Nga ấn định ngày 13/7 cho sứ mệnh trở lại Mặt trăng

Roscosmos NGA
15:38 - 24/02/2023
Nhân viên của Hiệp hội Nghiên cứu và Sản xuất S.A. Lavochkin, một công ty hàng không vũ trụ của Nga, xây dựng tàu đổ bộ mặt trăng Luna-25. Ảnh: Sputnik
Nhân viên của Hiệp hội Nghiên cứu và Sản xuất S.A. Lavochkin, một công ty hàng không vũ trụ của Nga, xây dựng tàu đổ bộ mặt trăng Luna-25. Ảnh: Sputnik
0:00 / 0:00
0:00
Roscosmos – cơ quan hàng không vũ trụ Nga – ngày 23/2 tiết lộ kế hoạch tái khởi động sứ mệnh Mặt trăng Luna-25 vào giữa mùa hè năm 2023, đánh dấu sự trở lại của tham vọng Mặt trăng của Moscow sau thời gian gián đoạn kéo dài hàng thập kỷ.

Phát biểu với hãng truyền thông TASS ngày 23/2, văn phòng báo chí của Roscosmos cho biết sứ mệnh phóng tàu vũ trụ Luna-25 lên Mặt trăng được lên kế hoạch cụ thể vào ngày 13/7/2023. Địa điểm hạ cánh theo kế hoạch của sứ mệnh này là vùng cực nam của Mặt trăng gần miệng núi lửa Boguslavsky.

Với trọng tải 30kg gồm các thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, cánh tay robot và máy khoan, Luna-25 được cho là sẽ tiến hành nhiều thí nghiệm khác nhau và lấy mẫu đá trên bề mặt Mặt trăng. Theo Roscosmos, sứ mệnh này được Nga kỳ vọng sẽ trở thành một “bước quan trọng trong việc khám phá không gian” và giúp con người đạt được hiểu biết sâu hơn về “cơ chế hình thành của các hành tinh, sự xuất hiện của nước và đặc biệt là sự sống trên Trái Đất”.

Nếu thành công, Luna-25 sẽ trở thành sứ mệnh thăm dò Mặt trăng đầu tiên của Nga kể từ năm 1976. Trên thực tế, Luna-25 được phát triển từ cuối những năm 2000 nhưng liên tục bị hoãn lại nhiều lần.

Trong năm 2022, Luna-25 cũng được lên kế hoạch phóng vào không gian nhưng tới tháng 9 cùng năm, giám đốc cơ quan này là ông Yuri Borisov thông báo hoãn vụ phóng sang năm 2023. Nguyên nhân được đưa ra lúc đó là do có sự khác biệt trong hệ thống điện tử hàng không của tàu vũ trụ.

Dù vậy, việc nối lại chương trình Mặt trăng là một trong các trọng tâm đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh trong năm 2022. Theo RT trích dẫn lời ông Putin, kế hoạch sẽ được thực hiện “bất chấp mọi khó khăn và nỗ lực can thiệp từ bên ngoài”. Trước đó, do chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu đã tuyên bố ngừng hợp tác với Roscosmos trong các chuyến thám hiểm Sao Hỏa và Mặt trăng.

Việc phóng thành công sứ mệnh Artemis I ngày 16/11/2022 đánh dấu sự trở lại của các chương trình mặt trăng của NASA sau nhiều thập kỷ. Ảnh: NASA

Việc phóng thành công sứ mệnh Artemis I ngày 16/11/2022 đánh dấu sự trở lại của các chương trình mặt trăng của NASA sau nhiều thập kỷ. Ảnh: NASA

Trên thực tế, Nga không phải là quốc gia duy nhất thực hiện các chương trình Mặt trăng mà còn có cả Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Trung Quốc đã thực hiện thành công một loạt sứ mệnh Mặt trăng trong những năm gần đây, trong khi Ấn Độ đang lên kế hoạch thực hiện sứ mệnh tàu đổ bộ Chandrayaan-3 lên Mặt trăng vào tháng 8/2023.

Về phía Mỹ, NASA đang có kế hoạch thực hiện các cuộc đổ bộ của con người lên vệ tinh của Trái Đất sớm nhất vào đầu năm 2025 trong một sứ mệnh 3 giai đoạn mang tên Artemis. Reuters cho biết sớm ngày 16/11/2022, NASA đã phóng thành công sứ mệnh Artemis I vào không gian sau nhiều lần trì hoãn.

Nếu sứ mệnh Artemis I thành công, một chuyến bay của phi hành đoàn Artemis II quanh Mặt trăng và quay trở lại Trái Đất có thể đến sớm nhất là vào năm 2024. Sau đó trong vòng vài năm nữa là chuyến hạ cánh đầu tiên trên Mặt trăng của các phi hành gia cùng với Artemis III.

Sứ mệnh Artemis I đánh dấu chuyến bay đầu tiên của cả tên lửa SLS và tàu Orion được chế tạo theo hợp đồng của NASA với các tập đoàn Boeing và Lockheed Martin. Thêm vào đó, nó cũng báo hiệu một sự thay đổi lớn về hướng đi cho chương trình vũ trụ của con người thời kỳ hậu Apollo của NASA, sau nhiều thập kỷ tập trung vào quỹ đạo Trái đất tầm thấp với các tàu con thoi và Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS.

Sứ mệnh Artemis I đã thu hút được các đối tác thương mại như SpaceX và các cơ quan vũ trụ của châu Âu, Canada và Nhật Bản để thiết lập một cơ sở hoạt động lâu dài trên Mặt trăng, như một bước đệm cho những chuyến du hành đầy tham vọng hơn nữa của con người tới sao Hỏa.

Tin liên quan

Đọc tiếp