Nga phóng tàu thăm dò Luna-25 lên Mặt trăng

Mặt trăng NGA
15:36 - 11/08/2023
Tên lửa Soyuz 2.1 với tàu thăm dò Luna-25 tại bệ phóng ở sân bay vũ trụ Vostochny ở Nga trước vụ phóng. Ảnh: TASS
Tên lửa Soyuz 2.1 với tàu thăm dò Luna-25 tại bệ phóng ở sân bay vũ trụ Vostochny ở Nga trước vụ phóng. Ảnh: TASS
0:00 / 0:00
0:00
Sáng ngày 11/8, tên lửa Soyuz 2.1 mang theo tàu thăm dò Mặt trăng Luna-25 của Nga đã được phóng từ sân bay vũ trụ Vostochny ở Vùng Amur, đánh dấu sứ mệnh đầu tiên tới mặt trăng trong lịch sử nước Nga hiện đại kể từ năm 1976.

Theo hãng tin RT, Luna-25 là tàu thăm dò Mặt trăng đầu tiên được chế tạo tại nước Nga hiện đại với linh kiện hoàn toàn tới từ các nhà cung cấp nội địa. Mục tiêu của tàu thăm dò là thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học ở vùng cực nam của Mặt trăng trong vòng một năm. Ngoài ra, tàu thăm dò cũng sẽ tìm kiếm các nguồn tài nguyên như nước và nghiên cứu tác động của các tia không gian và phát xạ điện từ trên bề mặt Mặt trăng.

Địa điểm hạ cánh được chỉ định là gần miệng núi lửa Boguslavsky trong khi các miệng núi lửa Manzinus và Pentland-A được chỉ định là các địa điểm hạ cánh thay thế. Để có thể tiến hành các nhiệm vụ khoa học, Luna-25 được trang bị các thiết bị phân tích các thành phần đất, plasma và bụi của Mặt trăng để tìm kiếm sự hiện diện của các khoáng chất quý hiếm.

Theo thông báo của Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos, giai đoạn quan trọng đầu tiên của nhiệm vụ sẽ kéo dài 9 phút từ khi cất cánh đến giai đoạn tách rời thứ 3 của module Fregat, mang theo tàu thăm dò. Module này dự kiến sẽ kích hoạt động cơ chính 2 lần để có thể đưa Luna-25 lên đường bay tới Mặt trăng.

Chuyến bay tới Mặt trăng được cơ quan này dự đoán sẽ kéo dài 5 ngày cùng 2 lần điều chỉnh quỹ đạo trên đường đi. Giai đoạn cuối sẽ mất khoảng 3 ngày tới 7 ngày khi tàu thăm dò ở trên quỹ đạo tuần hoàn của Mặt trăng ở độ cao khoảng 100 km. Ở giai đoạn thứ 4, tàu thăm dò Luna-25 sẽ chuyển sang quỹ đạo hạ cánh hình elip với độ cao tối thiểu 18 km và thực hiện hạ cánh mềm ở vùng cực nam của Mặt trăng.

Roscosmos vốn dự kiến ngày hạ cánh là 23/8, tuy nhiên giám đốc cơ quan này là ông Yuri Borisov đang hy vọng tàu thăm dò Luna-25 có thể chạm vào bề mặt cực nam của Mặt trăng ngày 21/8 – trước Ấn Độ. Hồi tháng 9/2019, Ấn Độ gần như đã trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh xuống vùng cực của vệ tinh này nhưng tàu đổ bộ Vikram của tàu thăm dò Chandrayaan-1 lúc đó đã mất kết nối và bị rơi. Tới tháng 7/2023, nước này khởi động sứ mệnh Chandrayaan-3 với mục tiêu hạ cánh ở vùng cực của Mặt trăng vào ngày 23/8.

Trên thực tế, việc nối lại chương trình Mặt trăng là một trong các trọng tâm đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh trong năm 2022. Theo RT trích dẫn lời ông Putin, kế hoạch sẽ được thực hiện “bất chấp mọi khó khăn và nỗ lực can thiệp từ bên ngoài”. Cơ quan Vũ trụ Châu Âu cũng từng lên kế hoạch thử nghiệm camera điều hướng Pilot-D của mình bằng cách gắn nó vào Luna-25 nhưng đã cắt đứt liên hệ với các dự án Mặt trăng và Sao Hỏa của Nga sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Từ tháng 9/1958 tới tháng 8/1976, Liên Xô đã thực hiện 24 sứ mệnh Luna chính thức. Tàu Luna-1 là tàu vũ trụ đầu tiên rời khỏi khu vực Trái đất - Mặt trăng vào tháng 1/1959. Tới tháng 9 cùng năm, Luna-2 tiếp tục trở thành vật thể nhân tạo đầu tiên đến Mặt trăng. Luna-9 thực hiện một cuộc hạ cánh mềm vào tháng 2/1966 trong khi Luna-10 trở thành vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Mặt trăng vào tháng 3 cùng năm. Sứ mệnh Mặt trăng cuối cùng của Liên Xô là Luna-24 đã trả về các mẫu đất Mặt trăng phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học vòa tháng 8/1976.

Về phía Mỹ, nước này cũng thực hiện cuộc đổ bộ đầu tiên có người lái lên Mặt trăng với tàu Apollo 11 vào tháng 7/1968 trong khi chương trình Apollo chính thức bị ngừng vào tháng 12/1972.

Trong những năm gần đây, Nga không phải là quốc gia duy nhất thực hiện các chương trình Mặt trăng mà còn có cả Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Về phía Mỹ, NASA đang có kế hoạch thực hiện các cuộc đổ bộ của con người lên vệ tinh của Trái Đất sớm nhất vào đầu năm 2025 trong một sứ mệnh 3 giai đoạn mang tên Artemis. Sau khi sứ mệnh Artemis I thành công, một chuyến bay của phi hành đoàn Artemis II quanh Mặt trăng và quay trở lại Trái Đất có thể đến sớm nhất là vào năm 2024. Sau đó trong vòng vài năm nữa là chuyến hạ cánh đầu tiên trên Mặt trăng của các phi hành gia cùng với Artemis III.

Tên lửa Soyuz mang theo tàu thăm dò Luna-25 khởi hành từ bệ phóng ngày 11/8/2023. Ảnh: Roscosmos

Tên lửa Soyuz mang theo tàu thăm dò Luna-25 khởi hành từ bệ phóng ngày 11/8/2023. Ảnh: Roscosmos

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.