Ngành xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn hụt hơi trước các đối thủ

XNK Việt nAM
08:15 - 10/02/2022
Xuất khẩu tôm Việt dần bị lấn áp bởi các "cường quốc" xuất khẩu tôm - Ảnh: minh họa
Xuất khẩu tôm Việt dần bị lấn áp bởi các "cường quốc" xuất khẩu tôm - Ảnh: minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu tôm năm 2021 mặc dù đạt kết quả khả quan, tuy nhiên để đuổi kịp các quốc gia xuất khẩu tôm lớn trên thế giới như Ấn Độ, Ecuador…, ngành tôm Việt Nam vẫn cần có chiến lược lâu dài.

Năm 2021, xuất khẩu tôm đạt gần 4 tỷ USD, chiếm 44% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của nước ta. Trong đó, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của tôm Việt, chiếm 28% thị phần. Đứng thứ hai là thị trường EU và Anh, chiếm tổng 21,8%; thứ ba là Nhật Bản, chiếm 14,9%. Xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc có sự sụt giảm, đứng vị trí thứ tư chiếm 10,6%; tiếp theo là Hàn Quốc chiếm 9,6%...

Năm 2022, Tổng cục Thủy sản đặt mục tiêu đạt 740.000 – 745.000 ha nuôi tôm, trong đó, tôm sú đạt 630.000 ha, tôm thẻ đạt 115.000 ha. Sản lượng tôm các loại đạt 980.000 tấn, trong đó tôm sú đạt 280.000 tấn, tôm thẻ chân trắng đạt 650.000 tấn.

Tuy nhiên, so với sự phát triển của các nước xuất khẩu tôm lớn trên thế giới như Ấn Độ, Ecuador…, ngành tôm Việt vẫn cần có những hướng đi đột phát hơn nếu không muốn tiếp tục thụt lại phía sau trong cuộc cạnh tranh xuất khẩu.

Đối thủ nâng mức cạnh tranh, áp lực cho tôm Việt

Theo TS. Hồ Quốc Lực, chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), các cường quốc xuất khẩu tôm đều đang có chiến lược nâng tầm ngành tôm của mình. Năm 2015, Ấn Độ đã có chiến lược đạt đỉnh triệu tấn tôm trong 5 năm sau đó.

Với Ecuador, chính sách nhập cư lao động và nhập khẩu thiết bị đã giải quyết vấn đề thiếu nhân lực và khả năng chế biến tôm còn hạn chế của nước này. Theo VASEP, năm 2021 Ecuador sản xuất khoảng một triệu tấn tôm, đứng hàng đầu thế giới. Nếu tăng mật độ nuôi lên 15 con, sản lượng tăng trưởng hàng năm tôm ở đây là không nhỏ.

“Ecuador đã có một năm 2021 phi thường và xuất khẩu của nước này trong năm vừa qua ước tính vượt qua mức 900.000 tấn – so với 700.000 tấn của năm 2019 - trở thành nhà sản xuất thành công và cạnh tranh nhất trong năm 2021, với tốc độ tăng trưởng trên 20%".

Nhà phân tích thủy sản cấp cao của Rabobank - ông Gorjan Nikolik.

Với Indonesia, dù chưa công bố chính sách rõ ràng nhưng nước này lại có lợi thế về tôm không bị thuế chống bán phá giá ở Mỹ và không bị kiểm tra nhập khẩu khắt khe ở Nhật Bản.

Trong khi đó, Thái Lan đang có lợi thế là tôm giống tăng trưởng nhanh được chú trọng nhằm tranh thủ khúc thị trường cao cấp, tôm cỡ lớn. Đây cũng là mặt hàng có khả năng thay thế lớn tôm sú của Việt Nam trong khúc thị trường tôm cỡ lớn trên 25 con/kg.

Ưu thế và thách thức của tôm Việt trên trường quốc tế

Với thị trường Mỹ, năm 2021 thị trường này nhập tới 7 tỷ USD tôm và sản lượng trên 750 nghìn tấn. Các thị trường xuất khẩu tôm sang Mỹ năm 2021 bao gồm Ấn Độ chiếm 36 - 38% thị phần; Indonesia chiếm 18 – 20%; Ecuador gần tương đương với Indonesia. Việt Nam xuất khẩu đứng thứ năm tại nước này, chiếm chưa tới 10%, đạt 1,05 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ.

Theo ông Lực, tôm tươi Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh lớn từ Ấn Độ và Ecuador do đây là hai thị trường xuất khẩu tôm tươi giá rẻ. Chính vì vậy, xu thế xuất khẩu tôm sang Mỹ của Việt Nam chủ yếu là các mặt hàng như tôm ring, tôm luộc hoặc các mặt hàng không bị thuế chống bán phá giá như tôm bao bột, tôm chiên…

Còn nhiều thách thức cho xuất khẩu tôm Việt - Ảnh: minh họa

Còn nhiều thách thức cho xuất khẩu tôm Việt - Ảnh: minh họa

Với thị trường EU và Anh, ông Lực nhận định đây vẫn là hai thị trường lớn và tiềm năng với yêu cầu khắt khe về sản phẩm tôm nhập khẩu. Hiện nay, cơ sở nuôi tôm đạt chuẩn ASC của Việt Nam chưa nhiều nhưng so với các nước đối thủ, Việt Nam đang đi trước trong lĩnh vực này.

