Xuất khẩu sang Nga bị kìm hãm vì rào cản logistic

XUẤT KHẨU NGA
22:01 - 14/12/2021
Những container xuất khẩu từ Việt Nam sang Liên bang Nga trở thành kho hàng trên biển, không có chỗ dỡ hàng và gia tăng tình trạng tắc nghẽn.
Những container xuất khẩu từ Việt Nam sang Liên bang Nga trở thành kho hàng trên biển, không có chỗ dỡ hàng và gia tăng tình trạng tắc nghẽn.
0:00 / 0:00
0:00
Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Nga đang liên tục tăng, đặc biệt là nông sản và thực phẩm, nhưng khó khăn trong khâu vận chuyển khiến cơ hội giao thương giảm sút, đặt ra yêu cầu cần xây dựng tuyến tàu biển kết nối thẳng hai nước.

Việt Nam đang giữ vị trí số một trong các quốc gia Đông Nam Á về kim ngạch thương mại với Nga với hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là thủy sản, cà phê, điều, trái cây, chè, gỗ và gạo. Giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Nga năm 2020 đạt 4,04 tỷ USD, tăng 6,7% so với 2019 và tăng 97% so với 2015.

Tuy nhiên, thương mại hai nước đang gặp thách thức lớn, đặc biệt là việc vận chuyển hàng hóa sang Nga bởi chi phí logistics tăng mạnh thời gian qua. Điều này khiến các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được tối đa ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu (EAEU).

Chia sẻ thực tế về vấn đề này tại “Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Liên bang Nga”, chiều 14/12, ông Đỗ Quốc Việt, Chủ tịch Hội người Việt tại Primorye, Tổng Giám đốc Công ty TNHH PORT FRANKO-70 cho biết, những khó khăn trong logicstics đang là trở ngại nghiêm trọng đối với việc xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Nga.

Theo ông Việt, từ tháng 03/2020, các cảng vận tải ở Nga đều tăng giá, lý do là các quốc gia châu Á thiếu vỏ container và tắc nghẽn tại các cảng trung chuyển. Thông tin này cho thấy, mặc dù các hãng vận tải lớn đã tăng thêm nhiều chuyến nhưng công suất vẫn không đủ. Những container trở thành kho hàng trên biển, không có chỗ dỡ hàng và gia tăng tình trạng tắc nghẽn.

Đường sắt Nga cũng đang gặp sự cố do bị đóng băng dù Chính phủ Nga đã có phương án mở rộng nhưng chưa có thể khẳng định thời gian nào có thể phục hồi.

Nhu cầu tăng cao trong khi tình trạng tắc nghẽn không được giải quyết là cơ hội cho các hãng tàu đồng loạt tăng giá phi mã. “Nếu trước đây một container từ Việt Nam sang Nga là khoảng 1.000 USD thì nay tăng lên gấp 10 lần thành khoảng 10.000 USD. Ngoài ra, thời gian vận chuyển hàng hóa cũng không xác định được. Trung bình một container Việt Nam phải mất 2 - 3 tháng mới đến được Moscow sau nhiều cảng trung chuyển”, ông Việt nói thêm.

Từ khó khăn trên, ông Việt cho rằng cần lên phương án xây dựng một tuyến tàu biển vận tải thẳng từ Việt Nam đến cảng Viễn Đông hoặc đến thẳng Matxcova.

Ảnh tác giả

“Nếu Việt Nam không phát triển đường tàu thẳng từ Việt Nam sang Nga thì việc vận tải hàng hóa xuất khẩu vào Nga sẽ ngày càng khó khăn hơn. Nhất là khi các hãng vận tải đang thu được lợi nhuận khổng lồ từ cước đường biển thì có thể sẽ tiếp tục tăng cường cước phí để giữ khoản lợi nhuận này”.

Ông Đỗ Quốc Việt, Chủ tịch Hội người Việt tại Primorye

“Việc mở được tuyến tàu biển đi thẳng từ Việt Nam – Nga là rất khó nhưng nếu chúng ta làm được sẽ tạo ra rất nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là phát triển giao thương giữa hai nước”, Tổng Giám đốc PORT FRANKO-70 nhận định.

Chia sẻ tính cần thiết trong đề xuất của ông Việt, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nga Dương Hoàng Minh khẳng định, trong thời gian tới Thương vụ Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và Hiệp hội Logistics Việt Nam để tìm ra phương hướng giúp hàng hóa Việt Nam vận chuyển sang thị trường này dễ dàng hơn, tránh phải đi vòng qua các cảng trung chuyển gây mất thời gian và cơ hội tiếp cận thị trường của doanh nghiệp.

