Tăng trưởng GDP quý 2 của Malaysia đạt 8,9%, vượt kỳ vọng

KINH TẾ MALAYSIA
17:06 - 12/08/2022
GDP quý 2 của Malaysia tăng trưởng vượt kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế. Ảnh: Reuters
GDP quý 2 của Malaysia tăng trưởng vượt kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng Trung ương Malaysia hôm 12/8 thông báo mức tăng trưởng GDP của quốc gia này trong quý 2/2022 là 8,9%, báo hiệu sự phục hồi kinh tế tích cực sau đại dịch Covid-19, dù nguy cơ suy thoái toàn cầu vẫn đang hiện hữu.

Sau khi trở thành một trong những nền kinh tế ASEAN hồi phục nhanh nhất sau đại dịch với mức tăng trưởng 5% trong quý I/2022, con số 9,8% tăng trường GDP trong quý II đã vượt kỳ vọng của Malaysia.

Kết quả tăng trưởng 8,9% cũng cao hơn nhiều ước tính 6,7% trước đó của 18 nhà kinh tế do Reuters thăm dò, chủ yếu nhờ tiêu dùng tư nhân phục hồi mạnh mẽ và xuất khẩu tăng. Tốc độ này cũng vượt kết quả ước tính 5% từ một cuộc thăm dò tương tự của Bloomberg.

Tờ Nikkei Asia trích dẫn Thống đốc Ngân hàng trung ương Malaysia, Nor Shamsiah Yunus trong một cuộc họp báo hôm 12/8: Khu vực dịch vụ và sản xuất là những lĩnh vực chính hoạt động tốt trong quý 2. Sự tăng trưởng này được hỗ trợ bởi sự phục hồi liên tục của thị trường lao động, nhu cầu trong nước mở rộng và khả năng xuất khẩu bền vững, đặc biệt là trong lĩnh vực điện và điện tử.

Xét trên bối cảnh toàn cầu, nhu cầu mở rộng và chi tiêu tư nhân cao hơn sẽ giúp Ngân hàng trung ương Maylaysia đặt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2022 từ 5,3% tới 6,3%, thấp hơn một chút so với dự báo chính thức của chính phủ ở ngưỡng 5,5% đến 6,5%.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nor Shamsiah Mohd Yunus cũng nhận định rằng trong tương lai, nền kinh tế Malaysia được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi trong nửa cuối năm 2022, nhưng với một tốc độ chậm hơn do nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF gần đây cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế hàng năm của Malaysia xuống 5,1% vào năm 2022 từ mức 5,6% trước đó với lý do triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm và căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Với chiến sự tại Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc và các căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang có dấu hiệu leo thang, không chỉ Malaysia mà nhiều nền kinh tế lớn khác đều đang có triển vọng u ám.

Kể từ tháng 3/2020, Malaysia cũng từng hứng chịu 4 làn sóng dịch Covid-19, buộc hàng nghìn doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ phải đóng cửa trong bối cảnh các hoạt động kinh tế không cần thiết phải tạm dừng. Tuy nhiên tới tháng 4, chính phủ nước này đã nới lỏng gần như toàn bộ các hạn chế liên quan đến đại dịch. Các lĩnh vực trong nền kinh tế do đó cũng đã hoạt động trở lại với đầy đủ công suất do số ca nhiễm giảm dần

Đọc tiếp