Interpol để xử lý theo quy định quốc tế.

Nhận định các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cũng lưu ý khi sân chơi ngày một lớn, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những thách thức, rủi ro. Vì vậy, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, hiệp hội liên quan phổ biến cho các doanh nghiệp kiến thức kinh tế, thương mại quốc tế tốt, thận trọng khi giao dịch với các bạn hàng mới để tránh các rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam, các công ty ký kết hợp đồng với doanh nghiệp Việt Nam đều có đăng ký ở Italy, mới thành lập và rất nhỏ (thông tin này có thể tra trên google), địa điểm văn phòng nằm giữa khu cánh đồng, không đáng tin cậy để ký kết hợp đồng với số lượng và giá trị lớn.

Rút kinh nghiệm từ sự việc này, Bộ NN&PTNT khuyến cáo các doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng xuất khẩu phải phối hợp với hiệp hội ngành hàng, Thương vụ Việt Nam tại nước nhập khẩu để tìm hiểu rõ về đơn vị môi giới, khách hàng, ngân hàng thanh toán để tránh những rủi ro trong thương mại.

Bộ Công Thương cũng vừa khuyến cáo các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu cần kiểm tra, xác thực kỹ đối tác qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có kênh cơ quan Thương vụ Việt Nam tại các nước.

Các doanh nghiệp nên trao đổi với đơn vị tư vấn để hiểu rõ, nắm vững nội dung các điều khoản của hợp đồng, các nghĩa vụ của mỗi bên, các trường hợp miễn trừ trách nhiệm, quy định về xử lý tranh chấp, bồi thường… Đồng thời, lưu ý các các biện pháp phòng ngừa và quản trị rủi ro, trong đó có việc mua bảo hiểm đầy đủ và chủ động thuê tàu, kiểm soát các khâu trong chuỗi logistics.

D/P là một hình thức thanh toán rủi ro vì doanh nghiệp không nhận được tiền cọc, không nhận được tiền ứng trước, mà lại chủ động xuất hàng, cho hàng lên tàu, hàng đi trên tàu rồi, khách vẫn có quyền lựa chọn mua hay không mua, thanh toán hay không thanh toán.

Bản chất của phương thức thanh toán D/P là nhờ thu qua ngân hàng, nghĩa là đơn vị nhập khẩu phải trả tiền mới lấy được chứng từ. Tuy nhiên, khi xảy ra việc mất chứng từ gốc, phương thức thanh toán D/P được đánh giá là thiệt hại cho người bán hơn.

Tin liên quan

Đọc tiếp