Rau quả Việt Nam xuất sang EU mới chỉ chiếm 0,5% thị phần

XUẤT KHẨU Việt nAM
14:04 - 15/12/2021
Rau quả Việt Nam xuất sang EU mới chỉ chiếm 0,5% thị phần
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường EU mỗi năm nhập khẩu rau quả 35 tỷ Euro, trong đó nhập từ Việt Nam mới chỉ đạt 130 triệu Euro.

Liên minh châu Âu (EU) là thị trường lớn với hơn 500 triệu dân, và khoảng 750 triệu lượt khách du lịch mỗi năm. EU chiếm 40% thương mại rau quả toàn cầu, trong đó, 5 thành viên nhập khẩu lớn nhất gồm: Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 130 triệu Euro rau, củ, quả sang thị trường này, chỉ chiếm 0,5% tổng kim ngạch nhập khẩu (35 tỷ Euro/năm).

EU được đánh giá là dẫn đầu thế giới về trị giá xuất khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác, tốc độ xuất khẩu giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng bình quân 2,76%/năm, từ 22,73 tỷ USD năm 2016 tăng lên 25,24 tỷ USD năm 2020. Tỷ trọng xuất khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật của EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu thế giới tăng từ 38,53% năm 2016 lên 39,59% năm 2020.

Điều kiện khí hậu ở châu Âu không thích hợp để trồng rau quả nhiệt đới, do đó, nguồn cung trái cây, rau củ chế biến của châu Âu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu từ các nước nhiệt đới và bán nhiệt đới. Với loại trái cây nhiệt đới có nhu cầu tăng trưởng khoảng 4%/năm trong thời gian qua.

Các nhóm sản phẩm của Việt Nam xuất vào thị trường EU gồm: thanh long, chanh leo, dừa, sầu riêng, nhãn, vải, măng cụt, mít, ổi, chanh không hạt, khoai lang, khoai môn và các loại rau gia vị.

Trong 5 năm tới, nhập khẩu rau quả chế biến của châu Âu được dự báo sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 2% đến 3%, tùy thuộc vào chủng loại sản phẩm. Tuy nhiên, trị giá xuất khẩu hàng rau quả chế biến của Việt Nam sang EU vẫn còn ở mức thấp.

Theo nhận định của Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, đây là thị trường rộng lớn và còn nhiều dư địa để phát triển cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý tới doanh nghiệp những rào cản khắt khe cần tránh để phát triển và thâm nhập sâu vào thị trường EU.

Yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm

Thị trường EU quy định rất chặt chẽ và khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm như: việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trên các loại sản phẩm, vi sinh tồn dư trong các loại thực phẩm, giấy chứng nhận kiểm dịch, cấp mã vùng trồng, trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường,...

Đồng thời, EU cũng có những yêu cầu chi tiết về tiếp cận thị trường đối với doanh nghiệp dựa trên các tiêu chí về yêu cầu chung, độ chín, nhãn mác, phân loại sản phẩm. Về việc ghi nhãn và đóng gói, EU có bảng quy định rõ ràng với yêu cầu trước hết là công khai tên, địa chỉ người đóng gói hoặc điều phối, tên và chủng loại sản phẩm (với các sản phẩm không nhìn thấy được từ ngoài bao bì), nước xuất xứ, số lô để truy xuất nguồn gốc và chứng nhận, chứng nhận hữu cơ,…

Bên cạnh đó, EU đưa ra các biện pháp kiểm soát các mặt hàng nhập khẩu để đảm bảo rằng tất cả các loại thực phẩm được bán trên thị trường Châu Âu đều an toàn và tuân thủ tất cả các yêu cầu quy định hiện hành, như truy suất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các giấy phép theo tiêu chuẩn của EU và kiểm tra để đảm bảo rằng lô hàng không có sinh vật gây hại.

Yêu cầu thêm của khách hàng

Ngoài ra, đối với khách hàng tại thị trường EU, người tiêu dùng có xu hướng chọn mua nhiều hơn các sản phẩm có chứng nhận chất lượng như HACCP và GLOBALG.A.P. Họ cũng ngày càng quan tâm nhiều hơn tới việc sản phẩm tuân thủ các quy chuẩn xã hội và đảm bảo thân thiện với môi trường. Đây cũng là điều mà các doanh nghiệp cần lưu ý.

Nhằm tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng và gây dựng được thương hiệu, các doanh nghiệp cũng cần chú ý hơn đến marketing, tuyên truyền quảng bá sản phẩm, và quan trọng hơn là các chế độ chăm sóc khách hàng. Các doanh nghiệp cần chú ý đến uy tín của thương hiệu như việc giao đúng hàng, đúng chất lượng, đúng thời hạn, tuân thủ các cam kết giữa hai bên và chủ động giải quyết các tình huống không mong muốn.

Sản phẩm hữu cơ – thị trường ngách tiềm năng

Ngày càng có nhiều người tiêu dùng ở Châu Âu thích rau quả hữu cơ vì phương pháp sản xuất tự nhiên và bền vững cũng như kết nối của chúng với một chế độ ăn uống lành mạnh. Ở các nước như Ý, Ireland, Pháp, Đức và Thụy Điển, trái cây và rau hữu cơ chiếm khoảng 1/5 tổng nhu cầu hữu cơ. EU hiện cũng đang khuyến khích nhập khẩu các sản phẩm hữu cơ.

Để tiếp thị các sản phẩm hữu cơ ở Châu Âu, doanh nghiệp phải sử dụng các phương pháp sản xuất hữu cơ theo luật pháp Châu Âu và phải duy trì sử dụng ít nhất 2 năm trong suốt thời gian chuyển đổi trước khi có thể chứng nhận sản phẩm của mình là hữu cơ.

Tin liên quan

Đọc tiếp