Năng lượng tái tạo là ‘cuộc chơi’ của những đơn vị chuyên nghiệp

PC1 NĂNG LƯỢNG
09:35 - 24/06/2022
Năng lượng tái tạo là ‘cuộc chơi’ của những đơn vị chuyên nghiệp
0:00 / 0:00
0:00
Sau giai đoạn phát triển ồ ạt, cơ quan chức năng đang có động thái siết chặt quản lý điện mặt trời khi đã nảy sinh nhiều bất cập trong phát triển. Ở góc độ chủ đầu tư loại hình năng lượng tái tạo này, liệu đây có phải là một thách thức?

Mekong ASEAN đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Kinh doanh Năng lượng Xanh của CTCP Tập đoàn PC1 (PCC1), một trong những đơn vị đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực năng lượng tái tạo để làm rõ bối cảnh phát triển điện mặt trời và các loại hình năng lượng xanh khác hiện nay.

Mekong ASEAN: Điện mặt trời đang bị kiểm soát sau thời gian phát triển ồ ạt. Ông có thể cho biết động thái này của cơ quan chức năng có làm khó những đơn vị đầu tư như PC1?

Trước hết, tôi phải nói rằng phát triển điện mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung là xu hướng tất yếu của cả thế giới, khi vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường ngày càng cấp thiết. Việc Việt Nam tham gia COP26 rồi Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích điện mặt trời đã tạo ra cú hích lớn cho lĩnh vực này. Đó cũng chính là lý do điện mặt trời bùng nổ trong năm 2020.

Tuy nhiên việc phát triển quá nhanh lại kéo theo những hệ luỵ. Đó là cơ sở hạ tầng, mà cụ thể là lưới điện chưa đủ để đáp ứng truyền tải, dẫn đến quá tải. Các doanh nghiệp đổ xô vào đầu tư điện mặt trời dù không có kinh nghiệm hay hiểu biết sâu về ngành, dẫn đến sai phạm. Vì vậy, tôi cho rằng việc cơ quan chức năng kiểm soát để phát triển điện mặt trời đúng hướng là rất cần thiết. Vì đây là lĩnh vực mới nên chúng ta cũng không thể đảm bảo tất cả mọi thứ sẽ trơn tru từ đầu, quan trọng là kịp thời điều chỉnh những mắt xích chệch đường ray.

Về phía doanh nghiệp trên cương vị chủ đầu tư, PC1 cũng không cho rằng đây là thách thức. Ngược lại, chúng tôi coi đó là cơ hội để chứng minh năng lực của mình. Thực tế Chính phủ vẫn khuyến khích năng lượng tái tạo, chỉ là phát triển theo hướng nào để mang lại hiệu quả cao nhất.

Mekong ASEAN: Ý ông là các doanh nghiệp sẽ phải có cách tiếp cận riêng nếu muốn đầu tư điện mặt trời?

Đúng vậy, tôi muốn nói rằng năng lượng tái tạo hiện đã qua giai đoạn phát triển theo chiều rộng, cần chuyển sang chiều sâu. Vì vậy, đây không còn là cuộc chơi đại trà nữa mà sẽ dành cho những đơn vị chuyên nghiệp.

Để đầu tư một dự án mang lại hiệu quả, chúng tôi phải tính toán kỹ lưỡng bài toán về vốn, kỹ thuật, đầu ra… Vì các dạng năng lượng tái tạo phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, khi dùng không hết, lúc lại thiếu hoặc yếu. Đặc biệt là điện mặt trời, yêu cầu đặt ra là phải dùng toàn bộ hoặc đồng thời kết hợp giải pháp lưu trữ để sử dụng khi không có nắng. Điều này với một doanh nghiệp “tay mơ” không phải dễ dàng thực hiện được.

Mekong ASEAN: Vậy theo ông, các doanh nghiệp muốn tham gia “sân chơi” này cần hồ sơ năng lực như thế nào để đảm bảo hiệu quả? Như PC1 có gì nổi bật để giành ưu thế trong giai đoạn sắp tới?

Theo tôi, muốn đầu tư năng lượng tái tạo hiệu quả thì 2 yêu cầu quan trọng đối với doanh nghiệp là hiểu biết về ngành và nguồn vốn. Hiểu biết về ngành như tôi đã nói ở trên. Còn nguồn vốn, một dự án năng lượng tái tạo cần một lượng tài chính lớn đầu tư ban đầu, và thường sẽ mất 8-10 năm mới có thể lấy lại số vốn đầu tư. Nếu một doanh nghiệp tiềm lực tài chính mỏng, phải đi vay và trả lãi cao thì quá trình này kéo dài hơn hoặc dẫn đến rủi ro khi có biến cố trong quá trình vận hành khai thác. Ngược lại, nếu tự chủ hoặc được hỗ trợ thì thời gian thu vốn cũng ngắn hơn.

