Nga nêu điều kiện giải quyết xung đột Ukraine

chiến sự Nga - Ukraine
12:19 - 21/01/2023
Máy bay quân sự Mi-28 của Nga tại Luhansk. Ảnh: Reuters
Máy bay quân sự Mi-28 của Nga tại Luhansk. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh xung đột tại Ukraine ngày càng xấu đi, theo phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 20/1, cách duy nhất để đảo ngược xu hướng là các nước phương Tây thừa nhận sai lầm của mình và thay đổi chính sách.

Theo RT trích dẫn lời của ông Dmitry Peskov trước các phóng viên ngày 20/1, quan hệ giữa Nga và Mỹ “đang ở mức thấp nhất từ trước tới giờ" khi xung đột tại Ukraine tiếp diễn chưa có điểm dừng. Bất chấp các hy vọng ban đầu rằng nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden sẽ hợp tác với Nga về mặt ngoại giao, “quan hệ song phương đang vô cùng tồi tệ” và “không có hy vọng cải thiện sớm”.

Ông nhận định tình hình tại Ukraine - tâm điểm của sự đối đầu giữa Nga và các quốc gia phương Tây - đang ở trong một vòng luẩn quẩn khi các quốc gia NATO “gián tiếp và đôi khi trực tiếp tham gia vào xung đột”. Thêm vào đó, các quốc gia này cũng đang “nuôi ảo tưởng rằng Ukraine có cơ hội giành chiến thắng”.

Do đó, khi được hỏi Điện Kremlin một lối thoát nào cho tình hình hiện tại hay không, ông Peskov tuyên bố Mỹ và các đồng minh cần quay ngược đồng hồ trở về thời điểm cuối năm 2021. Vào lúc đó, Nga đã đề xuất ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận về các lo ngại của nước này nhưng đã bị bác bỏ.

Thêm vào đó, ông cũng bổ sung rằng các quốc gia phương Tây cũng cần bày tỏ thành ý thông qua sự ăn năn. Đặc biệt là trước đó khi chính phủ Đức, Pháp và Ukraine đã không tuân theo thỏa thuận Minsk được ký kết năm 2015 với Moscow, đồng thời thừa nhận rằng thỏa thuận này chỉ nhằm kéo dài thời gian giúp Ukraine xây dựng quân đội.

Nga coi việc thừa nhận lỗi lầm và thay đổi chính sách là những bằng chứng cho thấy Ukraine và các quốc gia phương Tây thể hiện thiện chí đàm phán. Trước đó từ ngày 24/2/2022, Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine để giải quyết vấn đề Donbass, đồng thời “phi quân sự hóa” và “phi phát xít hóa” Ukraine.

Ở một diến biến khác, đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos cũng đưa ra các tuyên bố của Kiev về kế hoạch hòa bình 10 điểm mà nước này đưa ra.

Được công bố hồi tháng 11/2022 bởi Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, kế hoạch hòa bình đặt ra các yêu cầu về cung cấp lương thực và an ninh năng lượng cũng như các cơ chế ngăn chặn xung đột leo thang trong khu vực châu Âu - Đại Tây Dương.

Tuy nhiên, theo bà Olena trả lời phỏng vấn tờ Neue Zuercher Zeitung của Thụy Sĩ, kế hoạch hòa bình của Ukraine còn nhiều hơn như vậy. Nó còn bao gồm các điều kiện tư pháp như thành lập một tòa án tội phạm chiến tranh quốc tế và để các tù nhân chiến tranh trở về Ukraine.

Bà nhấn mạnh rằng mỗi quốc gia có một vai trò nhất định trong việc đảm bảo kế hoạch này có thể diễn ra. Đặc biệt, đệ nhất phu nhân Ukraine khẳng định việc các quốc gia phương Tây cung cấp vũ khí cho nước này sẽ đẩy nhanh khả năng giành chiến thắng của nước này. Theo Reuters, điều này cũng tương đương với việc Kiev có thể "bảo vệ đất đai, tài năng và trẻ em của chúng tôi”.

Theo bà, việc phương Tây không nhanh chóng cung cấp vũ khí cho Ukraine có thể khiến nước này phải trả giá bằng nhiều sinh mạng trong khi phần lớn cơ sở hạ tầng của nước này sẽ bị phá hủy.

Đọc tiếp