Nga chặn Facebook và Twitter để đối phó với tin giả

CÔNG NGHỆ NGA
13:57 - 05/03/2022
Ảnh: PA Images
Ảnh: PA Images
0:00 / 0:00
0:00
Trong "cuộc chiến" với các tập đoàn công nghệ nước ngoài, Nga cho thông qua bộ luật mới nhằm giải quyết tình trạng tin giả và tuyên bố sẽ chặn Facebook, do nền tảng này đã ngăn cấm các phương tiện truyền thông nhà nước Nga.

Ngày 4/3 tiếp tục đánh dấu sự leo thang căng thẳng tại Ukraine trên cả chiến trường lẫn "mặt trận thông tin", khi Nga đã ra lệnh chặn hàng loạt các công ty truyền thông nước ngoài tại Nga. Ngược lại, các tên tuổi lớn trên thế giới như Microsoft và nhà sản xuất trò chơi điện tử Electronic Arts cũng đã tuyên bố ngừng bán hàng tại Nga.

Nga cho biết sẽ chặn nền tảng mạng xã hội Facebook do đã hạn chế các kênh được nhà nước Nga hậu thuẫn. Đồng thời, quốc gia này cũng sẽ chặn các trang web truyền thông lớn của phương Tây như BBC (Anh), VOA (Mỹ) và DW (Đức), do cáo buộc các hãng này đưa thông tin sai lệch về tình hình chiến sự tại Ukraine. Theo truyền thông Nga, nền tảng Twitter cũng sẽ bị chặn.

Về phía các nền tảng bị cấm, BBC cho biết sẽ tạm thời đình chỉ công việc của mình tại Nga sau khi quốc gia này ban hành lệnh cho phép bỏ tù bất cứ bên nào bị phát hiện có hành động cố tình tung tin giả. Người đại diện của kênh tin tức CNN thì cho biết đang ngừng phát sóng tại Nga để "đánh giá tình hình và các bước tiếp theo”.

Trong khi đó, người đại diện toàn cầu của Meta Platforms Nick Clegg. chủ sở hữu Facebook cho biết, tập đoàn sẽ thực hiện tất cả những gì có thể để có thể khôi phục việc cung cấp dịch vụ tại Nga. Ông khẳng định nếu tình hình này tiếp diễn, người Nga sẽ bị cắt đứt kết nối hàng ngày với gia đình, bạn bè cũng như sự tiếp xúc với "các nguồn tin đáng tin cậy".

Sự phản đối tới từ hàng loạt các thương hiệu lớn

Nhằm phản đối các chiến dịch quân sự của Nga, hàng loạt các thương hiệu lớn của phương Tây thuộc nhiều ngành công nghiệp khác nhau cũng đã rút khỏi Nga. Mỹ và các nước châu Âu đang áp đặt hàng loạt các biện pháp trừng phạt sâu rộng, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của Nga từ thanh toán toàn cầu tới các sản phẩm công nghệ cao.

Tập đoàn hàng xa xỉ LVMH hôm 4/3 cũng cho biết sẽ tạm thời đóng cửa toàn bộ 124 cửa hàng tại Nga. Ngoài ra, tập đoàn Canadian Tire cũng thông báo sẽ tạm thời đóng cửa 41 cửa hàng của mảng kinh doanh hành lý và áo khoác Helly Hansen tại Nga. Hãng sản xuất máy bay phản lực tư nhân Bombardier cũng cho biết đã đình chỉ mọi hoạt động với khách hàng Nga nhằm tuân theo luật pháp quốc tế.

Các rắc rối liên quan tới vận chuyển và chuỗi cung ứng cũng gây khó khăn cho việc kinh doanh sản xuất ở Nga. Các công ty nước ngoài như Royal Dutch Shell, Apple hay Toyota Motor đều đã thực hiện hàng loạt các động thái từ ngừng bán đến rút lui hoàn toàn khỏi thị trường này. Cũng cùng ngày 4/3, tập đoàn hàng hóa nông nghiệp Louis Dreyfus đã thông báo tạm ngừng hoạt động tại Nga.

BASF SE, tập đoàn hóa chất lớn nhất thế giới, cho biết họ đang ngừng kinh doanh mới ở Nga và Belarus, ngoại trừ hoạt động sản xuất lương thực vì mục đích nhân đạo. Người đại diện của tập đoàn khẳng định: "BASF sẽ chỉ tiến hành hoạt động kinh doanh ở Nga và Belarus nếu các hoạt động đó tuân theo các nghĩa vụ hiện có theo luật, quy định hiện hành và các quy tắc quốc tế".

Trong khi đó, tập đoàn thực phẩm khổng lồ của Thụy Sĩ Nestle cho biết họ đang tạm dừng quảng cáo ở Nga. Nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ Swatch Group cũng thông báo sẽ tiếp tục hoạt động ở Nga nhưng sẽ tạm dừng xuất khẩu.

Ông Andrei Belousov - Phó Thủ tướng Thứ nhất của Nga. Ảnh:Wikimedia Commons

Ông Andrei Belousov - Phó Thủ tướng Thứ nhất của Nga. Ảnh:Wikimedia Commons

Không có câu trả lời nào là dễ dàng

Hôm 4/3, Phó Thủ tướng Thứ nhất của Nga Andrei Belousov đã đưa ra các lựa chọn cho các công ty nước ngoài tại đây. Các công ty này có thể lựa chọn hoặc ở lại hoặc xuất cảnh hoàn toàn và giao cổ phần cho các nhà quản lý địa phương cho đến khi họ trở lại.

Đối với các công ty đang chuẩn bị rời đi, Phó Thủ tướng Nga cho biết một kế hoạch hỗ trợ sẽ được đề ra, để giúp cho công việc và phúc lợi xã hội của công dân tại các công ty này và để các doanh nhân có thể đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả.

Tuy nhiên, không có bất cứ con đường nào là không dẫn tới rủi ro. Nếu chọn ở lại, các công ty sẽ phải đối mặt với phản ứng dữ dội tại thị trường phương Tây nơi công chúng đang đổ dồn sự tập trung vào vấn đề Ukraine. Nếu lựa chọn nhượng cổ phần, những công ty này có thể đạt được một số sự đảm bảo trong khi những người từ bỏ hoàn toàn có thể phải đối mặt với một khoản lỗ lớn hoặc là phải bán tháo.

Darren Woods, giám đốc điều hành của công ty năng lượng Mỹ Exxon Mobil, cho biết đây là một quá trình phức tạp. Công ty này cũng đang thoát khỏi các khoản đầu tư dầu khí liên quan đến quan hệ đối tác với tập đoàn Rosneft của Nga và những công ty khác trị giá 4 tỷ USD.

Trong khi đó, cũng có một số công ty vẫn có kế hoạch phát triển tiếp tại Nga. Như hãng sản xuất lốp xe Ý Pirelli cho biết đã thành lập một "ủy ban khủng hoảng" để theo dõi các diễn biến. Đồng thời, công ty này cũng không có kế hoạch ngừng sản xuất tại một trong hai nhà máy ở Nga.

Theo thống kê, các công ty, ngân hàng và nhà đầu tư toàn cầu đang có tiếp xúc kinh doanh với Nga với tổng số tiền trị giá khoảng hơn 110 tỷ USD dưới nhiều hình thức. Trên thực tế, các chuyên gia ước tính số tiền còn có thể cao hơn con số được nói trên.

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.