Malaysia cân nhắc cấm xuất khẩu dầu cọ sang EU

Dầu cọ MALAYSIA
16:37 - 14/01/2023
Thu hoạch cọ tại Kuala Selangor, Selangor, Malaysia. Ảnh: Reuters
Thu hoạch cọ tại Kuala Selangor, Selangor, Malaysia. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Hôm 12/1, nhà sản xuất dầu cọ lớn thứ 2 thế giới Malaysia cho biết đang cân nhắc ngừng xuất khẩu dầu cọ sang Liên minh châu Âu (EU), sau khi khối này áp đặt các hạn chế nhập khẩu bổ sung đối với dầu ăn do các lo ngại về nạn phá rừng.

Trên thực tế, Malaysia và Indonesia trong nhiều năm qua vẫn luôn bất đồng với Liên minh châu Âu về vấn đề nhập khẩu dầu cọ. Theo Reuters, 2 quốc gia Đông Nam Á coi các yêu cầu của EU là rào cản thương mại với ngành công nghiệp hạt ép dầu trong nước của mình.

Gần đây, các quy định mới liên quan tới phá rừng của EU được công bố từ năm 2018 đã bổ sung thêm một chỉ thị về năng lượng tái tạo. Chỉ thị mới này yêu cầu loại bỏ nhiên liệu dựa trên cọ được sử dụng trong quá trình vận chuyển vào năm 2030. Thêm vào đó, EU cũng đặt ra một giới hạn an toàn riêng đối với este 3-MCPD gây ô nhiễm thực phẩm đối với dầu cọ, khác biệt so với các loại dầu mềm có nguồn gốc từ cây trồng như đậu tương, cải dầu và hướng dương.

Theo khối này, các quy định không nhắm tới bất kỳ quốc gia nào mà chỉ nhằm mục đích đảm bảo rằng sản xuất hàng hóa không tiếp tục thúc đẩy nạn phá rừng và suy thoái rừng. Tuy nhiên, Malaysia và Indonesia lại coi đây là một sự phân biệt đối xử.

Do đó, nhằm phản đối các yêu cầu mới này, đặc biệt là yêu cầu về năng lượng tái tạo, Indonesia và Malaysia - 2 quốc gia chiếm 85% lượng xuất khẩu dầu cọ của thế giới - đã đệ đơn kiện riêng lên Tổ chức Thương mại Thế giới. Malaysia hôm 12/1 cũng cho biết đang cân nhắc lệnh cấm xuất khẩu hoặc các biện pháp thuế quan khác.

Trước mắt, chính phủ Malaysia chỉ cho biết sẽ thảo luận với phía Indonesia về lệnh cấm xuất khẩu cũng như các chiến lược khác để ứng phó với yêu cầu mới từ EU. Cả 2 quốc gia gần đây đều đã đồng ý việc tăng cường hợp tác để chống lại “sự phân biệt đối xử” với mặt hàng dầu cọ.

Theo các nhà sản xuất dầu cọ này, họ đã thực hiện đầy đủ các bước và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của EU. Các yêu cầu này bao gồm đẩy mạnh các tiêu chuẩn chứng nhận dầu cọ bền vững quốc gia và cải thiện các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên ngược lại, EU vẫn tiếp tục áp đặt các hạn chế mới.

Trong bối cảnh đó, việc Malaysia cân nhắc ngừng xuất khẩu đã gây ra một số phản ứng trái chiều trên thị trường. Hiện tại giá dầu cọ thô kỳ hạn của Bursa Malaysia vẫn chưa thay đổi nhưng theo nhiều thương nhân, đây có thể là tín hiệu giảm giá. Một số người trong ngành cho rằng phản ứng này sẽ gây tổn hại trong khi có một số người lại ca ngợi nó.

Về cơ bản, EU là một thị trường chiếm 9,4% khối lượng xuất khẩu của Malaysia tính tới năm 2022 trong khi ngành công nghiệp dầu cọ chiếm 5% GDP của nước này. Nếu một lệnh cấm thực sự được đưa vào thực thi, nó sẽ tạo ra một số gián đoạn với ngành, đặc biệt là một số công ty dầu cọ Malaysia niêm yết công khai đã thành lập các nhà máy lọc dầu ở châu Âu.

Tuy nhiên kể từ năm ngoái dữ liệu của Ủy ban Dầu cọ Malaysia cho thấy xuất khẩu sang khối 27 thành viên đã giảm. Xuất khẩu dầu cọ năm 2022 của Malaysia sang EU giảm 10% so với năm 2021 xuống còn 1,47 triệu tấn. Đây là mức giảm 40% so với 2,43 triệu tấn trong năm 2015.

Hiệp hội diesel sinh học Malaysia trong năm ngoái cũng đã kêu gọi các quan chức trong ngành chấp nhận sự sụt giảm liên tục trong các chuyến hàng nhiên liệu sinh học từ cây cọ sang EU.

Vì vậy để bù đắp và chuẩn bị cho tổn thất từ thị trường châu Âu, Malaysia trong những năm gần đây đã tích cực khám phá các thị trường mới bao gồm các nước nhập khẩu thực phẩm ở Trung Đông, Trung Á và Bắc Phi.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.