Tập đoàn Nga thông báo không thể bảo đảm nguồn cung khí đốt tới châu Âu

KHÍ ĐỐT CHÂU ÂU
08:42 - 19/07/2022
Tập đoàn khí đốt nhà nước Gazprom của Nga là một nhà cung cấp lớn cho các khách hàng châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1. Ảnh: Al Mayadeen
Tập đoàn khí đốt nhà nước Gazprom của Nga là một nhà cung cấp lớn cho các khách hàng châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1. Ảnh: Al Mayadeen
0:00 / 0:00
0:00
Trong một bức thư gửi tới các khách hàng châu Âu, tập đoàn khí đốt nhà nước Gazprom của Nga cho biết công ty không thể đảm bảo nguồn cung khí đốt ổn định, vì những tình huống “bất thường” xảy ra trong khoảng thời gian gần đây.

Theo Reuters đưa tin về một bức thư từ tập đoàn Gazprom ngày 14/7, công ty khí đốt nhà nước của Nga đã tuyên bố về tình trạng bất khả kháng với nguồn cung khí đốt. Trên thực tế, tình trạng bất khả kháng được biết đến như tiêu chuẩn trong các hợp đồng kinh doanh giúp xác định các trường hợp khó khăn và từ đó giúp một bên được giải phóng khỏi các nghĩa vụ pháp lý của họ.

Tuyên bố này không nhất thiết có nghĩa là Gazprom sẽ ngừng giao hàng mà thay vào đó, điều này tương đương với việc tập đoàn sẽ không phải chịu trách nhiệm nếu việc cung ứng khí đốt không đáp ứng các điều khoản hợp đồng.

Tin tức này được đưa ra trong bối cảnh đường ống Nord Stream 1, đường ống quan trọng cung cấp khí đốt từ Nga đến Đức và các nước khác, đang trải qua quá trình 10 ngày bảo trì hàng năm. Quá trình này dự kiến sẽ kết thúc hôm 21/7 tuần này.

Do đó, nó đã làm dấy lên lo ngại tại châu Âu rằng Moscow có khả năng cao sẽ không khởi động lại đường ống Nord Stream 1 kể cả sau khi quá trình bảo trì đã kết thúc như một hành động trả đũa các lệnh trừng phạt đang được áp đặt lên nước này.

Trước đó trong vài tháng trở lại, nguồn cung khí đốt từ Nga đã giảm thông qua các tuyến đường chính bao gồm các tuyến đường thông qua Ukraine và Belarus cũng như thông qua đường ống Nord Stream 1 dưới Biển Baltic. Gazprom đã cắt giảm công suất của Nord Stream 1 xuống 40% vào ngày 14/6, ngày bắt đầu sự kiện bất khả kháng.

Theo tập đoàn này, nguyên nhân chính cho sự sụt giảm tới từ các lệnh trừng phạt khiến nhà cung cấp thiết bị Siemens Energy chậm trễ trả lại tuabin khí sau khi bảo trì ở Canada.

Ông Hans van Cleef, nhà kinh tế năng lượng cao cấp tại ABN Amro cho biết: “Điều này có vẻ là một gợi ý đầu tiên rằng nguồn cung cấp khí đốt qua Nord Stream 1 có thể sẽ không tiếp tục sau khi kết thúc bảo trì 10 ngày”. Thêm vào đó, ông cũng nhận định tùy thuộc vào những trường hợp bất thường mà Gazprom sử dụng để tuyên bố điều kiện bất khả kháng. Tuy nhiên dù nguyên nhân có mang tính kỹ thuật hay chính trị thì nó vẫn có thể dẫn tới bước leo thang tiếp theo giữa Nga và Châu Âu.

Gazprom tuyên bố bất khả kháng do các điều kiện thị trường khác thường gây ra bởi các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây. Ảnh: Reuters

Gazprom tuyên bố bất khả kháng do các điều kiện thị trường khác thường gây ra bởi các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây. Ảnh: Reuters

Khi được liên hệ, tập đoàn khí đốt nhà nước Gazprom không trả lời bất cứ yêu cầu đưa ra bình luận nào. Uniper, nhà nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất của Đức, là một trong những khách hàng cho biết họ đã nhận được một lá thư và chính thức bác bỏ tuyên bố là vô lý.

Trong khi đó, tập đoàn RWE, nhà sản xuất điện lớn nhất của Đức và là nhà nhập khẩu khí đốt của Nga, cũng cho biết họ đã nhận được thông báo bất khả kháng. Tuy nhiên công ty không đưa ra bình luận về các chi tiết của bức thư hoặc ý kiến pháp lý của công ty.

Tuy nhiên, tập đoàn dầu khí OMV của Áo cho biết hôm thứ 18/7 việc cung cấp khí đốt từ Nga qua đường ống Nord Stream 1 dự kiến sẽ tiếp tục như kế hoạch sau khi ngừng hoạt động.

Phản ứng lại các động thái này từ Nga, Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết: “Nga tiếp tục sử dụng khí đốt tự nhiên như một vũ khí kinh tế và chính trị”. Đồng thời, bà cũng cho biết thêm rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp tục hợp tác tìm ra các phương án giảm bớt sự phụ thuộc của châu Âu vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các nước phương Tây và đặc biệt là Mỹ cùng Liên minh Châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow. Trong số các biện pháp trừng phạt, khối này cũng đặt mục tiêu ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027.

Tuy nhiên, các nước châu Âu vẫn muốn Nga duy trì nguồn cung tới khi tìm được và phát triển được các nguồn thay thế. Ngược lại, phía Nga cho rằng mình không có nghĩa vụ phải cung cấp khí đốt giá rẻ giúp các nước châu Âu phát triển kinh tế.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.