Ngân hàng Thế giới cắt giảm sâu dự báo tăng trưởng toàn cầu

KINH TẾ THẾ GIỚI
09:16 - 08/06/2022
WB cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu do nhiều yếu tố từ căng thẳng chính trị cho tới lạm phát. Ảnh: Reuters
WB cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu do nhiều yếu tố từ căng thẳng chính trị cho tới lạm phát. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Hôm 7/6 vừa qua, Ngân hàng Thế giới WB thông báo cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu gần 1/3 xuống còn 2,9% cho năm 2022 do các yếu tố như căng thẳng tại châu Âu, thiệt hại do đại dịch Covid-19 và tình trạng suy thoái của nhiều quốc gia.

Theo Reuters trích dẫn World Bank, dự báo mức tăng trưởng toàn cầu cho năm 2022 đã bị cắt giảm từ mức 5,7% của năm 2021 xuống chỉ còn 2,9% vào năm 2022. Mức giảm 1,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1 này cho biết tăng trưởng có thể sẽ dao động gần mức đó cả trong tương lai gần của năm 2023 và 2024.

Tăng trưởng ở các nền kinh tế tiên tiến được dự báo sẽ giảm mạnh xuống 2,6% vào năm 2022 và tiếp tục bị tụt xuống 2,2% vào năm 2023 sau khi đạt 5,1% vào năm 2021. Tăng trưởng của Mỹ thì bị cắt giảm xuống 2,5% vào năm 2022 từ ngưỡng 5,7% vào năm 2021. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc cũng được dự báo chỉ tăng trưởng 4,3% vào năm 2022 sau khi tăng trưởng 8,1% vào năm 2021.

Mặt khác đối với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, mức tăng trưởng chỉ đạt 3,4% vào năm 2022 và giảm từ mức 6,6% vào năm 2021. Do tình hình chiến sự tại Ukraine chưa có hồi kết, dự báo tăng trưởng năm 2022 được điều chỉnh giảm ở gần 70% ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu của mình, World Bank cho biết thế giới đang dần bước vào thời kỳ tăng trưởng yếu và lạm phát gia tăng tồi tệ hơn. Chủ tịch World Bank David Malpass cũng đưa ra các dự báo trong một buổi họp báo hôm 7/6 về việc tăng trưởng toàn cầu có thể giảm xuống 2,1% vào năm 2022. Tới năm 2023, con số này thậm chí có thể giảm xuống tiếp 1,5%, khiến tăng trưởng bình quân đầu người gần bằng 0, nếu các rủi ro tiếp tục tồn tại.

Theo ông Malpass, nguyên nhân cơ quan này phải cắt giảm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế toàn cầu là do các tác động sâu rộng của chiến sự tại Ukraine cũng như việc Trung Quốc phong tỏa chống dịch nghiêm ngặt. Ngoài ra, chuỗi cung ứng bị gián đoạn cùng với tỷ lệ lạm phát cao cũng là một trong các nguyên nhân.

Ông Malpass nhận định nguy cơ lạm phát trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp như những năm 1970 đang tạo ra nguy cơ suy thoái cao hơn bao giờ hết. Tăng trưởng chậm có khả năng sẽ kéo dài trong suốt thập kỷ này do đầu tư suy yếu ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Với lạm phát hiện đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ ở nhiều quốc gia và nguồn cung dự kiến tăng chậm, có nguy cơ lạm phát sẽ tiếp tục cao hơn trong thời gian dài.

Trong bối cảnh đó, các quốc gia trên thế giới phải đối mặt với bài toàn khó tăng lãi suất để kìm lạm phát, đồng thời phải tránh tăng quá nhanh dẫn tới suy thoái. Nếu lãi suất tăng dựng đứng như những năm 1970, một cuộc suy thoái toàn cầu kèm hàng loạt khủng hoảng tài chính ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển như năm 1982 là hoàn toàn có thể.

Ông Ayhan Kose, giám đốc đơn vị dự báo của Ngân hàng Thế giới cũng đồng tình việc thắt chặt các điều kiện tài chính nhanh hơn dự kiến có thể đẩy một số quốc gia vào loại khủng hoảng nợ từng thấy như trong những năm 1980.

Do đó để giảm thiểu rủi ro, ông Malpass đưa ra lời khuyên các nhà hoạch định chính sách nên làm việc để điều phối viện trợ cho Ukraine, đồng thời thúc đẩy sản xuất lương thực và năng lượng. Thêm vào đó, việc kết thúc các hạn chế xuất khẩu và nhập khẩu là vô cùng quan trọng trong việc ngăn không cho giá dầu và lương thực tăng vọt.

Đọc tiếp