Mỹ phẩm thế giới đội giá vì thiếu người thu hoạch cọ ở Malaysia

Dầu cọ MALAYSIA
20:59 - 11/12/2021
Thu hoạch trái cọ tại Malaysia
Thu hoạch trái cọ tại Malaysia
0:00 / 0:00
0:00
Thiếu hụt lao động nghiêm trọng do chi phí tuyển dụng gia tăng và Covid-19 khiến sản lượng dầu cọ Malaysia sụt giảm kỷ lục và giá leo thang, kéo theo các mặt hàng liên quan như mỹ phẩm cũng tăng giá.

Có khoảng 337.000 công nhân nhập cư đang làm việc tại các đồn điền của Malaysia tính đến tháng 4/2020. Số lượng công nhân nhập cư, trong đó phần lớn là công nhân đến từ Indonesia, chiếm khoảng 80% lực lượng lao động của quốc gia này. Khi Malaysia bùng dịch, nước này đã quyết định đóng cửa biên giới và ngừng cấp phép lao động mới.

Sau đó hàng nghìn người lao động đã trở về nước, theo sau đó là hàng trăm công nhân không có giấy tờ tùy thân. Kết quả là sản lượng dầu cọ năm 2021 của Malaysia tụt xuống mức thấp nhất trong gần 40 năm qua khi các đồn điền phải vận hành với số lượng công nhân ít hơn nhu cầu 75.000 người.

Đối với các nhà sản xuất dầu cọ như FGV Holdings và Sime Darby Plantation, vấn đề trọng yếu nhất mà hai doanh nghiệp này phải đối mặt là thiếu nhân công. Trong đó, thu hoạch cọ - một công việc đòi hỏi nhiều kĩ năng và phải đối mặt với những nguy hiểm nhất định, là công việc đang cần lao động nhất. Hàng nghìn tấn trái cây có giá trị đã bị bỏ đến lúc hỏng do những các đồn điền không thể kêu gọi công nhân địa phương làm công việc thu hoạch trái cây khó khăn với mức lương trung bình.

Kèm theo sản lượng sụt giảm mạnh, giá dầu cọ bị đẩy lên mức cao kỷ lục và làm dấy lên lo ngại về lạm phát lương thực. Do chi phí nhân công gia tăng cùng với giá phân bón cao kỷ lục, giá các mặt hàng thiết yếu tại cả hai quốc gia này bị đẩy lên mức cao nhất mọi thời đại trong tháng 10. Như một kết quả tất yếu, giá thực phẩm trên toàn thế giới cũng tăng cao. Đồng thời, giá các sản phẩm khác có sử dụng dầu cọ trong thành phần như mỹ phẩm và chất tẩy rửa cũng bị đẩy lên.

Thu hoạch cọ tại một đồn điền ở Malaysia. Ảnh: Susagri.

Thu hoạch cọ tại một đồn điền ở Malaysia. Ảnh: Susagri.

Julian McGill, người đứng đầu khối Đông Nam Á tại LMC International, cho biết việc thu hút lao động đến các đồn điền hiện tại đã trở nên khó khăn hơn nhiều. Khi thu nhập dần tăng lên và người lao động có nhiều lựa chọn việc làm tại thành phố hơn, họ sẽ trở nên ngần ngại hơn với những công việc đòi hỏi phải lao động chân tay. Lao động giá rẻ sẽ sớm trở thành một điều trong quá khứ.

Lao động giá rẻ đã giúp giữ chi phí sản xuất dầu cọ trung bình của Malaysia thấp hơn so với Indonesia. Tuy nhiên theo Hiệp hội Dầu cọ Malaysia (MPOA), giá dầu cọ của nước này tăng lên khoảng 478 USD đến 526 USD/tấn trong năm nay. Xu thế này được dự đoán sẽ vẫn tiếp diễn trong tương lai. Việc phải chi thêm phí tuyển dụng và phí khắc phục cùng với việc giá phân bón đạt mức cao kỷ lục sẽ đẩy giá dầu cọ của các nhà sản xuất Malaysia lên và khiến thị trường Malaysia mất ưu thế cạnh tranh so với đối thủ Indonesia.

Nhằm giải quyết tình hình khó khăn này, giới chức Malaysia đã có những động thái hỗ trợ tuyển dụng lao động. Vào tháng 9, nước này đã phê duyệt việc tuyển dụng 32.000 lao động nước ngoài cho các đồn điền dầu cọ, trong đó ưu tiên những người đến từ Indonesia. Tuy nhiên ngay cả khi số lao động này được bổ sung, các đồn điền cũng không thể đạt mức công suất tối đa cho mùa thu hoạch cao điểm tiếp theo từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2022.

Quá trình thuê lao động cũng rất phức tạp do các quốc gia khác nhau có các quy trình phòng dịch khác nhau. Hiện tại, không có gì đảm bảo Malaysia có thể thuê được đủ số công nhân cần thiết. Đại diện lao động Ấn Độ Vimlesh Gautam chia sẻ rằng ông đang đặt mục tiêu thuê 3.000 công nhân từ Ấn Độ bắt đầu từ tháng 12. Nhưng cho đến nay, mới chỉ có khoảng 200 ứng viên được xác nhận do các quy trình phòng dịch Covid-19 tại cả Malaysia và Ấn Độ đã khiến quá trình tuyển dụng trở nên phức tạp hơn nhiều.

Do phải chờ đợi thêm những hướng dẫn y tế từ phía chính phủ Malaysia, ông Gautam cho biết quá trình tuyển dụng hiện đang phải tạm dừng. Khi mọi chuyện được xác nhận, việc tuyển dụng có thể được tiếp tục.

Trong hoàn cảnh đó, các nhà sản xuất cọ của Malaysia nhận thấy sự cẩn thiết trong việc đầu tư nghiên cứu để tạo ra hạt giống năng suất cao hơn, cũng như tự động hóa và cơ giới hóa quá trình sản xuất dầu cọ. Những khoản đầu tư như vậy có thể giúp các đồn điền bớt phụ thuộc và sức lao động của con người và hạ chi phí. Tuy nhiên, công nghệ mới sẽ mất nhiều năm để thực hiện.

Ở hiện tại, các đồn điền đang có kế hoạch đầu tư hàng triệu USD để cải thiện quy trình tuyển dụng nhằm thu hút lao động. Việc nâng cấp nhà ở cho công nhân, cung cấp tủ khóa để công nhân giữ hộ chiếu, thuê kiểm toán viên và tư vấn để đánh giá tình trạng của lao động là một trong các biện pháp được sử dụng.

Đại diện FGV cho biết doanh nghiệp đã đầu tư thêm 10 triệu USD trong năm nay để tân trang nhà ở cho công nhân. Thêm vào đó, các thiết bị cũng đã được nâng cấp nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận điện và nước liên tục cho công nhân làm việc ở những khu vực hẻo lánh. Đại diện của Sime Darby cũng chia sẻ rằng trong 7 năm tới, công ty ước tính sẽ chi 15 triệu USD mỗi năm vào việc cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động tại các đồn điền.

Ivy Ng, người đứng đầu khu vực nghiên cứu về đồn điền tại CGS-CIMB Research, cho biết: “Trước mắt, điều duy nhất các công ty có thể làm là thuyết phục chính phủ tuyển dụng thêm lao động và cải thiện quy trình”.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.