Muốn tái mở cửa du lịch thành công cần giải bài toán nhân lực

DU LỊCH LAO ĐỘNG
10:26 - 12/03/2022
Thiếu hụt lao động trong ngành du lịch đang là bài toán khó trước ngày mở cửa
Thiếu hụt lao động trong ngành du lịch đang là bài toán khó trước ngày mở cửa
0:00 / 0:00
0:00
Sau hai năm đóng băng do đại dịch, việc Việt Nam mở cửa lại du lịch từ ngày 15/3 là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, hiện nhiều lao động làm trong ngành này đã nghỉ việc, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng cho ngành.

Nhân lực ngành du lịch vốn đã thiếu và yếu, nay thêm tác động của đại dịch Covid-19 khiến tới 90% doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phải dừng hoạt động hoặc đổi mô hình kinh doanh, cắt giảm nhân sự. Do vậy có lượng lớn hướng dẫn viên, nhân viên ngành du lịch chuyển sang ngành nghề khác.

Tại Diễn đàn “Luồng xanh cho du lịch cất cánh" ngày 11/3, các chuyên gia, doanh nghiệp cũng chung nhận định nguồn nhân lực hiện tại là không đủ cho ngày mở cửa lại du lịch sắp đến gần. Ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội chia sẻ: "Trong hơn 2 năm dịch bệnh, người lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch cơ bản chuyển sang lĩnh vực khác, hoạt động du lịch không có nên nghiệp vụ của người lao động bị mai một".

Ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: BTC
Ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: BTC

Theo Sở Du lịch Hà Nội, có đến trên 95% doanh nghiệp, đại lý lữ hành đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Kinh doanh vận chuyển khách du lịch cũng sụt giảm, công suất xe lưu hành trung bình dưới 10% và không hoạt động trong thời gian giãn cách. Cùng với đó, số lao động bị sụt giảm mạnh. Đối với cơ sở lưu trú, khoảng 1.550 cơ sở tạm dừng hoạt động và chuyển đổi ngành nghề, gần 21.500 lao động tạm thời không có việc làm

Tình trạng trên không chỉ xảy ra tại Hà Nội. Theo bà Lê Mai Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, trao đổi tại nhiều địa phương cho thấy số lượng cơ sở lưu trú chỉ mở khoảng 50-70% và còn lại vẫn trong tình trạng đóng cửa. Việc này khiến đa số lao động trong ngành chuyển hướng sang nghề khác để kiếm sống.

Lực lượng lao động tại các cơ sở lưu trú có tỷ lệ nghỉ việc tương đối cao, có thời điểm lên đến 80%. Khi mở cửa trở lại, số lượng lao động quay lại làm việc thấp dẫn đến tình trạng phải làm việc luân phiên, đổi ca để đạt tối đa năng suất lao động.

Bà Lê Mai Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam. Ảnh: BTC
Bà Lê Mai Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam. Ảnh: BTC

Do đó, việc đào tạo nhân lực là một khâu quan trọng mà bản thân doanh nghiệp phải tự khắc phục, bên cạnh đó từ phía Nhà nước cũng cần có chế độ hỗ trợ các doanh nghiệp về tài chính.

Về vấn đề này, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Trần Thị Lan Anh cũng nhấn mạnh, Việt Nam cần có những chương trình đào tạo nâng cao chất lượng lao động hơn trước, tinh hơn trước và có nhiều sản phẩm mang tính cạnh tranh, thu hút khách hàng hơn trước.

Theo bà Lan Anh, hiện nay các lao động trong ngành du lịch đã trở về quê và chưa trở lại hoạt động kinh doanh. Còn lao động ở những khu vực không có vùng dịch thì cũng chỉ hoạt động cầm chừng, ở 50-60%. Trong thời gian tới, khi chính thức mở cửa lại du lịch thì việc làm thế nào để thu hút lại được lực lượng lao động, giúp họ quay trở lại làm việc cũng là một bài toán.

Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: BTC
Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: BTC

Theo bà Lan Anh, ngoài việc thu hút nguồn nhân lực quay lại làm việc cũng cần có kế hoạch đào tạo mới khi nhiều người chuyển sang ngành khác và không quay lại ngành du lịch nữa, đồng thời tổ chức đào tạo lại cho lực lượng lao động cũ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần có những kiến nghị mạnh mẽ về việc làm thế nào để kéo dài và cắt giảm các thủ tục khó khăn như yêu cầu về tiêu chí bảo hiểm xã hội.

"Hiện nay các lao động trong lĩnh vực du lịch đã nghỉ rất nhiều và rõ ràng doanh nghiệp sẽ không đóng bảo hiểm xã hội cho những lao động này nữa, thì rõ ràng việc đạt tiêu chí đang đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp để tham gia nhận gói hỗ trợ từ Nghị quyết 68/NĐ-CP của Chính phủ là hết sức khó khăn", bà thông tin.

Ảnh tác giả

Sắp tới, chất lượng lao động phải cao hơn trước, tinh hơn trước. Và những sản phẩm của chúng ta cũng phải mang tính cạnh tranh để có thể thu hút được khách hàng đến với Việt Nam nhiều hơn.

Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Về phía doanh nghiệp, ông William Haandrikman, Tổng Quản lý Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi cũng khẳng định: Sau đại dịch, các doanh nghiệp cũng gặp vấn đề về nhân sự, do đó, làm sao phải đảm bảo dịch vụ khi các vị trí còn trống. Cần đào tạo nhân lực thay thế với các quy định về an toàn, về phân khúc và thị trường. Doanh nghiệp phải tạo ra môi trường thực sự an toàn để nhân viên yên tâm làm việc.

Ví dụ, tại Metropole doanh nghiệp đã mở quỹ hỗ trợ nhân viên khi cần thiết, 100% nhân viên được tiêm phòng và có kênh giao tiếp để họ dễ dàng trao đổi thông tin, đồng thời đào tạo nghiệp vụ khách hàng cho nhân viên.

2 năm qua, nhiều đơn vị kinh doanh du lịch chỉ giữ lại lực lượng chủ chốt để làm "bộ khung" cho sau này phục hồi. Khi phải lựa chọn giải pháp cuối cùng này, nhiều doanh nghiệp cũng đã lường trước được việc rất khó để “kéo” nguồn nhân sự cao cấp quay lại làm việc khi du lịch phục hồi.

Tuy nhiên, dựa trên xu hướng du lịch mới, đi theo gia đình hoặc nhóm nhỏ để có thể đảm bảo sức khỏe, đồng thời xây dựng một không gian vui chơi, khám phá riêng tư... hình thức du lịch này sẽ không cần quá nhiều nhân lực như trước. Vì thế, khi xây dựng kịch bản phục hồi, các đơn vị kinh doanh cần phải tính toán phương án sử dụng, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với sự thay đổi này.

Tin liên quan

Đọc tiếp