SSI Research: Lãi suất cao có thể là cứu cánh tăng trưởng lợi nhuận bảo hiểm

BẢO HIỂM CHỨNG KHOÁN
07:38 - 09/01/2023
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm nghiên cứu SSI Research của CTCP Chứng khoán SSI ngày 8/1 có báo cáo phân tích cập nhật mới nhất về các doanh nghiệp ngành bảo hiểm.

Mặc dù vốn hóa nhóm ngành bảo hiểm giảm 12% trong năm 2022, kết quả này vẫn vượt 20% so với VN-Index. Sự chênh lệch chủ yếu đến từ kỳ vọng về môi trường lãi suất tăng, hơn là từ tác động thực tế đến lợi nhuận của các công ty bảo hiểm. Theo SSI Research, trong 9 tháng đầu năm 2022, thu nhập ròng nhóm doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết giảm 29% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, giá các mã cổ phiếu bảo hiểm bắt đầu ghi nhận kết quả vượt trội kể từ tháng 4 năm 2022, khi diễn biến giá nhóm ngân hàng và bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề. Những cổ phiếu có mức tăng trưởng về vốn hóa tốt nhất trong nhóm doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm: PVI (+0,2%), BVH (-8,8%), BIC (-10%).

Điểm nhấn của ngành bảo hiểm trong năm 2022

Trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm đạt 177.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ lần lượt tăng 16% và 19%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng giảm nhẹ vào cuối năm với tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 251.000 tỷ đồng tính đến ngày 12/12/2022, tăng 15,1% so với 9 tháng đầu năm 2021. Đây là tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2013.

Tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ thấp hơn dự kiến. Cụ thể, doanh thu phí khai thác mới (NBPS) và tổng doanh thu phí bảo hiểm (TPS) tăng lần lượt 6% và 16% so với cùng kỳ. Con số này thấp hơn nhiều so với mức trung bình trong cả thời kỳ bùng phát đại dịch Covid (17% đối với NBPS và 22% đối với TPS) và giai đoạn trước đại dịch (42% đối với NBPS và 24~31% đối với TPS).

SSI Research đánh giá môi trường lãi suất cao có thể làm giảm mức độ hấp dẫn của các sản phầm bảo hiểm liên kết đầu tư. Tại thị trường bảo hiểm còn khá non trẻ như Việt Nam, hầu hết các cá nhân vẫn xem bảo hiểm như một kênh đầu tư khác hơn là một phương thức bảo vệ. Đây là lý do tại sao các công ty bảo hiểm tập trung vào việc bán các sản phẩm bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị.

Doanh thu khai thác mới từ những sản phẩm này chiếm 87% tổng NBPS trong năm 2022 (tăng từ mức 84% vào năm 2021). Tuy nhiên, do lãi suất tiền gửi tăng nhanh và đã đạt khoảng gần 10% trong thời gian gần đây cùng với sự sụt giảm của thị trường vốn và trái phiếu doanh nghiệp, việc mua một hợp đồng bảo hiểm với lãi suất cam kết thấp cùng với rủi ro đầu tư vào cổ phiếu và/hoặc trái phiếu có thể không còn hấp dẫn.

Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng mạnh 19% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2022. Đây là tốc độ tăng trưởng hàng năm cao nhất kể từ năm 2011. Theo quan sát của SSI Research thì tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ thường đi cùng với tốc độ tăng trưởng GDP.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, mảng bán lẻ tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ do không còn giãn cách xã hội trong năm 2022. Doanh thu phí bảo hiểm xe máy và bảo hiểm sức khỏe & tai nạn cá nhân đều có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua, lần lượt là 17% và 30% so với cùng kỳ. Trong khi đó, bảo hiểm hàng hóa và bảo hiểm hàng hải cũng đạt mức tăng trưởng khả quan nhờ kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt trong 9 tháng đầu năm 2022.

Tuy nhiên, bảo hiểm kỹ thuật vẫn trên đà giảm tốc trong năm thứ năm liên tiếp, điều này có thể được giải thích là do hoạt động đầu tư của cả khu vực công và tư nhân đều không có nhiều diễn biến tích cực.

Cạnh tranh vẫn diễn ra gay gắt trong cả lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Các chuyên gia của SSI Research không nhận thấy sự gia tăng đáng kể về mức phí của các công ty bảo hiểm mặc dù xu hướng tăng phí bảo hiểm đang diễn ra trên toàn cầu. Cùng với việc tỷ lệ bồi thường đã quay trở về mức trước Covid, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của hầu hết các công ty bảo hiểm trong năm 2022 đều sụt giảm.