Hiện tại, năng lượng xanh là lĩnh vực hấp dẫn thu hút sự quan tâm của các tổ chức, định chế tài chính quốc tế. Nếu tận dụng được nguồn lực này, các chủ đầu tư sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Với PC1 Group, với uy tín và năng lực của mình, chúng tôi cũng luôn sẵn có những đối tác sẵn sàng đồng hành như vậy. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chính là đơn vị đứng ra thu xếp và bảo lãnh chính, tài trợ khoản vốn trị giá 173 triệu USD để xây dựng 3 nhà máy điện gió của PC1 tại Quảng Trị. Tất nhiên để nhận được sự hỗ trợ của họ, chúng tôi cũng phải đáp ứng rất nhiều điều kiện khắt khe về năng lực.

Trước 3 dự án điện gió trên, PC1 đã vận hành 7 nhà máy thuỷ điện (từ năm 2013), đồng thời cũng là tổng thầu của nhiều dự án năng lượng tái tạo lớn khác như dự án điện gió La Bang 1, dự án điện gió gần bờ Tân Phú Đông 1, 2, dự án điện gió/điện mặt trời BIM... Vì vậy về mặt chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển năng lượng, PC1 hoàn toàn tự tin. Chúng tôi cũng luôn nỗ lực để tìm ra các giải pháp vận hành tối ưu nhất.

PC1 đã xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh, từ đội ngũ tư vấn thiết kế, thi công đến trung tâm nghiên cứu... Chúng tôi đang nghiên cứu giải pháp pin lưu trữ để giải quyết vấn đề thách thức nhất của điện mặt trời.

Đầu tư điện mặt trời muốn hiệu quả cần tiềm lực tài chính mạnh và chuyên môn cao.

Đầu tư điện mặt trời muốn hiệu quả cần tiềm lực tài chính mạnh và chuyên môn cao.

Mekong ASEAN: Hiện nay nhiều chủ đầu tư, địa phương đề xuất được sản xuất điện mặt trời theo hướng tự sản, tự tiêu, không đấu nối lên lưới điện quốc gia. Anh đánh giá sao về giải pháp này?

Tôi thấy đây cũng là một giải pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay (khi EVN không còn mua điện từ các dự án điện mặt trời áp mái). Việc triển khai các hệ thống lưới điện mini trong phạm vi địa phương, khu công nghiệp sẽ giúp các đơn vị tự chủ được nguồn điện cho kinh doanh sản xuất.

Thêm nữa, theo như cảnh báo từ cơ quan quản lý, miền Bắc sẽ đối diện với nguy cơ thiếu điện trong vài năm tới. Đây cũng là một trong những vấn đề then chốt để xây dựng các khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái theo xu hướng chung của thế giới.

Tuy nhiên như tôi nói ở trên, năng lượng mặt trời là năng lượng không ổn định. Để vận hành lưới điện sao cho đảm bảo an toàn, tận dụng tối đa nguồn năng lượng phải tính toán thật kỹ và có giải pháp phù hợp với từng vị trí địa lý, đặc thù sản xuất.

Mekong ASEAN: Nhiều chuyên gia môi trường lo ngại pin mặt trời khi hết hạn sử dụng có thể gây nguy hại lớn. Ông có thể cho biết ý kiến về vấn đề này và phía PC1 đã có giải pháp nào để xử lý?

Tấm pin mặt trời được cấu tạo từ các vật liệu: Khung nhôm, lớp kính cường lực, vật liệu silicon, silic… Và câu trả lời là pin mặt trời hoàn toàn có thể tái chế được. Việc tái chế tấm pin mặt trời không có nghĩa là phục hồi chúng để tái sử dụng mà thực chất là phân tách các thành phần để tái sử dụng lại các vật liệu.

Cho đến nay, chưa có quy trình công nghiệp nào trên thế giới có thể thu hồi bạc và silicon có độ tinh khiết rất cao từ pin mặt trời, điều này sẽ sớm thay đổi trong thời gian tới đây. Các nhà khoa học ở nước ngoài đã phát triển một quy trình giúp tái chế đến 96% tấm pin đã hết hạn sử dụng. Bên cạnh đó, một số hãng sản xuất cũng có cam kết về việc thu mua lại các sản phẩm của họ khi hết vòng đời sử dụng

PC1 cũng đã có liên hệ với một vài đối tác trong lĩnh vực tái chế để có mở ra hướng hợp tác trong tương lai. Và cũng rất có thể, tái chế tấm pin mặt trời cũng trở thành một hoạt động trong mảng kinh doanh năng lượng xanh của PC1 Group.

Mekong ASEAN: Ông nhận định thế nào về tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt Nam? Trong tương lai gần, nhiệt điện than liệu có bị thay thế?

