Thị trường lao động quý IV phục hồi nhưng chưa bền vững

LAO ĐỘNG Việt nAM
15:22 - 10/01/2022
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý IV/2021 tăng 1,3 triệu người so với quý III/2021.
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý IV/2021 tăng 1,3 triệu người so với quý III/2021.
0:00 / 0:00
0:00
Cùng với chiến dịch tiêm vaccine và nới lỏng giãn cách xã hội, số người có việc làm đã dần tăng trở lại khi lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý IV/2021 là 49,07 triệu người, tuy nhiên chủ yếu tăng ở nhóm phi chính thức.

Trong buổi họp báo đầu tháng 1/2021 về tình hình lao động, việc làm quý IV và năm 2021 và chỉ số phát triển con người (HDI) Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020, Tổng Cục thống kê đã đưa ra những số liệu cho thấy tình hình lao động quý IV đã có sự phục hồi tích cực.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2021 ước tính tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước. Song song với quá trình khôi phục kinh tế, thị trường lao động việc làm của Việt Nam quý IV/2021 cũng có nhiều điểm sáng. Số người có việc làm tăng; tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm giảm. Thị trường lao động mặc dù còn phải đối mặt nhiều khó khăn nhưng đã có những dấu hiệu phục hồi đáng ghi nhận.

Với các nỗ lực triển khai các giải pháp để xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch của Chính phủ, các ngành và các địa phương đã giúp số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi làn sóng đại dịch giảm mạnh.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên quý IV/2021 là 50,7 triệu người, tăng khoảng 1,7 triệu người so với quý trước và giảm 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. So với quý trước, lực lượng lao động ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị đều tăng khoảng 0,8 triệu người.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý IV/2021 là 67,7%, tuy thấp hơn 2,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020 nhưng đã cao hơn 2,1 điểm phần trăm so với quý trước.

Trong quý IV/2021, cả nước có hơn 24,7 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. So với quý trước, số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch đã giảm 3,5 triệu người.

Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng có tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nặng nề nhất (lần lượt là 50,6% và 39,4%). Chỉ tiêu này ở Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là những vùng ảnh hưởng ít nhưng cũng lên tới 15,2% và 24,6%.

Nguồn Tổng Cục thống kê

Nguồn Tổng Cục thống kê

Trong quý IV/2021, sau khi tiêm vaccine mũi 2 bao phủ rộng và nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, số người có việc làm đã dần tăng trở lại. Tuy nhiên, vẫn chưa đạt mức cùng kỳ năm 2020 và còn thấp hơn nhiều so với trước đại dịch COVID-19.

Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý IV/2021 là 49,07 triệu người, thấp hơn 1,79 triệu người so với cùng kỳ năm 2020, nhưng tăng 1,82 triệu người so với quý trước.

Những năm trước, bình quân mỗi năm nước ta thường có thêm 400 - 500 nghìn người có việc làm. Theo quy luật, trong 2 năm (2020 và 2021), thị trường lao động sẽ có thêm gần 1 triệu người có việc làm. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp và kéo dài của đại dịch COVID-19 đã làm chệch quy luật tăng của nhiều năm trước đây.

Nguồn Tổng Cục thống kê

Nguồn Tổng Cục thống kê

Số người có việc làm trong quý IV không theo xu hướng tăng mà giảm gần 2 triệu người so với cùng kỳ cách đây 2 năm. Như vậy, mặc dù có dấu hiệu phục hồi nhưng diễn biến kéo dài của đại dịch trong suốt 2 năm đã ảnh hưởng đến cơ hội có việc làm của gần 3 triệu người lao động Việt Nam.

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã cơ cấu lại lao động quý IV/2021 theo hướng giảm số lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ và tăng số lượng, tỷ trọng lao động làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Trong quý IV/2021, lao động có việc làm khu vực dịch vụ là 17,9 triệu người, tăng 762,5 nghìn người so với quý trước và giảm 1,9 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. Lao động có việc làm trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,8 triệu người, tăng 1,2 triệu người so với quý trước, nhưng giảm 239,0 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 14,3 triệu người, giảm 120,9 nghìn người so với quý trước và tăng 361,1 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020.

