Thêm một doanh nghiệp ngành may ghi nhận lãi giảm

Dệt May Việt nAM
07:16 - 28/07/2023
Thêm một doanh nghiệp ngành may ghi nhận lãi giảm
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 tại CTCP Đầu tư và Thương mại TNG ghi nhận giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giá cổ phiếu TNG lại liên tục bật tăng từ đáy giữa tháng 11/2022 đến nay.

Báo cáo tài chính quý 2/2023 tại CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (mã: TNG) ghi nhận doanh thu gần như đi ngang cùng lợi nhuận kém khởi sắc so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, TNG ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 1.995 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh hơn, kéo theo lãi gộp tại doanh nghiệp này giảm 24%, còn 238 tỷ đồng. Biên lãi gộp vì thế co hẹp từ 16% xuống 12%.

Trong kỳ, công ty này thu về gần 30 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, tăng tới 80%. Tuy nhiên, phải trả lãi vay gần 61 tỷ đồng, tăng 38%.

Kết quả, TNG báo lãi sau thuế quý 2 giảm 37% so với cùng kỳ, còn gần 54,5 tỷ đồng. Theo giải trình của công ty, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, đơn giá giảm so với cùng kỳ, nhưng chi phí trả cho người lao động vẫn được đảm bảo, chi phí sản xuất không giảm dẫn đến lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần tại dệt may TNG đạt gần 3.334 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi sau thuế giảm 21%, tương ứng gần 99 tỷ đồng.

Trong năm 2023, TNG đặt kế hoạch doanh thu đạt 6.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 299 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với thực hiện năm 2022. Như vậy sau 6 tháng, công ty này đã thực hiện được 49% kế hoạch doanh thu và 33% mục tiêu lợi nhuận năm.

Về chất lượng tài sản, tại ngày 20/6/2023, tổng tài sản tại TNG đạt hơn 5.639 tỷ đồng, giảm 347 tỷ so với đầu năm. Chủ yếu do lượng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng và tiền gửi có kỳ hạn giảm 32% xuống gần 349 tỷ đồng.

Ngược lại, hàng tồn kho tăng hơn 5%, tương ứng tăng hơn 70 tỷ, lên trên 1.350 tỷ đồng, chiếm chủ yếu là nguyên liệu, vật liệu hơn 450 tỷ đồng và thành phẩm hơn 423 tỷ đồng.

Nợ phải trả cuối quý 2 tại TNG là hơn 3.968 tỷ đồng, tăng hơn 327 tỷ so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 82%, riêng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 2.245 tỷ đồng, tăng 14%.

Mặc dù tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm không mấy khả quan, tuy nhiên cổ phiếu TNG lại liên tục duy trì xu hướng tăng từ đáy giữa tháng 11/2022 đến nay. Kết phiên giao dịch ngày 27/7, cổ phiếu TNG đạt 20.500 đồng/cp, so với đáy 9.600 đồng/cp, thị giá tăng tới gần 115%.

Trước bối cảnh cổ phiếu tăng cao, các cổ đông lớn và người trong công ty dệt may này cũng lần lượt thực hiện giao dịch mua - bán cổ phiếu TNG.

Cụ thể, ông Nguyễn Mạnh Linh, Thành viên HĐQT TNG đăng ký bán ra 1,2 triệu cổ phiếu từ ngày 3/7 – 3/8, với mục đích tài chính cá nhân. Nếu giao dịch thành công, ông Linh còn nắm giữ hơn 3,67 triệu cổ phiếu TNG, giảm tỷ lệ sở hữu tại TNG từ 4,29% xuống 3,24%.

Ngược lại, ông Nguyễn Đức Mạnh Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TNG đã mua vào 370.000 cổ phiếu trong tổng số 1 triệu cổ đăng ký bắt đầu từ 19/6-19/7. Nhưng ông Mạnh không mua hết được lượng cổ phiếu đăng ký do điều kiện thị trường không thuận lợi. Sau giao dịch ông Mạnh nâng tỷ lệ sở hữu lên 7,44% hơn 8,45 triệu cổ phiếu.

Vào ngày 11/07, công ty Phillip Securities Public Company Limited (Thái Lan) cũng đăng ký mua vào 203,200 cổ phiếu TNG, qua đó nâng số lượng nắm giữ lên hơn 6,4 triệu cổ phiếu. Trước đó, tổ chức này trở thành cổ đông lớn của TNG kể từ ngày 21/3/2023 sau khi mua 103.900 cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu từ 4,97% lên 5,07%.

Tin liên quan

Đọc tiếp