Thực hiện cam kết quyền lao động trong EVFTA, doanh nghiệp được nhiều hơn mất

LAO ĐỘNG EVFTA
07:00 - 17/12/2021
Việt Nam cam kết duy trì không làm suy yếu mức độ bảo vệ về lao động, môi trường trong nước để khuyến khích thương mại và đầu tư.
Việt Nam cam kết duy trì không làm suy yếu mức độ bảo vệ về lao động, môi trường trong nước để khuyến khích thương mại và đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
Việc thực hiện những cam kết phi thương mại trong EVFTA về quyền lao động sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam đạt được nhiều lợi ích kinh tế và xã hội.

Ngoài những nội dung về kinh tế, Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) còn bao hàm nội dung quan trọng về bảo vệ quyền lao động trong Chương Thương mại và phát triển bền vững (TSD). Trong đó Liên minh Châu Âu và Việt Nam đã tái khẳng định cam kết đối với những nghĩa vụ xuất phát từ quốc gia thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO.

Khẳng định những cam kết này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được triệt để ưu đãi kinh tế trong EVFTA nhất là đối với những doanh nghiệp xuất khẩu, bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo “Tập huấn về nội dung môi trường và lao động tại Chương 13 - Thương mại và Phát triển bền vững trong Hiệp định EVFTA” ngày 16/12

EVFTA làm thay đổi tư duy về quyền lợi lao động

Theo bà Phạm Thị Thu Lan, việc thay đổi quan điểm và góc tiếp cận của các doanh nghiệp đối với vấn đề lao động sẽ có vai trò quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam.

Trong đó, những vấn đề liên quan tới quyền lợi hữu hình của người lao động (chế độ bảo hiểm, lương, thưởng, thiết bị đảm bảo an toàn vệ sinh lao động) sẽ được thực hiện tốt hơn so với những lợi ích vô hình (khuyến khích bình đẳng giới, bảo vệ quyền riêng tư, cơ chế phản hồi, khiếu nại...)

Ảnh tác giả

“Trước đây, khi đề xuất về vấn đề tăng lương, chúng ta luôn đề cập đến khó khăn là phải có “miếng bánh to” mới có thể chia sẻ. Đó là tư duy coi kinh tế là trọng tâm. Với tư duy này khi chúng ta tạo ra lợi nhuận, phần chia sẻ sẽ chưa thỏa đáng, chưa công bằng với người lao động. Không phải chúng ta sản xuất ra rồi chúng ta mới chia sẻ mà chúng ta nên thảo luận về vấn đề chia sẻ rồi chúng ta mới sản xuất”

Bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam

Kết quả khảo sát trên 279 doanh nghiệp tại 30 tỉnh/thành ở Việt Nam được trình bày tại hội thảo cho thấy, mức độ tuân thủ của các doanh nghiệp đối với quy định về các phương tiện, thiết bị đảm bảo vệ sinh an toàn lao động đạt 63%; quy định đảm bảo chế độ bảo hiểm 61%; quy định về các khoản thưởng, phúc lợi cho người lao động 59%.

Số liệu khảo sát này trích xuất từ Nghiên cứu đánh giá nhận thức và tình hình thực hiện các thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp tại Việt Nam do T&C Consulting phối hợp với UNDP thực hiện năm 2020.

Theo số liệu được khảo sát đưa ra, việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong lĩnh vực lao động của các doanh nghiệp được đánh giá có nhận thức tốt tuy nhiên mức độ nhận thức này giữa các loại hình doanh nghiệp lại không đồng đều.

Doanh nghiệp có vốn nhà nước có tỷ lệ nhận thức đầy đủ về kinh doanh có trách nhiệm ở mức cao chiếm 81% trong khi tỷ lệ nhận thức của khu vực doanh nghiệp tư nhân còn thấp chỉ đạt 47%.

