Lao động ngành du lịch: Đào tạo để khơi dậy “lửa nghề” cho hành trình mở cửa

LAO ĐỘNG Việt nAM
22:07 - 13/10/2021
Lao động ngành du lịch: Đào tạo để khơi dậy “lửa nghề” cho hành trình mở cửa
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành đang rà soát, đào tạo lại nguồn nhân lực để mở đường cho việc phục hồi thị trường du lịch vốn đã gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch COVID-19.

Từ tháng 11/2021, việc thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc chính thức được triển khai. Nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành đã có sự chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực, chú trọng việc rà soát, đào tạo lại nguồn nhân lực để vực dậy, kích hoạt nhiều hoạt động dịch vụ, mở đường cho việc phục hồi thị trường du lịch vốn đã gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch COVID-19.

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trên cơ sở kinh nghiệm mở cửa thí điểm tại Phú Quốc, từ tháng 11/2021 và đánh giá hiệu quả, đúc rút kinh nghiệm, điều chỉnh mô hình thí điểm cho phù hợp thực tiễn. Sau đó sẽ nhân mở rộng thí điểm đón khách quốc tế tới một số điểm đến khác đáp ứng yêu cầu như: Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)....

Theo đó, việc khôi phục hoạt động du lịch phải chú trọng công tác tổ chức tập huấn các quy định, biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch COVID-19. Cụ thể, từ tháng 10/2021, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã đề ra quy trình đón và phục vụ khách du lịch, tiêu chí dịch vụ du lịch an toàn. Chuẩn bị phương án, nguồn lực dự phòng cho các sự cố, rủi ro...

Về phía địa phương, bên cạnh việc tiêm chủng cho người dân; lựa chọn tuyến, điểm và đơn vị cung cấp dịch vụ và quy trình phục vụ khách thì công tác tập huấn cho người lao động cũng dần được triển khai qua các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh; có phương án, nguồn lực dự phòng cho các sự cố, rủi ro và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch.

Để sẵn sàng tái xuất trở lại, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành hiện rất chú trọng việc rà soát, đào tạo lại nguồn nhân lực, tạo môi trường để người lao động làm quen, bắt đầu vào guồng.

Ông Trần Đạo Đức – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn CEO bày tỏ quan điểm: "CEO là một trong những doanh nghiệp đầu tiên triển khai sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, hạ tầng du lịch cho việc đón nhận khách quốc tế đến với đảo Ngọc Phú Quốc. Khách sạn Novotel Phu Quoc Resort là khách sạn 5 sao tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên được mở ở Phú Quốc, sau đó là Best Western Premier Sonasea Phu Quoc và đến nay Tập đoàn CEO đã có hơn 1.500 phòng tiêu chuẩn quốc tế đạt chuẩn 5 sao để đón du khách đến với đảo Ngọc".

Doanh nghiệp này đã xây dựng các kịch bản trong trường hợp cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho du khách và người lao động. Mỗi khách sạn đều đã xây dựng các phương án, từ việc thực hiện sàng lọc, giãn cách, khử khuẩn... ngay từ khi khách đến. Mục tiêu là đảm bảo an toàn cho du khách, cho nhân viên và cho cộng đồng.

“Trong thời gian không hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh, chúng tôi vẫn duy trì một lượng nhân viên để đảm bảo các hoạt động tối thiểu của khách sạn đồng thời thực hiện công tác đào tạo nhân viên, bảo hành bảo trì, sửa chữa nâng cấp các cơ sở dịch vụ sẵn có… để đảm bảo ngay sau khi Chính phủ, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cho phép đón nhận khách quốc tế và kể cả khách nội địa trong thời gian tới”, ông Đức nhấn mạnh.

Về phía các đơn vị lữ hành, ông Chu Thanh Tuyền, Tổng giám đốc Công ty Du lịch lữ hành quốc tế Asia Discovey Travel thông tin, trước tình hình khó khăn của ngành du lịch suốt 2 năm qua, Công ty đã khắc phục khó khăn bằng cách cắt giảm nhân lực, chuyển từ kinh doanh truyền thống sang online tại nhà vừa tiết kiệm chi phí vừa thực hiện 5K của chính phủ.

Tuy nhiên, Công ty vẫn duy trì liên hệ với các đối tác lớn, trau dồi kiến thức, đặc biệt đầu tư lại website với đa ngôn ngữ, ứng dụng công nghệ số vào marketing để chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại. Tuy nhiên, ông Tuyền cũng thừa nhận: "Cuộc chuyển đổi số đã được triển khai ở nhiều doanh nghiệp trong ngành nên nhân sự cần phải cập nhật kiến thức mới để nắm bắt kịp công việc sắp tới".

Mặc dù các doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành rất “nóng ruột”, đau đáu chuẩn bị các phương án hoạt động trở lại thì người lao động từng làm việc trong ngành lại có tâm lý “ngại” quay lại với nghề, bởi hàng loạt những yêu cầu mới mẻ về nghiệp vụ, trong điều kiện vừa hoạt động vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch. Đó là tâm sự của chị Hoàng Thu – một hướng dẫn viên du lịch đã chuyển sang bán hàng online gần 2 năm qua.

Điều đó đặt ra nhu cầu cấp thiết cho tiến trình đào tạo lại nguồn nhân lực, đòi hỏi lãnh đạo ngành cần xây dựng quy trình từ việc thống kê xem nguồn nhân lực còn lại là bao nhiêu, số lượng sẵn sàng hoạt động bao nhiêu, năng lực và trình độ đang ở đâu để có chính sách đào tạo cho phù hợp đáp ứng kịp nhu cầu mở cửa du lịch, mở cửa kinh tế./.

Tin liên quan

Đọc tiếp