Mối lo ngại thiếu nguyên liệu cá tra quý I năm 2022

XUẤT KHẨU Việt nAM
09:00 - 12/12/2021
Mối lo ngại thiếu nguyên liệu cá tra quý I năm 2022
0:00 / 0:00
0:00

Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), vừa chia sẻ lo ngại về xuất khẩu cá tra có thể sụt giảm do nguy cơ thiếu nguyên liệu chế biến do diện tích nuôi cá tra chỉ đạt khoảng 45-50% tình hình trước khi có dịch bệnh.

Năm 2022, xuất khẩu cá tra có thể sụt giảm do nguy cơ thiếu nguyên liệu chế biến. Đây là mối lo ngại được Tổng cục Thủy sản chia sẻ trong hội nghị trực tuyến Giải pháp phát triển nuôi cá tra tháng cuối năm 2021 và năm 2022 do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức chiều 9/12.

Trước đó, từ tháng 7 đến tháng 9/2021, tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, sản lượng thủy sản bị giảm mạnh do các biện pháp phòng chống dịch bệnh, khiến diện tích nuôi cá tra chỉ đạt khoảng 45-50% tình hình trước khi có dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 có thể gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản đông lạnh, trong đó có cá tra.

Bà Lê Hằng, Phó giám đốc Trung tâm VASEPPRO cho biết tháng 9 và 10/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt lần lượt 82 và 136 triệu USD, bước sang tháng 11 đã "bứt tốc" đạt 227 triệu USD, tăng 57% so với cùng kỳ 2020.

Trong đó thị trường Mỹ chiếm 22% và Trung Quốc chiếm 28% tỉ trọng xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Ngoài ra, Brazil và Mexico là những thị trường có tăng trưởng tích cực, bù đắp sụt giảm những thị trường chủ lực.

Với những tín hiệu tích cực trên, dự báo xuất khẩu cá tra năm 2021 sẽ cán đích khoảng 1,54 tỉ USD, tăng nhẹ 3% so với năm 2020.

Dự báo năm 2022, bà Hằng cho biết giá trung bình xuất khẩu cá tra có thể sẽ tăng, tuy nhiên khó bù đắp được các chi phí đầu vào quá cao.

Cụ thể hơn, bà Hằng dự báo xuất khẩu sang thị trường Mỹ tiếp tục tăng vì nhu cầu thị trường này lớn, xuất khẩu sang Trung Quốc khó đoán định vì nước này vẫn kiểm soát chặt thủy sản nhập khẩu, còn thị trường EU có thể phục hồi nhưng không mạnh

Tuy nhiên, Phó giám đốc VASEPPRO cũng cho rằng, năm 2022, vẫn hy vọng có thể đạt kết quả khả quan hơn năm 2021 vì các doanh nghiệp Việt Nam đã dần thích ứng với những rào cản của thị trường này. Điều này thể hiện ở con số xuất khẩu cá tra tháng 11.2021 sang Trung Quốc đã tăng tới 79%.

Bà cũng đề nghị Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan quản lý địa phương tạo điều kiện về cơ chế cho việc phục hồi sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra. Đồng thời có chính sách hỗ trợ người nuôi, người lao động và doanh nghiệp để duy trì và ổn định sản xuất, có biện pháp kiểm soát, bình ổn chi phí đầu vào cho sản xuất.

Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Công ty TNHH Hùng Cá, đề nghị các tỉnh hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp để có cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất về quy hoạch vùng nuôi.

Ông Hùng đề nghị Bộ NN&PTNT cùng các địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân và doanh nghiệp để nuôi và mở rộng vùng nuôi cá tra nhằm đáp ứng yêu cầu quy mô quy hoạch của địa phương.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết trên cơ sở nhu cầu dự báo thị trường trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới sẽ có nhiều triển vọng.

Tuy nhiên quá trình nuôi phải mất 6-8 tháng nên trước mắt các địa phương phải rà soát cân đối lại số lượng trong những tháng tiếp theo, để từ đó có giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm cung ứng nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương quan tâm cơ chế chính sách phù hợp để phát triển vùng nuôi liên kết gắn với cơ sở chế biến tiêu thụ và chia sẻ thông tin điều tiết sản xuất theo yêu cầu thị trường. Các tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hợp tác liên kết các chuỗi cơ sở nuôi nhỏ lẻ để đảm bảo ổn định sản xuất.

Tin liên quan

Đọc tiếp