Tại thị trường Nhật Bản, các lô hàng xuất khẩu tôm của Việt Nam đều bị kiểm tra. Dù vậy, thị trường này có ưu điểm giao hàng nhanh, thanh toán nhanh và giảm rủi ro. Đến hiện tại, tôm Việt Nam vẫn chiếm hàng đầu ở đây nhờ mẫu mã đẹp, chất lượng ổn định và đồng đều.

Với thị trường khổng lồ là Trung Quốc, tôm Việt chưa thực sự đứng vững do chính sách nhập khẩu thất thường của quốc gia này. Ngoài ra, Ấn Độ và Ecuador cũng đang chiếm ưu thế tại Trung Quốc do giá thành rẻ. Nguồn cung tôm giá rẻ cùng với sự tác động của Covid-19 lên xuất khẩu tiểu ngạch khiến việc cung ứng tôm sú cỡ lớn của Việt Nam sang thị trường này có phần giảm sút. Tuy nhiên, theo ông Lực vẫn không ảnh hưởng tình hình tiêu thụ tôm sú của nước ta.

Hướng đi mới cho tôm Việt

Trước tình hình cạnh tranh cao từ các thị trường xuất khẩu tôm cùng với yêu cầu khắt khe ngày càng lớn của các thị trường nhập khẩu, ngành tôm Việt Nam cần tìm cho mình một hướng đi mới.

Theo ông Lực, giá thành tôm nuôi của nước ta còn cao. Do vậy cần giảm giá thành để nâng cao khả năng cạnh tranh của tôm Việt trên trường quốc tế. Đạt được điều này, các doanh nghiệp, nông dân sản xuất cần tăng tỉ lệ thu hồi đầu con, điều này đồng nghĩa với tăng tỉ lệ thành công ao nuôi.

Ngoài ra, chú trọng tối ưu hệ số thức ăn bởi theo ông Lực thức ăn có thể chiếm hơn 50% giá thành.

Trong quý III và IV/2021, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thiếu hụt lao động nghiêm trọng, dẫn tới việc từ chối nhiều đơn hàng xuất khẩu. Do vậy, cải thiện hoạt động chế biến là điều cần thiết ở hiện tại. Hoạt động này bao gồm cải tiến dây chuyền, tăng năng suất, đưa các thiết bị phục vụ dây chuyền chế biến nhằm bán tự động hoặc tự động một số khâu. Một mặt, giúp giảm chi phí và mức lệ thuộc vào lao động, tăng mức vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hoạt động cải thiện này đặc biệt chú trọng ứng dụng trong các nhà máy sắp xây dựng mới, tạo nền cho một bước tăng trưởng đột phá về trình độ chế biến thủy sản của nước ta.

Cũng theo ông Lực, nước ta cần đẩy nhanh công tác đánh mã số nuôi bởi việc này càng tiến hành nhanh càng có lợi cho tốc độ tăng trưởng và thâm nhập các hệ thống phân phối tôm cấp cao, vốn là nơi yêu cầu kiểm soát và truy xuất cả chuỗi.

Ngoài ra, để thâm nhập sâu vào thị trường cấp cao, tôm Việt cần đạt chuẩn chất lượng như ASC, BAP… Do vậy, giải pháp hiện tại là thành lập dự án kêu gọi đầu tư nuôi tôm. “Chỉ có cơ cở nuôi có quy mô hàng trăm ha mới mang lại hiệu quả thiết thực cao nhất vì thuận lợi trong việc đầu tư, ứng dụng các thành tựu nuôi tôm”, ông Lực chia sẻ.

Trong chiến lược phát triển ngành tới năm 2030, giải pháp lớn nhất là nhanh chóng quy hoạch vùng nuôi từng quy mô, từng địa phương nhằm phát triển xanh, bền vững. Quy hoạch hoàn thiện sẽ giảm rủi ro về dịch bệnh cho tôm, cung ứng đủ nước và có khả năng xử lý nước thải nuôi nhằm hạn chế tác động xấu đến môi trường.

Nhằm thực hiện mục tiêu đề ra trong năm 2022, Tổng cục Thủy sản cho biết sẽ tổ chức liên kết giữa các địa phương nuôi tôm. Tiến hành thực hiện đồng bộ các giải pháp để vừa phát triển sản xuất nuôi tôm, vừa ứng phó có hiệu quả với dịch Covid-19. Đồng thời, xây dựng kịch bản sản xuất tôm nước lợ trong điều kiện đại dịch, đảm bảo không bị động trước biến động của dịch bệnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.