Siết dần hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch, giải pháp cho bài toán ùn ứ nông sản

XUẤT KHẨU TRUNG QUỐC
10:50 - 26/03/2023
Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Ảnh: Anh Thư
Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Ảnh: Anh Thư
0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu theo phương thức trao đổi cư dân biên giới - xuất khẩu tiểu ngạch sẽ được siết lại và nâng cao yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa từ đầu năm 2025, nhằm tránh tái diễn ùn ứ tại cửa khẩu, nhất là với Trung Quốc.

Hàng hóa xuất khẩu cần làm tốt từ gốc để tránh việc bị ùn ứ hoặc trả về

Theo dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 14/2018 về hoạt động thương mại biên giới đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, từ năm 2025, sẽ siết chặt hoạt động xuất khẩu hàng hóa theo đường tiểu ngạch, giảm dần số lần, số tiền được miễn thuế và hàng hoá phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong.

Trao đổi với Mekong ASEAN xung quanh vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng Dự thảo của Bộ Công Thương là hợp lý và cần thiết. Bởi hiện nay, với lệnh 248, 249, Trung Quốc đang dần siết lại các tiêu chuẩn nhập khẩu của mình. Doanh nghiệp do đó cần nâng dần các tiêu chuẩn về xuất khẩu và chất lượng hàng hóa, cần làm tốt ngay từ gốc, từ khâu sản xuất đóng gói để tránh việc hàng hóa bị ùn ứ hoặc trả về.

Từ đầu năm 2022, Trung Quốc đã áp dụng các lệnh quản lý an toàn thực phẩm với hàng xuất tiểu ngạch vào nước này. Vì thế hàng trao đổi cư dân biên giới sẽ không còn nhiều cơ hội "đi thẳng" như trước.

Để đáp ứng dần với các yêu cầu mới, theo ông Phong, người nông dân, doanh nghiệp cần nắm bắt những yêu cầu, thông tin cụ thể về dư lượng thuốc trừ sâu, các loại thuốc bảo vệ thực vật… để nâng cao chất lượng sản xuất.

Việc này không chỉ để xuất khẩu sang Trung Quốc, mà còn hướng tới các thị trường nhập khẩu khác với yêu cầu cao hơn như Mỹ, Nhật Bản… Đây là việc người nông dân Việt Nam đã làm nhiều năm nay, nhưng cần đẩy mạnh hơn nữa bởi thị trường Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính nữa.

Ông Phong cũng đề nghị cần phát triển nhiều hơn nữa các dịch vụ thẩm định chất lượng, ngay từ vùng sản xuất, để hàng hóa có sự chuẩn bị kỹ càng, đáp ứng các tiêu chuẩn phía bạn hàng, tránh bị trả hàng về tại vùng biên giới. Có thể phát triển các dịch vụ tư vấn, kiểm định chất lượng hàng hóa ngay tại các trung tâm hỗ trợ về nông nghiệp của các địa phương để tự thẩm định chất lượng hàng hóa trước khi xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các địa phương và người dân cần cập nhật thường xuyên các thông tin về các tiêu chuẩn yêu cầu của phía Trung Quốc, bởi hàng rào kỹ thuật của các nước sẽ không cố định mà sẽ thay đổi liên tục.

Từ năm 2028, chỉ làm thủ tục thông quan cho hàng đã được cấp phép, xuất chính ngạch sang Trung Quốc

Theo dự thảo của Bộ Công Thương, chỉ cư dân khu vực biên giới mới được phép xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân và họ phải có mặt trực tiếp làm thủ tục xuất cảnh.

Từ đầu 2026, hàng xuất chính ngạch vào Trung Quốc sẽ làm thủ tục tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) và các cửa khẩu phụ, lối mở đạt thỏa thuận song phương về xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa.

Từ năm 2027, tạm dừng xuất nhập khẩu hàng hoá tại các cửa khẩu, lối mở chưa đạt thoả thuận song phương về trao đổi, mua bán hàng hoá qua biên giới. Đến 2028, các cửa khẩu, lối mở chỉ được làm thủ tục thông quan cho hàng đã được cấp phép, xuất chính ngạch sang Trung Quốc.

Theo Bộ Công Thương, việc siết lại hàng xuất khẩu tiểu ngạch nhằm đưa việc trao đổi, mua bán hàng hóa hàng ngày của cư dân biên giới về đúng bản chất, đồng thời, đưa hàng hoá xuất khẩu sang Trung Quốc theo đúng thông lệ quốc tế, tuân thủ yêu cầu chất lượng, truy xuất nguồn gốc của nước sở tại và tránh tái diễn tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu.

Hiện hàng xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc được hưởng các ưu đãi, như miễn kiểm dịch, không cần hợp đồng, không cần thanh toán qua ngân hàng và được miễn thuế với hàng dưới 8.000 nhân dân tệ/người/ngày.

Các định về giao dịch hàng qua biên giới đất liền, nhất là xuất khẩu, khá dễ dàng. Mọi thương nhân đều được quyền xuất khẩu qua biên giới. Cá nhân không đăng ký kinh doanh nhưng nếu cư trú tại khu vực biên giới cũng có quyền xuất hàng, trừ hàng cấm. Các thương nhân tự lập bảng kê hàng hoá để thay hợp đồng, không phải xuất trình hợp đồng mua bán với cơ quan hải quan và phương thức thanh toán linh hoạt.

Bộ Công Thương nêu thực tế, nhiều nông sản Việt chưa được cấp phép nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, nên sang nước này qua đường tiểu ngạch. Thậm chí, một số mặt hàng được cấp phép xuất khẩu chính thức nhưng vẫn chuyển sang tiểu ngạch để xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong khi đó, doanh nghiệp Trung Quốc tận dụng hình thức này lập danh sách cư dân, sau đó gom tiêu chuẩn miễn thuế để nhập khẩu các lô hàng lớn.

Tin liên quan

Đọc tiếp