Sơn La, tiềm năng từ vựa trái cây lớn nhất miền Bắc

XUẤT KHẨU Sơn La
21:03 - 20/05/2022
Sơn La, tiềm năng từ vựa trái cây lớn nhất miền Bắc
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2021, trong hoàn cảnh dịch bệnh gây đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế, nông sản Sơn La vẫn có thể coi như đã "thắng lớn" khi giá trị xuất khẩu nông sản đạt 150 triệu USD, chiếm 93% tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh, tăng mạnh so với 2020. 

Năm 2021 có thể nói là năm “được mùa, được giá, được thu nhập cho nông dân” Sơn La với giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt trên 161,2 triệu USD (tăng 44%), trong đó trên 150 triệu USD đến từ xuất khẩu nông sản thực phẩm. Ngành nông nghiệp đã đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đưa tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 đạt 7,19% so với năm 2020. Đây là mức tăng trưởng cao nhất của Sơn La trong các năm vừa qua.

Nông sản Sơn La vượt khó nhờ xuất khẩu

Sơn La đã trở thành vựa trái cây lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích cây ăn quả các loại 82.805 ha, sản lượng hàng năm trên 450.000 tấn/năm. Sản phẩm trái cây của Sơn La đa dạng gồm xoài, nhãn, mận, chuối, chanh leo, dâu tây, na, bơ, bưởi, hồng giòn,…

Hiện nay, 17 sản phẩm nông sản tỉnh Sơn La đang được xuất khẩu sang thị trường 21 nước như Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, UAE… Tại thị trường trong nước, các sản phẩm nông sản của tỉnh cũng tham gia vào chuỗi cung ứng của các hệ thống phân phối lớn như Big C, Winmart, MegaMarket, Hapro Mart…, các chợ đầu mối, chợ truyền thống khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và tiêu thụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử như Sendo, Voso, Postmart, Shopee ….

Nói riêng về xoài, đây là sản phẩm thế mạnh của tỉnh với diện tích trồng khoảng 20.000 ha, sản lượng năm 2022 ước đạt khoảng 75.000 tấn. Các giống xoài chính của Sơn La gồm Xoài GL4, GL6, xoài Thái Lan, xoài bản địa. Thời gian thu hoạch trong 4 tháng (từ tháng 5 đến hết tháng 8). Hầu hết diện tích trồng xoài đã và đang được chăm sóc, thu hoạch theo quy trình sản xuất an toàn như: VietGAP, GlobalGAP và sản xuất theo hướng hữu cơ.

Toàn tỉnh có 99 vùng trồng xoài được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường các nước như Trung Quốc, Australia, Mỹ, và New Zealand với diện tích trên 1.400 ha. Hiện xoài Sơn La đã xuất khẩu, giới thiệu tại 08 nước và vùng lãnh thổ gồm : Trung Quốc, Mỹ, UAE, Nga, Mông Cổ, Úc, Hà Lan và Vương quốc Anh. Giá trị xuất khẩu xoài tăng trưởng đều qua các năm. Riêng năm 2021, dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng giá trị xuất khẩu xoài của Sơn La vẫn đạt 3 triệu USD.

Sản phẩm xoài tròn Yên Châu của Sơn La đã được bảo hộ dưới hình thức Chỉ dẫn địa lý năm 2012. Tới năm 2020, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, sản phẩm này đã được bảo hộ tại Châu Âu. Năm 2021, xoài Sơn La chính thức được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận. Qua đó, khẳng định chất lượng, giá trị của trái xoài Sơn La và tạo dựng được niềm tin với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu biên giới phía Bắc và mới đây là vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng do căng thẳng giữa Nga và Ukraine khiến sản lượng tiêu thụ các loại nông sản nói chung và quả xoài nói riêng có nguy cơ bị giảm mạnh.

Vì vậy, UBND tỉnh Sơn La sẽ tổ chức Hội nghị kết nối xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu xoài và nông sản vào ngày 21/5, nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước tìm kiếm đối tác, thúc đẩy xuất khẩu nông sản.

Hội nghị sẽ có sự tham gia của đại diện Bộ Công Thương, đại diện UBND tỉnh Sơn La, đại diện các cơ quan thương mại của Trung Quốc, đại diện thương vụ Việt Nam tại một số nước như UAE, Australia, Hàn Quốc…, đại diện các doanh nghiệp phân phối hoa quả trong nước và xuất khẩu.

Kết nối với thị trường nội địa thông qua các sàn thương mại điện tử

Là một doanh nghiệp tham gia sự kiện, đại diện Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Sàn TMĐT Postmart.vn cho biết năm 2021, có 19.796 hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử để kinh doanh, đưa tổng số đơn hàng nông sản từ Sơn La lên trên 1.000 đơn với sản lượng tiêu thụ đạt gần 10 tấn.

Nông sản Sơn La trên sàn TMĐT Postmart. Ảnh: Anh Thư

Nông sản Sơn La trên sàn TMĐT Postmart. Ảnh: Anh Thư

Bên cạnh đó, với chương trình tiêu thụ nông sản theo mùa vụ của TCT Bưu điện Việt Nam, đã có 50.000 nông sản được kinh doanh trên sàn Postmart với sản lượng tiêu thụ đạt hơn 5.000 tấn, đem về doanh thu khoảng 50 tỷ đồng.

Các sàn thương mại điện tử đã giúp tiêu thụ rất nhiều nông sản trong mùa dịch do người dân không thể đi ra đường vì những biện pháp giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19. Nhờ vậy, nông sản vẫn được tiêu thụ với giá cao, giúp người nông dân không bị ảnh hưởng quá nhiều do dịch bệnh.

Trong năm nay, Bưu điện Việt Nam sẽ tổ chức các sự kiện kết nối TMĐT, tập huấn đào tạo cho các nhà cung cấp nhằm tạo nguồn cung hàng hóa ổn định, chất lượng đạt điều kiện xuất khẩu, xây dựng các chuyên đề tiêu thụ nông sản theo từng tháng. Bưu điện cũng sẽ tổ chức các chiến dịch hỗ trợ tiêu thụ nông sản trọng điểm, các gian hàng trực tuyến, hội chợ online theo chủ đề nhằm đẩy mạnh sản lượng nông sản tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử, hỗ trợ bà con nông dân gia tăng doanh thu.

Tin liên quan

Đọc tiếp