Quốc gia châu Âu đầu tiên sẵn sàng trả tiền khí đốt Nga bằng đồng ruble

NĂNG LƯỢNG NGA
10:35 - 04/04/2022
Các quốc gia châu Âu bất đồng về lệnh cấm vận năng lượng Nga. Ảnh: AFP
Các quốc gia châu Âu bất đồng về lệnh cấm vận năng lượng Nga. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Sự bất đồng của các nước phương Tây trong việc cấm vận năng lượng Nga đang càng gia tăng hơn, sau khi Bộ trưởng Kinh tế Slovakia Richard Sulik cho biết nước này sẽ trả tiền mua khí đốt bằng đồng ruble nếu đó là điều kiện giữ cho hàng hóa được lưu thông.

Trên sóng truyền hình quốc gia Slovakia ngày 3/4, ông Sulik khẳng định nếu có điều kiện thanh toán bằng đồng ruble, nước này sẽ thanh toán đơn hàng khí đốt Nga bằng đồng tiền này. Nguyên nhân được ông đưa ra là do nhập khẩu khí đốt của Nga chiếm tới 85% tổng nguồn cung khí đốt tại Slovakia, do đó các nhà chức trách vẫn cần trở nên thực dụng hơn trong tình hình hiện tại.

Ông Sulik chia sẻ Slovakia không thể bị cắt khí đốt, do nó sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế. Đồng thời, ông cũng thúc giục các nước còn lại tại châu Âu – khu vực phụ thuộc tới 40% nguồn cung khí đốt từ Nga - tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề này.

Theo hãng tin RT, một trong các giải pháp lâu dài mà Slovakia hướng tới chính là đa dạng hóa nguồn cung. Tuy nhiên, Bộ trưởng Sulik và một số chính trị gia châu Âu khác cho rằng việc này có thể mất tới nhiều năm, trong khi quốc gia này chỉ có khoảng 2 tháng để giải quyết vấn đề mua nhiên liệu hiện tại. Do đó Nga hiện vẫn là lựa chọn tốt nhất.

Trước đó, gần như tất cả các quốc gia Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Slovakia đã tham gia trừng phạt Nga bằng các biện pháp cấm vận kinh tế trong tháng 3. Điều này đã gây nguy hại tới khả năng thanh toán của Nga với các đối tác châu Âu bằng đồng tiền chung của khu vực này. Vì vậy, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đáp trả các lệnh trừng phạt bằng cách ký sắc lệnh yêu cầu các nước thanh toán hợp đồng khí đốt mới bằng đồng nội tệ của nước này.

Dù sắc lệnh này bị nhiều người coi là một hành vi phá vỡ các hợp đồng hiện tại, nhưng cơ chế này không đòi hỏi thay đổi đơn vị tiền tệ thanh toán. Thay vào đó, nó cho phép người mua mở tài khoản bằng đồng ruble với Ngân hàng Gazprombank của Nga, để tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty châu Âu chuyển các khoản thanh toán cho các nhà cung cấp của Nga.

Theo phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov, trên thực tế gần như sẽ không có gì thay đổi đối với các công ty châu Âu. Các công ty này vẫn sẽ thanh toán bằng đồng Euro như trước đây, tuy nhiên người bán - nhà xuất khẩu khí đốt lớn của Nga Gazprom, sẽ có thể nhận tiền bằng đơn vị tiền tệ quốc gia của Nga.

Dù vậy, nhiều người mua vẫn cảm thấy bối rối trước sự thay đổi này bất chấp những lời giải thích từ phía Nga. Phản ứng ban đầu chủ yếu là phản đối, với các quốc gia châu Âu tuyên bố sẽ không trả tiền xăng bằng đồng ruble.

Ông Richard Sulik - Bộ trưởng Kinh tế Slovakia. Ảnh: Reuters

Ông Richard Sulik - Bộ trưởng Kinh tế Slovakia. Ảnh: Reuters

Biến chuyển trong thái độ của các nước đồng minh phương Tây

Tình hình tại các nước đồng minh phương Tây khác cũng dần có sự biến chuyển. Dù đã áp đặt các lệnh cấm vận lên Nga, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Hagiuda Koichi khẳng định cuối tuần trước rằng nước này không có ý định rút khỏi các dự án dầu khí tự nhiên ở Viễn Đông với Nga.

Ông chia sẻ do Nhật Bản có cổ phần trong cả hai dự án dầu khí và đã được đảm bảo nguồn cung cấp lâu dài, các dự án này sẽ cho phép quốc gia này nhận nguồn cung với giá thấp hơn thị trường. Trong bối cảnh chi phí năng lượng tăng cao, tầm quan trọng của các dự án này càng trở nên lớn hơn bao giờ hết.

