Công nghệ của đường sắt Việt Nam đang ở đâu?

logistics Việt nAM
09:27 - 20/10/2021
Công nghệ của đường sắt Việt Nam đang ở đâu?
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù có lịch sử phát triển hơn 100 năm nay nhưng các chuyên gia đánh giá ngành đường sắt Việt Nam  đang ở trạng thái lạc hậu, vừa cũ kỹ, vừa không được bảo trì thường xuyên.

Trao đổi tại một buổi tọa đàm hồi tháng 3/2021 về “Thách thức và cơ hội phát triển ngành đường sắt Việt Nam”, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết chúng ta đã xây dựng đường sắt được 140 năm.

Đường sắt của chúng ta hiện nay đang ở nền tảng công nghệ thứ hai, đó là công nghệ diezen, công nghệ ban đầu đó là đầu máy hơi nước.

Hiện nay, các nước phát triển họ đưa công nghệ lần thứ ba, đó là công nghệ điện khí hóa, thứ tư là điện từ và bây giờ người ta còn đang nghiên cứu đến đường sắt chạy trong đường ống.​

"Như vậy, rõ ràng nền tảng công nghệ của chúng ta cách đây cả một thời gian quá dài, trong khi khoa học công nghệ phát triển như vậy thì chúng ta là lạc hậu", ông Vũ Anh Minh nhận định.

Theo ông Vũ Anh Minh, nguyên nhân đường sắt Việt Nam lạc hậu là do hàng trăm năm nay thì chúng ta cũng không xây dựng các tuyến mới, cũng không cải tạo, nâng cấp, mà chỉ duy tu, bảo trì để đảm bảo hoạt động an toàn chạy tàu thường niên và kinh phí đó cũng đang thiếu.

Thêm vào đó, khi năng lực thông qua nhu cầu vận tải của thời điểm xây dựng và tính trong 50 năm tiếp theo, thì nhu cầu luân chuyển hàng hóa rất là thấp. Nhưng với sự phát triển kinh tế hiện nay, rõ ràng nhu cầu của cả vận tải hàng hóa, cũng như vận tải hành khách là rất lớn, trong khi chúng ta lại không thay đổi.

Chưa kể nhược điểm lớn nhất của chúng ta hiện nay là khổ đường sắt đơn. Năng lực của đường đơn thông qua một ngày đêm chỉ có 21 đôi tàu. Ở đây rõ ràng vừa lạc hậu, vừa cũ kỹ, vừa không được bảo trì thường xuyên. Chất lượng của đường sắt về hạ tầng xuống cấp rất trầm trọng, không thể đáp ứng được với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển các phương thức của giao thông vận tải nói riêng để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa cũng như hành khách.

Đồng quan điểm, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đứng trên góc độ về kinh tế tài chính nhận định, đầu tư cho ngành đường sắt chưa có được một căn cơ đúng tầm dài chiến lược và có tính đột phá đổi mới để phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là với nền kinh tế đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa.

So với các lĩnh vực giao thông khác, như hàng không, đường bộ, thì đường sắt là một trong những ngành chậm phát triển, tư duy nhận thức chưa thay đổi và quan trọng nhất là sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với ngành đường sắt là chưa được thỏa đáng.

Ông Đặng Quyết Tiến cho rằng phải có một chiến lược căn cơ và phải có một sự đầu tư đúng mức. Vì phải có một kế hoạch chiến lược đầy đủ thì chúng ta mới bố trí nguồn lực, huy động nguồn lực để phát triển. "

Một đất nước nếu không khai thác được hạ tầng giao thông đường sắt một cách hiệu quả, thì sự phát triển của đất nước, đặc biệt phát triển công nghiệp nặng, phát triển công nghiệp khác cũng sẽ không hiệu quả. Bài học cho thấy rằng, vận tải đường bộ đã đến lúc bão hòa, phải có đường sắt thì mới đảm bảo được sức cạnh tranh của nền kinh tế", ông Tiến nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.