Mục tiêu 'Zero Covid' có thể đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu

CHUỖI CUNG ỨNG THẾ GIỚI
16:34 - 25/11/2021
Những thùng container bị mắc kẹt tại cảng cho thấy sự trầm trọng của cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh minh họa: Reuters
Những thùng container bị mắc kẹt tại cảng cho thấy sự trầm trọng của cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh minh họa: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Chính sách theo đuổi mục tiêu sạch bóng Covid vô cùng khắt khe của Trung Quốc đang cản trở sự phục hồi của ngành vận tải biển và gia tăng sức ép lên chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trung Quốc không chỉ là thị trường xuất khẩu lớn nhất thế giới, mà còn là trung tâm của ngành vận tải biển toàn cầu, trong khi lại là quốc gia cuối cùng vẫn kiên trì với chính sách “Zero Covid” bằng các biện pháp ngày càng khắt khe.

Theo đó, Trung Quốc yêu cầu tàu vận tải không được thay đổi các thuyền viên nước ngoài. Gần đây, nước này còn áp lệnh cách ly bắt buộc kéo dài 7 tuần đối với các thuyền viên Trung Quốc trở về đất liền. Ngay cả những tàu đã bổ sung thủy thủ ở nơi khác cũng phải đợi hai tuần theo dõi sức khỏe trước khi được phép cập cảng Trung Quốc.

Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

Do vậy, để tuân thủ biện pháp phòng chống dịch của Trung Quốc, các chủ tàu và người quản lý đã phải định tuyến lại các tàu, trì hoãn những chuyến hàng và thậm chí phải thay đổi thành viên thủy thủ đoàn. Điều này càng làm nghiêm trọng cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng.

Mới đây, Trung Quốc đã cách ly một lúc 34.000 người tại Disneyland Thượng Hải để xét nghiệm Covid-19 và theo dõi sức khỏe. Một trường học ở Bắc Kinh còn buộc phải giữ học sinh tiểu học ở lại qua đêm ở trường sau khi ghi nhận trường hợp một giáo viên dương tính với Covid-19. Định nghĩa về “tiếp xúc gần” giờ đây đã thay đổi, dùng để chỉ những người cách nhau trong bán kính 1 kilomet.

Ông Guy Platten, Tổng thư ký của Phòng Vận tải biển Quốc tế cho biết: “Các lệnh hạn chế của Trung Quốc đã gây ra nhiều tác động bất lợi đến chuỗi cung ứng và tạo hiệu ứng gián đoạn toàn cầu”.

Các đơn vị vận tải cũng đang kêu gọi chính quyền Trung Quốc có phương án nới lỏng hạn chế, ưu tiên với đối tượng người đi biển và các dịch vụ vận tải đường biển. Nếu không kịp thời điều chỉnh các biện pháp thắt chặt, nguy cơ gián đoạn nguồn cung sẽ diễn ra nghiêm trọng hơn, ngành hàng hải phải đối mặt với gánh nặng lớn về chi phí.

Trong một diễn đàn công nghiệp trực tuyến hôm 22/11, ông Terence Zhao, Giám đốc điều hành Singhai Marine Services, một trong những công ty cung cấp thủy thủ đoàn lớn nhất Trung Quốc cho biết: “Các cảng đều đang bị áp lệnh kiểm dịch nghiêm ngặt. Tùy thuộc vào tình hình Covid-19 ở mỗi địa phương mà các quy định sẽ được siết chặt hơn.”

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay phía Trung Quốc vẫn tiếp tục triển khai các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt và báo hiệu rằng sẽ không có sự nhân nhượng trong các quy tắc. Một cuộc khảo sát mới của Oxford Economics với 148 doanh nghiệp diễn ra từ ngày 18-29/10 cho thấy, gần 80% số người được hỏi cho biết cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng trên thế giới sẽ diễn biến tồi tệ hơn.

Trên khắp thế giới, các nhà máy sản xuất, công ty bán hàng, đơn vị vận chuyển và cả người tiêu dùng đều đang chật vật xoay chuyển tình thế để tránh cuộc khủng hoảng cung ứng có dấu hiệu lan rộng. Còn ngành công nghiệp vận tải đã ghi nhận giá cước vận tải toàn cầu đang tăng đột biến do tình trạng tắc nghẽn cảng.

Tin liên quan

Đọc tiếp