'Người thắng – kẻ thua' trong cuộc đua thương mại toàn cầu 2021

Thương Mại THẾ GIỚI
09:00 - 01/01/2022
Ùn tắc hàng hóa trên cảng Hamburg (Đức) gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu trong năm 2021. Ảnh: Politico
Ùn tắc hàng hóa trên cảng Hamburg (Đức) gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu trong năm 2021. Ảnh: Politico
0:00 / 0:00
0:00
Trong năm 2021, thương mại toàn cầu đã có những biến động lớn trong các khâu sản xuất, phân phối và điều tiết chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Do vậy triển vọng phục hồi vẫn còn là một chặng đường dài phía trước.

Việc phục hồi thương mại toàn cầu sau đại dịch đang rất khó khăn, đặc biệt khi chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chật vật với phục hồi. Sau lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Joe Biden, quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương đã có những cải thiện và dẫn đến một số biện pháp giảm thuế quan giữa EU và Washington trong các tranh chấp về trợ cấp thép và máy bay. Tuy nhiên, sự thay đổi trong chính quyền Hoa Kỳ không vực dậy được Tổ chức Thương mại Thế giới (UWTO) và căng thẳng với Trung Quốc cũng ngày càng gia tăng.

Những dự đoán về viễn cảnh của năm 2022 sẽ còn nhiều điều bất ngờ. Việc Bắc Kinh theo đuổi sức mạnh địa chính trị có khả năng sẽ thúc đẩy EU ra chính sách thương mại quyết đoán hơn. Trong khi Pháp đã “nhấn nút” tạm dừng các giao dịch thương mại của EU trong nhiệm kỳ chủ tịch Hội đồng châu Âu sắp tới, người Czech cũng có thể chọn đảo ngược điều đó trong thời gian cầm quyền của họ vào nửa cuối năm nay.

Nhưng trước khi bước vào những cuộc chiến thương mại sắp tới, hãy cùng nhìn lại những người chiến thắng và kẻ thất bại trong thương mại thế giới vào năm 2021 mà tờ Politico đánh giá.

Người chiến thắng

Denis Redonnet: Chính trị gia người Pháp, được bổ nhiệm là Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thương mại của EU và được Tổng cục Thương mại của Ủy ban Châu Âu (DG TRADE) miêu tả là siêu anh hùng mới. Redonnet là người theo đường lối bảo vệ các công ty EU ở thị trường nước ngoài và có thể buộc tội khi các quốc gia vi phạm lời hứa về khí hậu hoặc lao động của họ trong các thỏa thuận thương mại.

Vị trí này khiến ông trở thành người chủ chốt cho chiến lược thương mại mới và quyết đoán hơn của EU. Tầm ảnh hưởng của Redonnet càng trở nên mạnh mẽ hơn sau một loạt các biện pháp phòng vệ thương mại mới và quyết đoán mà Liên minh châu Âu đang thiết lập.

Các nhà sản xuất thép châu Âu và Mỹ: Các nhà sản xuất thép ở cả hai bờ Đại Tây Dương thở phào nhẹ nhõm khi EU và Washington đồng ý tạm dừng cuộc chiến thương mại về thuế quan thép và nhôm. Các nhà sản xuất châu Âu hiện có thể xuất khẩu thép sang Mỹ với sản lượng mà họ đã từng đạt được trước thời kỳ chiến tranh thương mại và đại dịch Covid-19. Mặc dù vậy, hạn ngạch đối với ngành thép đã được áp dụng.

Các nhà sản xuất thép thế giới thở phào sau khi Brussels và Washington đồng ý tạm dừng cuộc chiến thương mại về thuế quan thép và nhôm. Ảnh: Internet

Các nhà sản xuất thép thế giới thở phào sau khi Brussels và Washington đồng ý tạm dừng cuộc chiến thương mại về thuế quan thép và nhôm. Ảnh: Internet

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các nhà sản xuất thép của Mỹ đã vận động hành lang chính quyền Tổng thống Biden để không từ bỏ hoàn toàn các biện pháp bảo hộ từ thời Trump. Đồng thời, họ mong muốn đặt hạn ngạch để ngăn xuất khẩu của châu Âu tăng quá cao trong quá trình phục hồi sau đại dịch. EU và Mỹ cũng nhất trí hợp lực để giải quyết tình trạng dư thừa thép toàn cầu, chủ yếu xuất phát từ Trung Quốc.

Liz Truss: Bà đã vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng phê duyệt nội các, vượt qua các thành viên Đảng Bảo thủ và được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Anh vào tháng 9. Là một người ủng hộ mạnh mẽ Brexit, bà cũng đồng thời là trưởng đoàn đàm phán hậu Brexit của Anh kể từ khi David Frost từ chức. Bà hiện là một trong hai ứng cử viên hàng đầu để tiếp quản chức Thủ tướng từ ông Boris Johnson.

Nông dân Pháp: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày càng trở thành người bạn của nông dân khi ông chuẩn bị cho cuộc chạy đua tái đắc cử dự kiến ​​vào tháng 4. Dưới sự lãnh đạo trong suốt nhiệm kỳ của ông, Pháp cũng gây sức ép lên các chương trình nghị sự thương mại tự do của EU. Các giao dịch thương mại được ký kết hoặc phê chuẩn ngày càng phải chờ đợi lâu hơn. Chile và New Zealand là những nước mới nhất bị mắc kẹt trong phòng chờ xét duyệt giao dịch.

