Người lao động bức xúc trước tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

LAO ĐỘNG QUỐC HỘI
22:05 - 28/07/2023
Người lao động bức xúc trước tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
0:00 / 0:00
0:00
Người lao động kiến nghị đến Chủ tịch Quốc hội các vấn đề về tình trạng trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, đồng thời cho rằng quỹ bảo hiểm thất nghiệp đang kết dư gần 60.000 tỷ đồng tuy nhiên chế độ trợ cấp thất nghiệp lại thấp.

Trình bày ý kiến tại Diễn đàn Người lao động năm 2023 chiều 28/7, đại diện đoàn viên công đoàn, người lao động bày tỏ lo lắng, bức xúc trước tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.

Các ý kiến cũng nêu băn khoăn về các vấn đề như quyền lợi người lao động có xu hướng giảm trong sửa Luật Bảo hiểm xã hội; kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp lớn, nhưng chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động thấp so với mức lương tối thiểu; việc sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho các nội dung đào tạo, đào tạo lại cho người lao động còn hạn chế.

Về việc sửa Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 7, Chính phủ đã cho ý kiến về Luật Bảo hiểm xã hội. Trong tháng 8, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc sửa luật.

Bộ trưởng nêu rõ, sửa đổi luật lần này tập trung chỉnh sửa, điều chỉnh những vấn đề bất cập, mở theo hướng phát triển bảo hiểm xã hội và tăng quyền lợi cho người lao động.

Đặc biệt, sẽ tập trung vào 5 nhóm giải pháp chính và 12 nội dung với một số điểm như: làm sao để hạn chế tối đa việc rút bảo hiểm xã hội một lần, vừa bảo đảm ổn định an sinh xã hội; bảo đảm cho người lao động khi cần thiết thực sự thì họ có quyền được hưởng; bảo đảm người lao động có thể không cần rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng vẫn có chính sách khác bù lại.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh việc tập trung khắc phục việc chậm đóng, trốn đóng và nợ đóng bảo hiểm xã hội. Với hơn 200.000 lao động bị nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang phối hợp với đơn vị bảo hiểm khoanh lại để tập trung giải quyết.

Với nội dung về bảo hiểm thất nghiệp, Bộ trưởng cho biết, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trước đó có khoảng 100.000 tỷ đồng và đã sử dụng 41.000 tỷ đồng để trực tiếp hỗ trợ người lao động. Hiện tại kết dư của quỹ chỉ ở mức an toàn, không còn nhiều.

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Bày tỏ chia sẻ với người lao động về tình trạng bị nợ đóng bảo hiểm xã hội, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã đưa ra các giải pháp cụ thể như: thường xuyên bám sát nắm chắc tình hình của doanh nghiệp; trên cơ sở dữ liệu sẵn có, phân tích rủi ro, nhận diện doanh nghiệp có khả năng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Cùng với tổ chức công đoàn, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đôn đốc doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; thành lập ban chỉ đạo thu hồi nợ bảo hiểm xã hội của 63 tỉnh, thành.

"Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tính riêng năm 2022, cơ quan bảo hiểm xã hội đã thu hồi được 3.200 tỷ đồng cho người lao động; tỷ lệ trước và sau thanh tra là 93%", ông Mạnh cho biết.

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã sử dụng các biện pháp khác như công khai nợ, chuyển hồ sơ và phối hợp với cơ quan công an để xem xét khởi tố theo quy định.

Đồng thời, sẽ đưa vào các biện pháp mạnh để doanh nghiệp chấp hành như cưỡng chế hóa đơn, cấm xuất cảnh… trong lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội tới đây.

Các doanh nghiệp chưa mặn mà với nhà ở xã hội

Cũng tại diễn đàn, người lao động bày tỏ quan tâm đặc biệt đến chính sách về nhà ở. Chị Đào Thị Loan, công nhân Công ty TNHH Công nghiệp Hài Mỹ tỉnh Bình Dương bày tỏ mong muốn Quốc hội sớm sửa luật để các doanh nghiệp và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có điều kiện thuận lợi, triển khai các dự án nhà ở cho công nhân, đồng thời Chính phủ và chính quyền các địa phương dành kinh phí xứng đáng cho nhiệm vụ xây dựng nhà ở cho công nhân và người có thu nhập thấp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Sơn - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam (Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội) cho biết, công nhân lao động vui mừng, trông đợi vào gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 120.000 tỷ đồng, áp dụng cho cả chủ đầu tư dự án và người mua, thuê nhà ở xã hội do Chính phủ vừa ban hành trong Đề án xây 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

"Tuy nhiên, mức lãi suất 8,2%/năm vẫn là rất cao, quá sức chịu đựng của người có thu nhập thấp; thời gian ưu đãi của gói tín dụng đối với người mua nhà chỉ trong 5 năm là quá ngắn, gây tâm lý bất an cho công nhân, người lao động khi vay", ông Sơn nêu ý kiến và đề nghị Quốc hội và Chính phủ có giải pháp về vấn đề này để giúp người lao động tiếp cận được nguồn vốn.

Trả lời các vấn đề liên quan đến chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển nhà ở xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đây là một trong những nội dung quan trọng được quy định trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, dự thảo luật đã đề ra nhiều chính sách hỗ trợ, như dành quỹ đất phù hợp để phát triển nhà ở xã hội, miễn giảm tiền sử dụng đất, thuê đất để chủ đầu tư tiếp cận đất đai phát triển nhà ở xã hội; chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng để nhiều chủ đầu tư quan tâm… Người lao động cũng được hưởng các gói hỗ trợ về lãi suất để tiếp cận được nhà ở xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Đối với nhà lưu trú cho công nhân, đây được coi là thiết chế quan trọng của khu công nghiệp. Theo đó, chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng sẽ đầu tư nhà lưu trú công nhân, sau đó cho công nhân thuê với mức giá ưu đãi để giải quyết chỗ ở cho công nhân ngay trong khu công nghiệp. Các chủ đầu tư xây nhà lưu trú cho công nhân cũng được hưởng chính sách tương tự như xây dựng nhà ở xã hội.

"Hiện Ủy ban Pháp luật đang phối hợp với Bộ Xây dựng tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các doanh nghiệp… để hoàn thiện cơ chế, chính sách, sau đó sẽ trình Quốc hội hội thông qua luật này ở Kỳ họp thứ 6", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết.

Liên quan việc triển khai đến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nêu rõ, để thực hiện mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực triển khai gói tín dụng nói trên nhằm hỗ trợ các chủ đầu tư, các đối tượng có thể mua được nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi từ 1,5-2%. Thời gian vay với chủ đầu tư là 3 năm, đối với người mua nhà là 5 năm.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh

Theo Thứ trưởng, các văn bản hướng dẫn đã được Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng ban hành. Các ngân hàng thương mại cũng đã tích cực triển khai, tuy nhiên trong quá trình này gặp khó về nguồn cung, vướng mắc thủ tục.

Ngoài gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; Quốc cũng ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

"Chúng ta cũng đã gói 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho chủ đầu tư có các dự án nhà ở xã hội. Gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người lao động mua nhà với lãi suất 4,8%. Hai gói hỗ trợ này có thể giúp người lao động tiếp cận, vay để mua nhà ở xã hội", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết.

Tin liên quan

Đọc tiếp