Nguồn Tổng Cục thống kê

Nguồn Tổng Cục thống kê

Theo Tổng Cục thống kê, cơ cấu lao động theo ba khu vực kinh tế có sự đảo chiều so với những xu hướng thường thấy qua các năm trước đây. Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng lên, trong khi đó tỷ trọng lao động trong khu vực dịch vụ giảm mạnh.

Tuy số lao động có việc làm trong quý IV/2021 đã dần tăng trở lại, nhưng chủ yếu tăng ở nhóm người có việc làm phi chính thức. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý IV/2021 là 55,1%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.

So với quý III/2021, số lao động có việc làm phi chính thức là 19,4 triệu người, tăng 1,3 triệu người, tương ứng tăng 7,4%, gần gấp 2 lần mức tăng của lao động có việc làm. Như vậy, sau đại dịch, nhiều lao động đã quay trở lại thị trường và có việc làm nhưng phần lớn là việc làm phi chính thức.

Đặc trưng công việc của lao động này là bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, không có hợp đồng lao động hoặc có nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác. Tổng Cục thống kê nhận định, thị trường lao động tuy có sự phục hồi nhưng chưa thật bền vững.

Bức tranh lao động, việc làm năm 2021

Tính chung cả năm 2021, do diễn biến phức tạp và kéo dài của đợt dịch COVID-19 lần thứ tư đã khiến tình hình lao động việc làm năm 2021 gặp nhiều khó khăn hơn so với năm 2020, lực lượng lao động, số người có việc làm giảm; tỷ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp tăng so với năm trước.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2021 đạt 50,5 triệu người, giảm 791,6 nghìn người so với năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2021 là 67,7%, giảm 1,9 điểm phần trăm so với năm trước. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2021 là 49,0 triệu người, giảm 1,0 triệu người so với năm 2020. Trong đó, giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và ở nam giới.

Thiếu việc làm trong độ tuổi năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, tăng 370,8 nghìn người so với năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 3,1%, tăng 0,7 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 3,3%, cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.

Trong năm 2021, tình hình dịch kéo dài và phức tạp hơn năm 2020 đã khiến cho hàng triệu người mất việc, lao động trong các ngành tiếp tục giảm, đặc biệt là khu vực dịch vụ. Lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,3 triệu người (chiếm 33,2%), giảm 254,2 nghìn người so với năm trước; khu vực dịch vụ là 18,6 triệu người (chiếm 37,9%), giảm 800,8 nghìn người so với năm trước, trong khi đó khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 14,2 triệu người (chiếm 28,9%), tăng 37,3 nghìn người so với năm trước.

Nguồn Tổng Cục thống kê

Nguồn Tổng Cục thống kê

Để tiếp tục khôi phục thị trường lao động, chuẩn bị tốt cho sự phục hồi kinh tế - xã hội năm 2022, Tổng Cục thống kê kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh chiến lược tiêm vaccine, sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực. Đồng thời hướng dẫn, vận động người dân thực hiện 5K và các biện pháp khác để thích ứng an toàn trong đại dịch COVID-19.

Triển khai kịp thời và hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sau đại dịch. Xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách khuyến khích người lao động, đặc biệt là thanh niên tích cực học tập nâng cao trình độ để có các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng cần có chính sách khuyến khích các địa phương thiết lập các kênh thông tin chính thống, chuyên ngành để cập nhật cho doanh nghiệp và người lao động các chiến lược phát triển kinh tế; các chính sách hỗ trợ và thu hút lao động; các kế hoạch và qui định về xét nghiệm, kiểm soát bệnh dịch của địa phương để họ xây dựng và thực hiện các kế hoạch khôi phục và phát triển sản xuất.

Nghiên cứu các chính sách tài khóa phù hợp để kích cầu đầu tư, mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Từ đó, kích thích phục hồi tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cộng đồng doanh nghiệp và người dân không hoang mang, đồng thời không chủ quan vì dịch COVID-19 có thể còn kéo dài và diễn biến phức tạp.

Đối với người lao động, Tổng Cục thống kê cho rằng, phải có sự đổi mới tư duy và hành động trong việc tìm kiếm việc làm và tham gia làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh và các hộ gia đình, nhằm bảo đảm vừa phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng có hiệu quả, vừa có việc làm và thu nhập ổn định, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tin liên quan

Đọc tiếp