Các cảng quốc tế: Trong khi thương mại quốc tế gần như ngừng trệ trong vài tháng đầu tiên của đại dịch vào năm 2020, năm nay ngành này chứng kiến ​​người tiêu dùng quay trở lại mua sắm. Nếu năm ngoái, các bến cảng vắng hơn bình thườn, thì năm nay họ phải đối mặt với vấn đề ngược lại, đó là hàng hóa chất đống khi không thể phân phối. Nhưng đó không phải là một điều tồi tệ đối với những người điều hành bến cảng - những người có thể tăng phí lưu kho.

Ví dụ điển hình là tại cảng Hamburg của Đức, công ty vận tải biển HHLA thừa nhận rằng mức tăng doanh thu năm 2021 của họ chủ yếu là "kết quả của thời gian lưu trú container lâu hơn" tại các bến. Cảng Hamburg cũng không phải là ngoại lệ duy nhất. Các cảng từ bờ biển phía đông và phía tây của Mỹ và từ Antwerp đến Abu Dhabi, đã ghi nhận mức lợi nhuận ghi nhận tăng trong năm nay. Cổ phiếu của gã khổng lồ vận tải biển Maersk cũng chứng kiến ​​lợi nhuận tăng lên.

Người thua cuộc

Tàu Ever Given (và chuỗi cung ứng nói chung): Năm 2021 là một năm khó khăn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và không có gì minh họa điều đó rõ ràng hơn sự kiện con tàu container có kích cỡ của Tòa nhà Empire State, Ever Given mắc kẹt ở kênh đào Suez trong một tuần. Việc hàng hóa bị chậm trễ đã ảnh hưởng đến khách hàng, nhà bán lẻ và nhà sản xuất, vốn đang phải vật lộn với sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch.

Tàu Ever Given chắn ngang kênh đào Suez vào tháng 3. Ảnh: DigitalGlobe
Tàu Ever Given chắn ngang kênh đào Suez vào tháng 3. Ảnh: DigitalGlobe

Didier Reynders: Ủy viên phụ trách tư pháp EU, Didier Reynders đã thất bại trong việc đưa ra các quy định mới để buộc các công ty phải chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm nhân quyền và môi trường trong chuỗi cung ứng của họ. “Đứa con tinh thần” của Reynders đã trở thành một mớ hỗn độn chính trị trong năm nay. Đức đã phải ban hành luật chuỗi cung ứng của riêng nước này, yếu hơn đáng kể so với những gì EU muốn, trong một động thái làm xoa dịu các doanh nghiệp.

WTO (và phản ứng của tổ chức này đối với sự bất bình đẳng về vaccine): Việc Ấn Độ và Nam Phi thúc đẩy việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine đã không tạo ra bất kỳ đột phá nào trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để đảm bảo thế giới đang phát triển được nhận nhiều vaccine Covid-19 hơn.

Các quốc gia giàu có, bao gồm cả EU, cho rằng việc bảo hộ bằng sáng chế là rất quan trọng để đảm bảo rằng các hãng dược phẩm lớn tiếp tục đổ tiền mặt vào nghiên cứu. Trong khi đó, các nước đang phát triển cho rằng bằng sáng chế ngăn cản việc tiếp cận các phương pháp chữa bệnh toàn dân.

Bất bình đẳng vaccine xảy ra giữa các nước giàu và nghèo trên thế giới chưa được giải quyết triệt để, do tranh cãi về quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19. Ảnh: Reuters

Bất bình đẳng vaccine xảy ra giữa các nước giàu và nghèo trên thế giới chưa được giải quyết triệt để, do tranh cãi về quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19. Ảnh: Reuters

Maria Martin-Prat: Sau 7 năm đàm phán về một thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc, trưởng đoàn đàm phán Maria-Martin Prat đã tìm cách ký kết thỏa thuận này ngay trước Tết năm ngoái. Nhưng thỏa thuận này ngay lập tức bị chỉ trích vì những tác động địa chính trị của nó, chẳng hạn như làm mất lòng tổng thống mới nhậm chức của Mỹ.

Thỏa thuận sau đó chính thức bị đóng băng vì các lệnh trừng phạt của Trung Quốc đối với các nhà lập pháp EU. Bất chấp những ý kiến ​​liên tục từ DG TRADE về lợi ích kinh tế từ thỏa thuận và các nhượng bộ được đàm phán từ Trung Quốc, thỏa thuận của Martin-Prat sẽ không sớm có thêm kết quả.

Những người ủng hộ Brexit: Các nhà đàm phán EU- Anh đã đạt được thỏa thuận Brexit vào đêm Giáng sinh năm 2020. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Brexit sẽ được thực hiện vào năm 2021. Cuộc tranh cãi về Bắc Ireland nói riêng sẽ tiếp tục vào năm tới, khi đã sáu tháng không đạt được kết quả thảo luận.

Các cuộc đàm phán về các quy tắc thương mại hậu Brexit ở Bắc Ireland đã dẫn đến một động thái đơn phương của Ủy ban châu Âu (EU) nhằm giảm bớt các hạn chế đối với các hãng dược phẩm của Anh. Những bất đồng giữa Anh và EU vẫn còn tương đối lớn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.