Người dùng iPhone có thể tự sửa điện thoại tại nhà

Thiết bị MỸ
14:21 - 28/04/2022
Ảnh: iFixit
Ảnh: iFixit
0:00 / 0:00
0:00
Ngoài việc tới các cửa hàng sửa chữa được ủy quyền của Apple, khách hàng dùng iPhone giờ đây có thể tự mua công cụ và linh kiện sửa điện thoại của mình ngay tại nhà, sau khi được Apple cung cấp với mức giá ngang bằng cho các đơn vị được ủy quyền.

Do các cửa hàng sữa chữa iPhone được ủy quyền chính thức không phổ biến, người dùng iPhone thường phải học cách sống chung với các vấn đề như pin bị chai hay màn hình bị nứt vỡ. Tuy nhiên với việc Apple chính thức mở bán cho người tiêu dùng các công cụ và bộ phận cần thiết để tự sửa iPhone hôm 27/4, giờ đây người dùng có khả năng tự khắc phục các vấn đề thường gặp.

Trong thông báo chính thức về cách tiếp cận mở rộng với vấn đề sửa chữa điện thoại, Apple chia sẻ: “Nếu cần sửa chữa, chúng tôi tin rằng mình có trách nhiệm cung cấp khả năng tự sửa chữa an toàn, đáng tin cậy và đảm bảo để giúp khách hàng tận dụng tối đa thiết bị của họ”.

Trên thực tế, Apple đã công bố về chính sách tự sửa chữa sản phẩm hồi cuối năm 2021. Theo Washington Post, vào thời điểm đó, tập đoàn xác nhận rằng khách hàng sẽ có thể truy cập hướng dẫn sử dụng dịch vụ và các bộ phận thay thế chính thức, thông qua cửa hàng trực tuyến. Với việc cửa hàng bắt đầu mở cửa vào cuối tháng 4, cách thức hoạt động của quy trình cũng dần trở nên rõ ràng.

Cụ thể, những khách hàng muốn tự sửa chữa điện thoại của mình được khuyến khích xem hướng dẫn sử dụng trước để đánh giá xem quy trình này có thể thực hiện được hay không. Sau đó tùy vào kết quả, khách hàng có thể mua “hơn 200 bộ phận và công cụ riêng lẻ” từ cửa hàng chính thức với cùng mức giá mà Apple sẽ bán chúng cho các nhà cung cấp dịch vụ sửa chữa được ủy quyền của mình.

Tuy nhiên, việc tự sửa chữa cũng có các giới hạn mà khách hàng cần lưu ý. Đầu tiên là Apple chỉ cung cấp các linh kiện dành cho các thiết bị đời mới hơn, ví dụ như dòng iPhone 12, 13 và SE năm 2022. Đối với các dòng laptop Macbook, cửa hàng chỉ bắt đầu cung cấp linh kiện và công cụ cho những máy sử dụng chip Apple Silicon từ cuối năm nay.

Ngoài ra, chương trình này hiện mới chỉ hoạt động tại thị trường Mỹ và sẽ chính thức ra mắt thị trường châu Âu vào cuối năm nay. Thêm vào đó, việc tự sửa chữa thiết bị cũng có khả năng cao sẽ không giúp khách hàng tiết kiệm được hầu bao của mình. Một bộ pin thay thế cho iPhone 12 có giá 69 USD trên cửa hàng sữa chữa trực tuyến của Apple – mức giá ngang với giá thay pin hết thời gian bảo hành tại các cửa hàng được ủy quyền.

Màn hình iPhone cũng sẽ có mức giá gần như tương đương với việc sửa chữa bên ngoài. Do màn hình là thành phần đắt nhất trong mọi thiết bị điện thoại thông minh, giá tự thay thế màn hình iPhone 13 sẽ rơi vào mức 267,96 USD so với mức thay thế bên ngoài được Apple ủy quyền là 279 USD. Trên hết, mức giá này thậm chí còn chưa bao gồm các công cụ cần thiết để sửa.

Trên lý thuyết, người dùng có 1 cách giảm thiểu chi phí cho những bộ phận thay thế chính là gửi trả lại linh kiện cũ và nhận được một khoản hoàn trả tín dụng sau khi các bộ phận này được tái chế. Tuy nhiên trên thực tế, khoản tín dụng lớn nhất mà Apple cung cấp cho người dùng là 33,6 USD cho việc trả lại màn hình. Mức giá thấp này vì vậy vẫn được coi như không đáng để một số người tự sửa điện thoại.

Các chuyên gia trong ngành cũng bày tỏ sự nghi ngờ của mình về tính hiệu quả của chính sách mới này. Theo Giám đốc phát triển bền vững của iFixit Elizabeth Chamberlain, cho phép quyền truy cập vào hướng dẫn sửa chữa và các linh kiện chính hãng là một thay đổi đáng hoan nghênh của Apple. Tuy nhiên, bà coi việc công ty yêu cầu khách hàng cung cấp số series thiết bị khi mua các bộ phận thay thế là dấu hiệu cho thấy Apple sẽ chặn nhiều quyền sữa chữa hơn trong tương lai.

Trong khi đó đối với giám đốc chiến dịch cấp cao của tổ chức phi lợi nhuận US PIRG Nathan Proctor, nỗ lực cấp quyền sữa chữa của Apple vẫn chưa đi tới đâu. Ông nhận định đây là một bước khởi đầu dù việc sửa chữa điện thoại vẫn còn tương đối phức tạp. Người dùng vì vậy nên kêu gọi các hãng điện thoại cho phép người dùng sữa chữa thiết bị của mình.

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.