Ngoài thủy điện đã được khai thác từ lâu thì điện gió, mặt trời đều vẫn là những lĩnh vực mới. Mặc dù thời gian vừa qua có phát triển nhanh nhưng về sản lượng, tôi cho rằng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Như điện mặt trời mới chỉ tập trung ở một số khu vực miền Trung, miền Nam. Trong khi đó miền Bắc cũng rất nhiều nắng. Hay điện gió ngoài khơi, nước ta có lợi thế lớn về biển nhưng nguồn điện này vẫn chưa được khai thác nhiều. Tất nhiên điện gió ngoài khơi là một lĩnh vực khó, đòi hỏi tiềm lực lớn nên không phải đơn vị nào cũng tham gia được.

Ngoài tiềm năng tự nhiên thì thời điểm hiện tại, năng lượng tái tạo cũng được hỗ trợ bởi rất nhiều nguồn lực. Đó là sự khuyến khích của Chính phủ, sự quan tâm đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài. Giá thiết bị xây lắp cũng đã phù hợp hơn rất nhiều.

Còn về việc năng lượng tái tạo có thể thay thế nhiệt điện than hay không? Tôi cho rằng trong tương lai gần thì vẫn chưa. Tuy nhiên cơ cấu nguồn điện sẽ dần thay đổi theo hướng ưu tiên năng lượng xanh. Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050. Có thể gần đến cột mốc này, năng lượng tái tạo sẽ chiếm vị trí trọng yếu.

Dự án điện gió Tân Phú Đông do PC1 làm tổng thầu.

Dự án điện gió Tân Phú Đông do PC1 làm tổng thầu.

Mekong ASEAN: Ngoài năng lượng tái tạo, PC1 cũng đang đầu tư vào khu công nghiệp sinh thái. Xin anh cho biết về ý nghĩa, mục tiêu của cuộc “lấn sân” này, và khu công nghiệp sinh thái của PC1 sẽ có gì khác biệt?

Cùng với năng lượng tái tạo, phát triển các khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái cũng là xu hướng chung của thế giới. PC1 đầu tư vào lĩnh vực này (cả đầu tư mới và cải tạo các khu công nghiệp đang vận hành) vì nhận thấy tiềm năng rất lớn. Đó là sự khuyến khích của Chính phủ, sự phát triển của năng lượng tái tạo và các hiệp định mở với thế giới sẽ thu hút vốn đầu tư quốc tế.

Nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đã tìm đến Việt Nam vì họ đã nhìn thấy tiềm năng lớn trong việc sản xuất xanh. Tập đoàn LEGO đầu tư nhà máy 1 tỷ USD tại tỉnh Bình Dương, chạy bằng năng lượng mặt trời chính là minh chứng rõ ràng nhất.

Bên cạnh kinh doanh, PC1 cũng muốn đóng góp một phần vào sự thay đổi nhận thức bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất bền vững. Chúng tôi đã tham khảo các mô hình xây dựng ở Trung Quốc, Indonesia… nhưng về cơ bản PC1 sẽ xây dựng dựng mô hình riêng, phù hợp. Với kinh nghiệm vận hành năng lượng tái tạo, đây sẽ là ưu thế nổi bật của các khu công nghiệp do PC1 đầu tư.

PC1 Group tiền thân là CTCP Xây lắp Điện 1, trực thuộc Bộ Năng lượng (nay là Bộ Công thương). Năm 2012, cổ đông Nhà nước là Tổng công ty CP Xây dựng công nghiệp Việt Nam thoái vốn toàn bộ vốn, công ty trở thành 100% vốn tư nhân. Năm 2016, công ty niêm yết trên sàn HOSE với mã chứng khoán PC1 và phát điện hai nhà máy thủy điện đầu tiên trong chiến lược đầu tư năng lượng. Năm 2022, PCC1 tiếp tục đổi tên thành CTCP Tập đoàn PC1.

Hiện các mảng kinh doanh chính của PC1 là Tổng thầu nhà máy và hạ tầng công nghiệp, năng lượng, xây lắp, sản xuất công nghiệp, thương mại và bất động sản. Năm 2021, PC1 Group ghi nhận doanh thu đạt 9.828 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 764, lần lượt tăng 47% và 40% so với năm 2020. Quý 1/2022, công ty đạt 1.478 tỷ đồng doanh thu; lợi nhuận sau thuế 179 tỷ đồng, trong khi khi cùng kỳ đạt 79 tỷ đồng.

Tháng 3 vừa qua, PC1 Group công bố nhận diện thương hiệu tập đoàn mới và chiến lược 2022-2025 tầm nhìn 2035 với mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt doanh thu thị trường 1 tỷ USD và vốn hóa 1 tỷ USD, năm 2030 dự kiến đạt 2 tỷ USD. Để đạt mục tiêu đầy tham vọng này, giai đoạn 2021 – 2025 tầm nhìn 2035, PC1 group sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình 16%/năm, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế/doanh thu trung bình năm ở mức 8%.

Tin liên quan

Đọc tiếp