Singapore dẫn đầu châu Á trong cuộc đua tiêm vaccine mũi 3

Tiêm chủng SINGAPORE
12:02 - 14/01/2022
Singapore dẫn đầu châu Á về mức độ bao phủ vaccine Covid-19 tăng cường. Ảnh: EPA
Singapore dẫn đầu châu Á về mức độ bao phủ vaccine Covid-19 tăng cường. Ảnh: EPA
0:00 / 0:00
0:00
Hiện đã có gần 50% dân số Singapore được tiêm chủng mũi thứ ba ngừa Covid-19, dẫn đầu châu Á về mức độ bao phủ vaccine tăng cường, trong bối cảnh khu vực này đang lo ngại trước làn sóng lây lan mới do biến chủng Omicron gây ra. 

Ngày 14/1, Singapore cho biết 48% tổng dân số (tương đương khoảng 5,4 triệu người) đã được tiêm mũi tăng cường thứ ba. Trong thời gian sắp tới, Singapore sẽ trở thành quốc gia châu Á đầu tiên đạt mốc 50% phủ vaccine trong cuộc đua tiêm chủng. Theo Our World in Data, hiện chỉ có một số quốc gia trên toàn thế giới, bao gồm Chile, Đan Mạch, Anh, Bahrain và Israel, đã thực hiện tiêm mũi tăng cường cho hơn một nửa dân số của họ.

Singapore bắt đầu đẩy nhanh chiến dịch tiêm tăng cường dành cho người cao niên vào tháng 9/2021 và trở thành một trong những nước đầu tiên trong khu vực châu Á hành động như vậy. Chính phủ đã kêu gọi người dân đi tiêm, được lựa chọn vaccine (Moderna hoặc Pfizer).

Singapore kêu gọi người dân tiêm tăng cường như một điều kiện bắt buộc khi đi vào nhà hàng, siêu thị, nơi làm việc. Ảnh: Internet

Singapore kêu gọi người dân tiêm tăng cường như một điều kiện bắt buộc khi đi vào nhà hàng, siêu thị, nơi làm việc. Ảnh: Internet

Sang tháng tới, các cơ quan kiểm dịch tại quốc gia này sẽ gia tăng áp lực về vấn đề tiêm chủng. Bắt đầu từ ngày 14/2, chính quyền sẽ yêu cầu người dân phải tiêm phòng nhắc lại để duy trì trạng thái "tiêm chủng đầy đủ", đây là một điều kiện bắt buộc khi vào siêu thị, nhà hàng và thậm chí cả nơi làm việc. Công dân cần tiêm mũi thứ ba trong vòng 270 ngày kể từ mũi tiêm thứ hai để giấy chứng nhận tiêm chủng luôn có hiệu lực.

Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung tuần này nói với Quốc hội rằng, việc thiết lập thời hạn tiêm chủng sẽ gửi "tín hiệu mạnh mẽ" đến dân chúng, giúp họ nhanh chóng đi tiêm nhắc lại kịp thời. Bên cạnh đó, Singapore cũng đặt mục tiêu tránh quay trở lại các lệnh hạn chế nội địa chặt chẽ, do lo ngại sẽ làm chậm quá trình phục hồi kinh tế. Theo ông Ong, thắt chặt phòng dịch sẽ là "biện pháp cuối cùng".

Sự chênh lệch tốc độ trong cuộc đua tiêm chủng

Tại một số quốc gia châu Á, chính phủ đang đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine tăng cường, do lo ngại xảy ra các đợt bùng phát bùng phát dịch như ở phương Tây, một phần là do đã “thấm đòn” bởi lệnh phong tỏa đất nước kéo dài và tình trạng khẩn cấp do chủng Delta gây ra vào năm ngoái. Các biện pháp khuyến khích tiêm chủng tại các quốc gia bao gồm đặt ngày hết hạn cho các lần tiêm vaccine và rút ngắn khoảng thời gian sau các mũi tiêm.

Nhưng cũng giống như các đợt triển khai vaccine trước đây, tốc độ tiêm ở mỗi quốc gia lại có sự chênh lệch, một số phải đối mặt với những thách thức lớn hơn và đòi hỏi nhiều nguồn cung vaccine hơn.

Tỷ lệ tiêm chủng tại nhiều quốc gia trên thế giới phản ánh sự chênh lệch trong tốc độ triển khai.

Tỷ lệ tiêm chủng tại nhiều quốc gia trên thế giới phản ánh sự chênh lệch trong tốc độ triển khai.

Hàn Quốc, quốc gia có dân số lớn khoảng 51 triệu người, đã tăng tốc độ tiêm lên khoảng 42% vào hôm 10/1, theo dữ liệu của Our World in Data. Trong một động thái tương tự đối với Singapore, trong tháng trước, chính phủ Hàn Quốc đã ấn định thời gian hết hạn cho các mũi tiêm là 6 tháng. Kể từ khi kêu gọi tiêm vaccine tăng cường trước khi các mũi hết hạn, dân chúng trong nước đã đổ xô đi tiêm. Họ cho biết, nếu không có thẻ xanh vaccine, các địa điểm như siêu thị hay cửa hàng bách hóa, cũng không thể đặt chân đến.

Malaysia cũng đã có một khởi đầu tương đối nhanh, với 25% dân số đã được tiêm mũi tăng cường. Con số này còn cao hơn Mỹ, là 23%. Vào cuối tháng 12/2021, Malaysia đã cắt giảm thời gian tiêm giữa mũi tiêm chính và mũi tăng cường từ sáu tháng trước đó, xuống còn ba tháng.

