Ngành sản xuất ASEAN cải thiện nhẹ, Việt Nam chưa hết khó khăn

PMI asean
11:30 - 03/07/2023
Ngành sản xuất ASEAN cải thiện nhẹ, Việt Nam chưa hết khó khăn
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà sản xuất ở Việt Nam tiếp tục gặp thách thức trong khoảng thời gian cuối quý 2/2023 do nhu cầu thị trường yếu kém, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm, cũng như tình trạng thiếu điện do đợt nắng nóng vừa qua.

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) của Việt Nam tháng 6/2023 cho thấy ngành sản xuất đạt kết quả 46,2 điểm, mặc dù tăng so với mức 45,3 điểm của tháng 5 nhưng vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm tháng thứ tư liên tiếp, theo báo cáo do S&P Global công bố ngày 3/7.

Theo S&P Global, trong kỳ khảo sát mới nhất, các doanh nghiệp đã đề cập đến tình trạng nhu cầu yếu kém và các điều kiện thị trường suy giảm là nguyên nhân chính dẫn đến giảm số lượng đơn đặt hàng mới.

Tổng số lượng đơn đặt hàng mới giảm tháng thứ tư liên tiếp, với tốc độ giảm mạnh dù đã chậm hơn so với tháng 5. Trong đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm nhanh hơn tổng số lượng đơn đặt hàng mới khi nhu cầu trên thị trường quốc tế giảm.

Tình trạng nhu cầu hàng hóa yếu cũng dẫn đến sản lượng sản xuất tiếp tục giảm. Không chỉ vậy, một số báo cáo cho thấy tình trạng thiếu điện do đợt nắng nóng ở Việt Nam vừa qua đã kìm hãm hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, sản lượng giảm ở tất cả các lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa trung gian và hàng hóa đầu tư cơ bản, với tốc độ giảm tương đối mạnh.

Số lượng đơn đặt hàng mới giảm cũng khiến lượng công việc tồn đọng tiếp tục giảm. Trước tình hình đó, các nhà sản xuất đã giảm số lượng việc làm và hoạt động mua hàng. Theo đó, việc làm đã giảm tháng thứ tư liên tiếp.

Tương tự, hoạt động mua hàng đã giảm tháng thứ tư liên tiếp, mặc dù mức giảm là nhẹ vào cuối quý 2. Hoạt động mua hàng hóa đầu vào và số lượng đơn đặt hàng mới giảm đã khiến tồn kho hàng mua giảm. Tồn kho hàng thành phẩm cũng giảm khi sản lượng tăng chậm lại, và đây là lần giảm thứ hai liên tiếp.

"Dù có những khó khăn, các nhà sản xuất vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới với hy vọng nhu cầu thị trường và khả năng tìm kiếm khách hàng mới sẽ phục hồi", báo cáo S&P Global nhận định.

Đánh giá về kết quả khảo sát, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho hay, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam đã phản ánh bức tranh chung về các điều kiện kinh doanh vào cuối quý 2, khi tình trạng thiếu nhu cầu là vấn đề chính mà các công ty đang gặp phải.

Chúng ta cũng đang chứng kiến sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, việc làm và hàng tồn kho tiếp tục giảm như là một hệ quả. Tình trạng thiếu điện ở Việt Nam do đợt nắng nóng đã gây khó khăn thêm cho các công ty.

Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence

Theo vị Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, giá cả giảm và thời gian giao hàng của nhà cung cấp được rút ngắn thành mức gần kỷ lục trong tháng 6. Trong khi áp lực nghiêm trọng lên giá cả và nguồn cung những năm gần đây cần được làm dịu bớt, những xu hướng này có thể được xem là tín hiệu kém tích cực hơn so với những tháng gần đây.

"Về tổng thể, ngành sản xuất cần đẩy mạnh nhu cầu. Do đó, diễn biến ngành sản xuất toàn cầu sẽ được theo dõi chặt chẽ để nhận biết các dấu hiệu phục hồi”, ông Andrew Harker nhấn mạnh.

Các điều kiện sản xuất khu vực ASEAN cải thiện nhẹ trong tháng 6

Dữ liệu chỉ số PMI của khối ASEAN mới nhất cho thấy các điều kiện sản xuất trong khu vực cải thiện nhẹ trong tháng 6. Chỉ số PMI toàn phần ngành sản xuất ASEAN đạt 51 điểm trong tháng 6, giảm nhẹ so với mức 51,1 điểm của tháng 5, song vẫn nằm trên ngưỡng trung bình 50 điểm.

Dữ liệu theo từng quốc gia cho thấy 5/7 quốc gia ASEAN được khảo sát báo cáo các điều kiện kinh doanh mạnh lên trong tháng 6.

Quốc gia dẫn đầu tăng trưởng là Thái Lan với mức PMI đạt 53,2 điểm, mặc dù mức tăng tiếp tục chậm lại so với mức cao kỷ lục của tháng 4.

Hai quốc gia tiếp theo có mức tăng trưởng ở mức vừa phải là Singapore với 52,7 điểm và Indonesia 52,5 điểm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đã nhanh hơn ở cả hai quốc gia. Hơn nữa, đây cũng là hai quốc gia duy nhất có tăng trưởng mạnh hơn trong tháng 6.

Các nhà sản xuất Phillipines có sức khỏe ngành sản xuất cải thiện nhẹ khi đạt PMI 50,9 điểm.

Các công ty sản xuất Myanmar cũng có các điều kiện hoạt động cải thiện nhẹ. Mặc dù yếu hơn nhiều so với mức cao của khảo sát được ghi nhận trong tháng 4, kết quả trên 50 điểm vẫn là một bước phát triển tích cực của ngành sản xuất khi ngành này đã bị suy giảm trong hầu hết ba năm qua.

Số liệu toàn phần của MalaysiaViệt Nam tiếp tục cho thấy các điều kiện kinh doanh sụt giảm. Trong khi các nhà sản xuất Malaysia có tốc độ suy giảm nhanh nhất kể từ tháng 1 xuống 47,7 điểm, các công ty sản xuất Việt Nam cho thấy tốc độ suy giảm chậm hơn khảo sát kỳ trước với 46,2 điểm.

Bình luận về dữ liệu chỉ số PMI ngành sản xuất ASEAN, bà Maryam Baluch, Chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho biết, ngành sản xuất ASEAN có các điều kiện kinh doanh tiếp tục cải thiện trong tháng 6, mặc dù tốc độ tăng là nhẹ hơn đáng kể so với đầu quý.

Số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tiếp tục tăng đã khuyến khích các công ty tăng hoạt động mua hàng. Hơn nữa, với sự cải thiện của chuỗi cung ứng, áp lực lạm phát tiếp tục có dấu hiệu giảm bớt.

Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất cho thấy việc làm ngành sản xuất tiếp tục giảm, và đây là lần giảm thứ tư liên tiếp. Mặc dù vậy, lượng công việc tồn đọng tiếp tục tăng cho thấy áp lực sản xuất tăng có thể khuyến khích các công ty tăng số lượng nhân công trong những năm tới.

Nhìn về tương lai, khu vực tiếp tục có kết quả hoạt động tốt bất chấp tình trạng suy giảm sau thời kỳ bùng phát Covid-19. Tuy nhiên, tình trạng bất ổn của nền kinh tế toàn cầu tiếp tục diễn ra và chính sách tăng lãi suất trên khắp thế giới khiến chặng đường phía trước còn khó khăn.

Bà Maryam Baluch, Chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.