Liên tiếp đắm tàu chở người di cư tại Italy và Tunisia

Di cư CHÂU ÂU
08:29 - 07/08/2023
Italy đang ghi nhận làn sóng di cư trên biển. Ảnh: Reuters
Italy đang ghi nhận làn sóng di cư trên biển. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Trong cùng ngày 6/8, Italy ghi nhận một vụ đắm tàu di cư xảy ra ngoài khơi đảo Lampedusa, khiến 2 người thiệt mạng và 30 người khác mất tích trong khi Tunisia cũng ghi nhận một vụ đắm tàu di cư khiến 4 người thiệt mạng.

Theo hãng tin Reuters, lực lượng bảo vệ bờ biển Italy ngày 6/8 đã giải cứu được 57 người khỏi vụ đắm tàu. Tuy nhiên, số người mất tích vẫn đang dừng ở ngưỡng 30 trong khi số người chết là 2. Tuyên bố chính thức của lực lượng bảo vệ bờ biển mô tả 2 nạn nhân thiệt mạng là một phụ nữ và một trẻ em trong khi hãng thông tấn Ansa của Italy trước đó đưa tin 2 nạn nhân là một bà mẹ và đứa trẻ một tuổi tới từ Bờ Biển Ngà.

Ngoài ra theo Ansa dẫn lời những người sống sót, vụ tai nạn liên quan tới 2 tàu, trong đó một chiếc tàu chở 48 người và chiếc thứ hai chở 42 người. Lực lượng cứu hộ đã tìm thấy những người sống sót ở vị trí 46 km về phía tây nam của đảo Lampedusa.

Các cơ quan chức năng Italy chưa cập nhật thêm chi tiết về vụ đắm tàu nhưng cho biết nó xảy ra ở vùng biển động. Trang web tin tức địa phương Agrigento Oggi dẫn lời cảnh sát trưởng tỉnh Emanuele Ricifari khẳng định bất kỳ ai cho phép những người di cư trên thuyền trong thời tiết xấu như vậy "là một tên tội phạm điên rồ không có lương tâm”.

Trên thực tế, Italy đang trải qua một làn sóng di cư bằng đường biển. Dữ liệu Bộ Nội vụ nước này công bố ngày 4/8 cho thấy riêng trong năm 2023, nước này đã ghi nhận gần 92.000 lượt đến so với khoảng 43.000 lượt trong cùng kỳ năm 2022. Riêng tại Lampedusa, các tàu tuần tra của Italy và các nhóm phi chính phủ (NGO) giải cứu trên biển đã tiến hành công tác cứu hộ với hơn 2.000 người di cư chỉ trong vài ngày qua.

Ngày 5/8 trước đó, lực lượng bảo vệ bờ biển Italy đã tiến hành một cuộc giải cứu "phức hợp" ở phía nam Lampedusa khi đón hành khách của 2 chiếc thuyền di cư bị chìm. Các nhà chức trách cho biết những chiếc thuyền này có khả năng cao khởi hành từ khu vực Sfax của Tunisia, một điểm nóng trong cuộc khủng hoảng di cư.

Tới ngày 6/8, dịch vụ cứu hộ vùng núi của Italy tiếp tục sử dụng trực thăng tiến hành giải cứu 34 người di cư khỏi một vách đá ở Lampedusa – nơi họ bị mắc kẹt từ cuối ngày 4/8 sau một vụ đắm tàu khác. Trong cùng ngày, nhóm NGO Tây Ban Nha Open Arms cho biết đã thành công xin phép đưa 195 người di cư được giải cứu ở cảng Brindisi, miền nam Italy, lên bờ sau hơn 2 ngày chèo thuyền trên biển động.

Ở một diễn biến khác, Reuters trích dẫn một quan chức tư pháp Tunisia ngày 6/8 cho biết một vụ đắm tàu di cư ngoài khơi đảo Kerkennah khiến 4 người thiệt mạng và 51 người mất tích. Tất cả những người di cư trên tàu đều đến từ khu vực châu Phi cận Sahara.

Trong khoảng thời gian gần đây, Tusinisa đã thay thế Libya trở thành điểm khởi hành chính cho những người muốn trốn chạy khỏi nghèo đói và xung đột tại châu Phi và Trung Đông với hy vọng tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn tại châu Âu. Quốc gia Bắc Phi này đang phải đối mặt với làn sóng di cư kỷ lục trong năm 2023 trong khi thường xuyên ghi nhận các thảm họa đắm tàu của những người di cư từ châu Phi cận Sahara hướng tới bờ biển Italy.

Từ 1/1 tới 20/7/2023, Bộ trưởng Nội vụ Tunisia cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển Tunisia đã tìm thấy tổng cộng 901 thi thể của những người di cư bị chết đuối ngoài khơi, đánh dấu một con số chưa từng có.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.