Các nghiên cứu từ các quốc gia khác nhau đã chỉ ra rằng, mũi vaccine thứ ba làm giảm nguy cơ mắc Covid-19, biến chứng nặng hoặc tử vong, hứa hẹn có thể chống lại biến chủng Omicron đang lây lan với độc lực nhẹ hơn Delta. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo trong một báo cáo Covid-19 hàng tuần hôm 11/1 rằng: “Dù mũi tiêm bổ sung dường như giúp tăng hiệu quả ngăn lây nhiễm và nhập viện do biến chủng Omicron, cần thêm dữ liệu để đánh giá về mức độ và thời gian lây nhiễm”.

Omicron hiện đang hoành hành ở Mỹ và nhiều nước châu Âu. Hôm 10/1, một quan chức WHO cảnh báo biến chủng này có thể lây nhiễm cho hơn 50% dân số châu Âu trong vòng sáu đến tám tuần tới nếu tốc độ lây truyền hiện nay vẫn tiếp tục.

Ở châu Á, việc kiểm soát biên giới nghiêm ngặt và việc sử dụng khẩu trang rộng rãi có thể đã làm cản trở sự lây lan của Omicron. Tuy nhiên, các ca bệnh đang bắt đầu tăng lên ở một số quốc gia, làm dấy lên lo ngại về làn sóng mới xuất hiện. Hiện nay, nhiều nước châu Á vẫn đang trong giai đoạn đầu của chiến dịch tiêm tăng cường.

Nhật Bản có tỷ lệ tiêm tăng cường thấp, chỉ đạt 0,8% dân số. Ảnh: EPA

Nhật Bản có tỷ lệ tiêm tăng cường thấp, chỉ đạt 0,8% dân số. Ảnh: EPA

Indonesia đã bắt đầu triển khai tiêm tăng cường cho người dân bắt đầu trong tuần này. Các vaccine như Sinovac, AstraZeneca, Pfizer và Zifivax đều nằm trong danh mục đã được phê duyệt để tiêm chủng. Chiến dịch tiêm chủng diễn ra vào đúng thời điểm số ca mắc trong ngày của quốc gia này đạt mức cao nhất trong gần ba tháng qua, ở mức 800 ca. Tuy nhiên, con số này vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với hàng chục nghìn ca mắc Covid-19 hàng ngày trong làn sóng Delta vào giữa năm 2021.

Tính đến hôm 11/1, Philippines có số ca mắc hàng ngày cao kỷ lục trong tháng này, tổng ca mắc đã tăng lên 3,9 triệu ca, trong số khoảng 110 triệu dân. Nước này hiện có gần một nửa số cư dân (53,4 triệu người), được tiêm chủng đầy đủ với những liều ban đầu, chủ yếu là những mũi tiêm do Trung Quốc sản xuất.

Đối với mũi tăng cường, Philippines đang sử dụng kết hợp giữa Sinovac và ba thương hiệu vaccine khác là Pfizer, Moderna và AstraZeneca. Để ứng phó với biến chủng Omicron, Philippines cũng đã rút ngắn khoảng cách giữa mũi tiêm chính và mũi tăng cường xuống còn ba tháng.

Trong khi đó, việc triển khai tiêm tăng cường của Nhật Bản chỉ đạt 0,8% dân số, tức 951.054 người, tính đến hôm 12/1, dữ liệu của chính phủ. Thủ tướng Fumio Kishida trong tuần này cho biết, chính phủ sẽ tăng tốc độ tiêm tăng cường, trong bối cảnh các ca mắc Covid-19 hàng ngày tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2021, lên tới 10.000 ca.

Ưu tiên hàng đầu của quốc gia này là tiêm chủng cho những người từ 65 tuổi trở lên, đây là đối tượng dễ gặp các triệu chứng nghiêm trọng nhất từ ​​Covid-19. Để đối phó với biến chủng Omicron, chính phủ đã rút ngắn lịch trình cho người cao tuổi tiêm mũi thứ ba xuống còn sáu tháng sau liều thứ hai, so với bảy hoặc tám tháng như dự kiến ​​ban đầu. Điều này có nghĩa là hầu hết những người cao niên sẽ đủ điều kiện tiêm tăng cường ngay trong tháng này, thay vì vào tháng 2 so với dự kiến trước đó.

Tại Nhật Bản, có khoảng 36 triệu người cao tuổi, cùng với khoảng 4 triệu nhân viên y tế là những người được ưu tiên tiêm tăng cường. Ông Kishida lưu ý rằng, mặc dù Omicron dường như ít gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với các chủng trước đó, nhưng "tỷ lệ các ca mắc nghiêm trọng có thể tăng lên nếu lây lan ở người cao tuổi."

Tính đến ngày 13/1, cả thế giới có 317.811.832 ca mắc Covid-19, trong đó 263.069.602 ca khỏi bệnh; 5.532.919 ca tử vong và 49.209.311 ca đang điều trị (96.059 ca diễn biến nặng).

Số ca mắc trong ngày trên thế giới tăng 429.277 ca, tử vong tăng 2.141 ca. Châu Âu tăng 137.731 ca; Bắc Mỹ tăng 45.231 ca; Nam Mỹ tăng 15.110 ca; châu Á tăng 80.382 ca; châu Phi tăng 36 ca; châu Đại Dương tăng 150.787 ca.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.