Trong các phân khúc bán lẻ, các công ty bảo hiểm hàng đầu tiếp tục đẩy mạnh bảo hiểm sức khỏe và tai nạn cá nhân thay vì bảo hiểm xe cơ giới. Bảo hiểm sức khỏe & tai nạn cá nhân được coi là có tiềm năng phát triển lớn về dài hạn, cũng như có lợi nhuận tốt hơn so với bảo hiểm xe cơ giới. Nghiệp vụ này cũng chính là động lực tăng trưởng cho BVGI (+14%), BMI (+43%), BIC (+ 78%) và MIG (+ 175%) trong 3 quý đầu năm. Trong khi đó, cuộc đua giành thị phần sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt giữa nhóm 3 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lớn là Bảo Việt Life, Manulife và Prudential.

Cả lợi nhuận hoạt động đầu tư và hoạt động bảo hiểm đều bị ảnh hưởng. Mặc dù doanh thu phí vẫn tăng trưởng tương đối tốt, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp bảo hiểm có sự sụt giảm. LNTT trong ba quý đầu năm 2022 của các doanh nghiệp bảo hiểm giảm 29% so với cùng kỳ. Tỷ lệ bồi thường và tỷ lệ kết hợp lần lượt là 39% và 99%, so với 35% và 95% trong cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ bồi thường gia tăng mạnh cũng một phần phản ánh tác động của lạm phát cao.

Triển vọng năm 2023

Tăng trưởng doanh thu phí ở mức ổn định, tuy nhiên lợi nhuận thuần hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ không khả quan trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Các chuyên gia từ SSI Research không kỳ vọng doanh thu phí bảo hiểm sẽ đến từ việc tăng mức phí bảo hiểm, ngoại trừ phân khúc bảo hiểm xe cơ giới. Tăng trưởng của hầu hết các phân khúc bảo hiểm có thể sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều hơn vào số lượng hợp đồng khai thác mới của các doanh nghiệp.

Đối với các nghiệp vụ bán buôn, động lực tăng trưởng có thể sẽ phụ thuộc vào giải ngân đầu tư công, việc tái khởi động các công trường xây dựng đang dang dở và việc mở cửa trở lại của Trung Quốc. Đây là những yếu tố hỗ trợ cho sự tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, hàng hải, tài sản & thiệt hại. SSI Research dự báo tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ sẽ thấp hơn kết quả năm 2022, ở mức 10~12%.

Tỷ lệ bồi thường và tỷ lệ kết hợp dự báo sẽ chịu áp lực do lạm phát cao, giá hàng hóa, vật dụng và chi phí y tế tăng lên, cũng như chi phí gia tăng do sự phức tạp của những dịch bệnh mới ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe. Trong khi đó, mức phí bảo hiểm nhiều khả năng sẽ tiếp tục ổn định dưới áp lực cạnh tranh.

Đối với bảo hiểm nhân thọ, tổng doanh thu phí bảo hiểm được dự báo sẽ tăng 16~18% so với cùng kỳ, cao hơn kết quả năm 2022 nhưng thấp hơn 26% so với mức trung bình lịch sử giai đoạn 2012~2021.

Môi trường lãi suất cao có thể cứu cánh cho tăng trưởng lợi nhuận của các công ty bảo hiểm

Danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm thời điểm cuối quý 3/2022. Ảnh: SSI Research
Danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm thời điểm cuối quý 3/2022. Ảnh: SSI Research

Đối với năm 2023, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phản ánh hoàn toàn việc lãi suất huy động đã diễn ra trong năm 2022. Bên cạnh đó, các công ty bảo hiểm nhân thọ còn được hưởng lợi từ việc giảm áp lực dự phòng toán học khi lãi suất kỹ thuật tăng phù hợp với lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn trên 10 năm.

SSI Research kỳ vọng lợi nhuận từ hoạt động đầu tư sẽ đủ để bù đắp phần giảm sút của lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, giúp các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận hai con số vào năm 2023.

Lợi nhuận của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ dự kiến sẽ biến động khá mạnh giữa các quý. Tuy nhiên, với mức nền so sánh thấp trong quý 2 và quý 3/2022, SSI Research cho rằng có thể tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ sẽ ở mức cao hơn trong quý 2 và quý 3 năm 2023.

Tin liên quan

Đọc tiếp