Đồng thời, ông Koichi cũng bổ sung rằng Nhật Bản đang nhập khẩu khoảng 90% dầu thô từ Trung Đông và dự án Sakhalin-1 của Nga được xem như một nguồn năng lượng quan trọng bên ngoài khu vực đó. Trong khi đó, dự án Sakhalin-2 sẽ chiếm khoảng 9% tổng lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu của Nhật Bản. Ngoài 2 dự án này, ông Koichi cũng nhấn mạnh rằng Nhật Bản sẽ tuân thủ các thỏa thuận về một dự án phát triển LNG khác ở Bắc Cực của Nga.

Tuyên bố của Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản có vẻ như đi ngược lại với lập trường rộng hơn của Nhật Bản về việc hợp tác với Nga. Cùng với một số quốc gia phương Tây, Nhật Bản đã đặt lệnh trừng phạt lên quốc gia này. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt không nhắm vào các nhà cung cấp năng lượng.

Trong khi đó, các quốc gia châu Âu như Hungary luôn duy trì thái độ phản đối các lệnh cấm vận lên lĩnh vực năng lượng của Nga. Đồng thời tại Áo, ông Alfred Stern, người đứng đầu tập đoàn năng lượng khổng lồ OMV của quốc gia này nhận định, Áo không thể loại bỏ hoàn toàn nguồn cung năng lượng từ Nga trong năm 2022.

Hiện trữ lượng khí đốt trong các kho dự trữ của Áo chỉ đạt 13%, tương đương với việc một lệnh cấm khí đốt từ Nga sẽ tạo ra tác động không thể vãn hồi với nền kinh tế nước này. Thủ tướng Áo Karl Nehammer cũng đồng ý với nhận định này khi ông cho biết mình không ủng hộ bất kỳ hạn chế nào trong việc cung cấp khí đốt của Nga sang các nước châu Âu khác.

Một cơ sở khí đốt của Gazprom tại Kasimov, Nga. Ảnh: Bloomberg

Một cơ sở khí đốt của Gazprom tại Kasimov, Nga. Ảnh: Bloomberg

Nga sẽ đạt doanh thu khí đốt kỷ lục trong năm 2022 bất chấp lệnh cấm vận

Ông Janis Kluge, một nhà nghiên cứu tại Quỹ Khoa học và Chính trị Đức, chia sẻ với hãng tin ntv.de rằng, Nga có khả năng sẽ đạt mức doanh thu kỷ lục từ việc bán khí đốt tự nhiên trong năm nay do mức giá thị trường tăng cao.

Theo ông, gần một nửa ngân sách của Nga là dựa vào các giao dịch dầu khí. Nhà nước thu được rất nhiều từ thuế sản xuất và thuế xuất khẩu bằng đồng ruble. Nguồn doanh thu này sẽ được xác định bởi hai yếu tố bao gồm giá năng lượng trên thị trường thế giới và tỷ giá hối đoái của đồng ruble. Do đó, ông cho rằng doanh thu từ khí đốt của Nga sẽ tăng vọt trong năm nay vì nhiều hợp đồng khí đốt của quốc gia này đang điều chỉnh theo giá thị trường.

Trong vài tháng tới, chi phí năng lượng trên toàn thế giới sẽ còn tăng hơn nữa với giá xăng trên thị trường đã tăng gấp 5 lần trong năm 2021. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Gazprom sẽ có doanh thu kỷ lục. Tình hình cũng sẽ tương tự với lĩnh vực dầu mỏ của Nga khi lợi nhuận được gia tăng từ sự sụt giảm trong giá trị đồng rúp do các lệnh trừng phạt.

Ông Kluge chia sẻ Nga vốn đã hoạch định ngân sách quốc gia với tỷ giá đồng USD so với đồng ruble là 72 nhưng hiện đồng ruble đang ở mức 85 ăn một USD là một mức yếu hơn nhiều. Tuy nhiên, đối với xuất khẩu năng lượng, đây lại là một lợi thế. Với tỷ giá hối đoái dự kiến, Moscow sẽ đạt mức doanh thu khoảng 52,48 USD / thùng dầu. Tuy nhiên khi giá trị đồng ruble giảm, con số này đang tăng cao lên khoảng 81,63 USD.

Lợi nhuận thu được từ lĩnh vực năng lượng sẽ có thể giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt lên nền kinh tế Nga và ngăn chặn lạm phát. Ông Kluge cũng tin rằng cùng với việc chi phí cho chiến dịch ở Ukraine không quá cao, các biện pháp trừng phạt kinh tế trừ các lệnh cấm vận hoàn toàn, sẽ khó có thể “ngăn chặn được những chiếc xe tăng”.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nga cũng rất sáng tạo trong việc đưa ra các biện pháp đối phó để giữ cho nền kinh tế phát triển. Vì vậy, ông cho rằng Nga thậm chí có thể vượt qua các lệnh cấm vận kinh tế và còn có thể đạt được thặng dư ngân sách trong năm nay.

Đọc tiếp