Masan đặt cược vào hệ sinh thái tiêu dùng công nghệ

DOANH NGHIỆP Việt nAM
17:29 - 28/04/2022
Ông Danny Lê, Tổng giám đốc Masan trình bày tại ĐHĐCĐ 2022.
Ông Danny Lê, Tổng giám đốc Masan trình bày tại ĐHĐCĐ 2022.
0:00 / 0:00
0:00

Tại Đại hội đồng cổ đông 2022 ngày 28/4, các lãnh đạo CTCP Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) đều nhấn mạnh phương hướng phát triển của tập đoàn là xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng công nghệ 4.0, nhằm đạt được các mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng.

Đại hội đồng cổ đông 2022 của Tập đoàn Masan được phối hợp tổ chức với hai công ty thành viên là Masan MeatLife (mã chứng khoán MML), Masan Consumer (mã chứng khoán MCH) tại TP HCM.

Theo ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, năm 2022 doanh nghiệp này đặt ra kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng với doanh thu thuần hợp nhất lên tới 100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 36% so với mức thực hiện 74.200 tỷ đồng của năm 2021. Lợi nhuận sau thuế ước tính khoảng 8.500 tỷ đồng, tăng trưởng 124% so với mức 3.800 tỷ đồng trong năm 2021.

Trong đó, The Crown X sẽ là thành phần nòng cốt, đóng góp khoảng 68.000 – 76.000 tỷ đồng (tăng 17-31%). Ngoài ra, Masan High-Tech Materials (MHT) cũng đóng góp 14.500 – 15.000 tỷ đồng (tăng 7-11%).

Còn các mảng kinh doanh mới như Phúc Long sẽ đạt mức doanh thu 2.500 – 3.000 tỷ đồng nhờ mở rộng mạng lưới cửa hàng riêng và kios trong hệ sinh thái của Masan, cũng như việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm trà và cà phê. Mạng viễn thông Mobicast/Reddi cũng đặt mục tiêu thu hút cao nhất là một triệu thuê bao.

Để hoàn thành được các mục tiêu trên, ông Danny Lê, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan đã công bố hệ sinh thái Tiêu dùng Công nghệ - Masan 4.0, với lộ trình 5 năm để thiết lập nền tảng tiêu dùng công nghệ POL (point of life). Masan hi vọng Hệ sinh thái POL này sẽ giúp tích hợp 30.000 cửa hàng offline vào hệ thống logistics đầu cuối 4PL, tạo một nền tảng logistic có độ phủ rộng trên toàn quốc, giúp giảm 5% chi phí hàng hóa cho người tiêu dùng và gia tăng 5% lợi nhuận cho người bán hàng.

Đồng thời, ông Danny Lê cũng giới thiệu mô hình “Mini Mall”, một trung tâm mua sắm thu nhỏ tích hợp các sản phẩm, dịch vụ phục vụ nhu cầu cơ bản, các nhu cầu tài chính và nhu cầu tiêu dùng trải nghiệm. Theo đó, mỗi điểm bán WinMart+ sẽ được tích hợp các dịch vụ, sản phẩm của Phúc Long, Techcombank, Reddi và quầy thuốc. Sau khi thí điểm, lưu lượng khách tới các cửa hàng này đã tăng hơn 30%. Masan đặt mục tiêu triển khai quy mô 30.000 cửa hàng trên toàn quốc, đáp ứng 50% nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam trong tương lai.

Tầm nhìn năm 2025, Masan dự kiến tiết kiệm được 15% chi phí của chuỗi giá trị và phục vụ được 30 – 50% người tiêu dùng Việt Nam, với giá trị vòng đời đạt đến 30 – 50 tỷ USD.

Năm 2021, doanh thu thuần hợp nhất của Tập đoàn Masan đạt 88.629 tỷ đồng, tăng trưởng 14,8% so với mức 77.218 tỷ đồng năm 2020, nhờ sự tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ ở hầu hết các mảng kinh doanh. Lợi nhuận sau thuế phân bổ cho Cổ đông của Công ty năm 2021 tăng trưởng 593,8% đạt mức 8.561 tỷ đồng, mức kỷ lục trong lịch sử.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.