Thị trường nhiều tiềm năng cho nông sản Việt

Yêu cầu giải quyết khó khăn logistics càng được đặt ra cấp thiết hơn khi Nga đang có nhu cầu ngày càng tăng cao đối với nông sản và thực phẩm Việt Nam. Nhu cầu này xuất phát từ sự ưa chuộng của người dân Nga với thực phẩm châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Không chỉ vậy, theo ông Dương Hoàng Minh, Nga còn là một thị trường lớn có nhiều tiềm năng khai thác cho các doanh nghiệp Việt Nam. Kim ngạch ngoại thương năm 2020 của Nga đạt 568 tỷ USD, trong đó nhập khẩu 231 tỷ USD. Dự kiến năm 2021 kim ngạch xuất nhập khẩu của sẽ đạt 720 tỷ USD, tăng 28% so với 2020, nhập khẩu sẽ đạt 280 tỷ USD tăng 21%.

Ảnh tác giả

“Nga nhập khẩu hầu hết các sản phẩm nông sản nhiệt đới trong đó có thị trường Việt Nam. Theo thống kê của Nga, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nga tăng khá nhanh. Thị trường này còn nhiều cơ hội bỏ ngỏ cho các doanh nghiệp Việt khai thác, nhất là trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm”.

Ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nga

Trong khi đó theo ông Đàm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty RPK Volga, trong 5 năm trở lại đây nhu cầu ẩm thực châu Á của người Nga tăng cao do phát triển du lịch châu Á và các hoạt động quảng bá. Người Việt Nam tại Nga cũng đã hiểu nhu cầu thị hiếu người Nga nên mở nhiều nhà hàng món Việt. Riêng thủ đô Moscow có hơn 500 nhà hàng Việt và con số này sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.

Ông Tuấn cho biết, người dân Nga nhận xét tích cực về món ăn Việt: thanh, ngọt, ít chất béo, gia vị ngon và đảm bảo dinh dưỡng. Các món cơm tấm, phở, hủ tiếu, các loại bánh từ bột gạo rất được ưa chuộng. Không những thưởng thức ở cửa hàng mà họ còn muốn mua những nguyên liệu về làm thực phẩm cho gia đình trong các bữa ăn chính.

“Nếu được đầu tư bài bản theo chiều sâu thì những món ăn Việt sẽ còn xuất hiện nhiều hơn trong các bữa ăn của người Nga và đó chính là cơ hội để các doanh nghiệp mở rộng hơn nữa các kênh xuất khẩu nông sản, thực phẩm Việt sang thị trường này”, Giám đốc Công ty RPK Volga khẳng định.

Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Nga từ Việt Nam năm 2020

Cà phê: Nga nhập khẩu 652 triệu USD trong đó từ Việt Nam là 135 triệu USD (chiếm 21%).

Chè: Nga nhập khẩu 412 triệu USD trong đó từ Việt Nam là 25 triệu USD (chiếm 6%), đứng thứ 5 trong số những nước xuất khẩu chè lớn vào Nga.

Hạt điều: Nga nhập khẩu 45 triệu USD trong đó từ Việt Nam là 63%.

Hạt tiêu: Nga nhập khẩu 48 triệu USD trong đó từ Việt Nam là 19 triệu USD, đứng số 1 trong các thị trường nhập khẩu hạt tiêu của Nga.

Xoài sấy: Nga nhập khẩu 10 triệu USD trong đó từ Việt Nam 9,2 triệu USD. Đây là mặt hàng gần như mới hoàn toàn do các doanh nghiệp nghiệp Việt Nam phát triển và đang có lợi thế tuyệt đối.

Thủy sản: Nga nhập khẩu 1,7 tỷ USD trong đó nhập từ Việt Nam 111 triệu USD (chiếm gần 1,7%). Việt Nam là nước xuất khẩu cá phi lê lớn nhất vào Nga.

Hàng dệt may: Nga nhập khẩu 11,5 tỷ USD, trong đó từ Việt Nam 446 triệu USD (chiếm 3,9%).

Giày dép: Nga nhập khẩu 3 tỷ USD, trong đó từ Việt Nam 368 triệu USD (chiếm 12,8%)

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.