Thị trường Australia còn nhiều dư địa nhập khẩu gỗ Việt Nam

Xuất khẩu gỗ Australia
12:38 - 26/06/2022
Thực hành lâm sản bền vững để mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ.
Thực hành lâm sản bền vững để mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ.
0:00 / 0:00
0:00
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu gỗ sang thị trường Australia đã tăng mạnh 15,7% trong 5 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái, mở ra nhiều tiềm năng của thị trường này.

Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Australia đạt 80,7 triệu USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu tới thị trường này, nhờ nhu cầu thị trường lớn và lợi thế từ các Hiệp định đã ký kết với thị trường Australia.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Australia trong tháng 5/2022 đạt 16,4 triệu USD, tăng 7,9% so với tháng 5/2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Australia đạt 80,7 triệu USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Đồ nội thất bằng gỗ là nhóm hàng xuất khẩu chính tới thị trường Australia trong 4 tháng đầu năm 2022, đạt 49,2 triệu USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 76,6% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Australia.

Trong đó, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường Australia, đạt 20,6 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021; tiếp theo là mặt hàng đồ nội thất phòng ngủ đạt 13,3 triệu USD, giảm 4,8%; ghế khung gỗ xuất khẩu đạt 11 triệu USD, tăng 32,6%...

Đồ nội thất bằng gỗ là nhóm hàng cần được đẩy mạnh xuất khẩu tới thị trường Australia, bởi đây là nhóm hàng mang lại giá trị gia tăng cao cho ngành gỗ của Việt Nam.

Ngoài ra, trong 4 tháng đầu năm 2022 còn một số mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ khác cũng được xuất khẩu tới thị trường Australia, gồm: Gỗ, ván và ván sàn, cửa gỗ, đồ gỗ mỹ nghệ… Trong đó, đáng chú ý trị giá xuất khẩu gỗ, ván và ván sàn tới thị trường Australia đạt 8,5 triệu USD, tăng 266,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Australia là thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 7 trên thế giới, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ trung bình đạt 1,5 tỷ USD/năm trong giai đoạn năm 2017 – 2021, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 4,8%.

Nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn nhưng trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 11,4% tổng trị giá nhập khẩu của Australia. Vẫn còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ đẩy mạnh trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ sang thị trường Australia có nhiều thuận lợi, bởi Việt Nam và Australia là thành viên chung của ba hiệp định thương mại tự do, bao gồm FTA ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và mới đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP).

Để tiếp tục tận dụng những lợi thế dư địa mở rộng tại thị trường Australia và mở rộng những thị trường khác, Tổng cục Lâm nghiệp đã phát động “Thực hành lâm sản bền vững – mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ” vào giữa tháng 6 vừa qua.

Chương trình nhằm giúp các doanh nghiệp cập nhật tiến trình thực thi lâm sản bền vững VNTLAS, hướng dẫn quy trình phân nhóm doanh nghiệp cũng như tương tác trực tiếp để có thể lắng nghe các vướng mắc, kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình theo đuổi các chứng chỉ bền vững, một trong những đòi hỏi thiết yếu của quá trình sản xuất, kinh doanh nội thất toàn cầu hiện nay.

Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, dù tốc độ tăng trưởng hàng năm ổn định 2 con số và tạo được dấu ấn lớn trong năm 2021 nhưng bước sang năm 2022, ngành chế biến gỗ Việt Nam vẫn đối diện với khá nhiều thử thách.

Cùng với dịch bệnh, căng thẳng chính trị leo thang gây thách thức thêm cho chuỗi cung ứng vốn đã có nhiều trở ngại từ trước. Giá logistic lẫn giá nguyên vật liệu đều tăng cao, lạm phát tại các thị trường xuất khẩu chủ lực cũng đang khiến đơn hàng bắt đầu giảm. Đặc biệt, những cáo buộc gian lận xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu… cũng đang trở thành mối đe doạ cho sự phát triển toàn ngành.

Để ứng phó với các thách thức này, ông Nghĩa cho rằng, doanh nghiệp trong nước cần tuân thủ triệt để các quy định của thị trường quốc tế, vững vàng nội lực và củng cố thêm lợi thế cạnh tranh… để giữ vững vị trí xuất khẩu nội thất thứ hai thế giới.

Tin liên quan

Đọc tiếp