“Vì vậy cần tăng cường phổ biến và giúp các doanh nghiệp hiểu về lợi ích của việc thực hiện theo các cam kết lao động của EVFTA”, bà Lan nói.

Nội dung của Chương Thương mại và Phát triển bền vững trong Hiệp định EVFTA quy định về lao động được bà Lan chia sẻ tại hội thảo bao gồm hai trụ cột cam kết và thúc đẩy.

Việt Nam cam kết duy trì không làm suy yếu mức độ bảo vệ về lao động, môi trường trong nước để khuyến khích thương mại và đầu tư.

Không giảm nhẹ hiệu lực pháp lý hoặc miễn trừ luật pháp về lao động và môi trường cho bất cứ đối tượng nào.

Thực thi hiệu quả luật pháp về lao động để khuyến khích thương mại và đầu tư. Không áp dụng luật pháp về lao động và môi trường theo cách tạo ra phân biệt tùy tiện và không chính đáng giữa các bên.

Tăng cường phổ biến giúp DN hiểu lợi ích của việc thực hiện theo các cam kết lao động của EVFTA
Tăng cường phổ biến giúp DN hiểu lợi ích của việc thực hiện theo các cam kết lao động của EVFTA

Đồng thời Việt Nam thúc đẩy thực hiện nghĩa vụ thành viên ILO và Tuyên bố ILO 1998: tự do hiệp hội, loại bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc, xóa bỏ lao động trẻ em, xóa bỏ phân biệt đối xử việc làm và nghề nghiệp.

Nỗ lực liên tục và bền bỉ phê chuẩn các Công ước cơ bản của ILO, thực hiện có hiệu quả các công ước đã phê chuẩn thông qua luật pháp, quy định và thực tiễn trong nước.

Thúc đẩy thương mại và đầu tư thuận lợi cho phát triển bền vững bằng việc thừa nhận, khuyến khích và tăng cường sự tham gia vào các sáng kiến tự nguyện bổ sung cho pháp luật và chính sách quốc gia, thừa nhận việc làm bền vững.

Đồng ý thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tính tới các công cụ quốc tế như Hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế quốc tế (OECD) về doanh nghiệp đa quốc gia, Hiệp ước toàn cầu Liên Hợp Quốc, Tuyên bố ba bên của ILO về các nguyên tắc liên quan tới các doanh nghiệp đa quốc gia và chính sách xã hội.

Doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi ích từ việc thực hiện tốt cam kết lao động theo EVFTA

Trao đổi với MEKONG ASEAN về cách thức giúp doanh nghiệp tận dụng triệt để cơ hội từ EVFTA bằng việc thực hiện tốt các cam kết lao động trong hiệp định, bà Phạm Thị Thu Lan cho biết, những cam kết này được quy định trong các công ước quốc tế và được luật hóa. Do đó, các doanh nghiệp cần thực hiện đầy đủ quy định của Luật lao động về tiền lương, điều kiện làm việc, bảo hiểm xã hội và các chính sách phúc lợi.

“Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tôn trọng tổ chức đại diện người lao động - Công đoàn và có thiện chí trong đối thoại, thương lượng. Thực tế thời gian COVID-19 vừa qua cho thấy, doanh nghiệp nào làm tốt đối thoại với người lao động thì không xảy ra việc đình công hay công nhân bỏ việc”, bà Lan nói.

"Các doanh nghiệp khi không tuân thủ các quy định cam kết lao động, khi từ chối thực hiện cam kết, hoặc có hành vi phân biệt đối xử, sa thải, luân chuyển đối với người lao động sẽ bị khiếu nại, khiếu kiện, nhất là thời gian tới đây sẽ có nhiều tổ chức của người lao động ra đời.

Điều này gây ảnh hưởng lớn đến uy tín, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu và sẽ bị nêu tên tại các diễn đàn trong nước và quốc tế. Chính phủ sẽ có vai trò cung cấp thông tin và giám sát thực hiện quá trình này".

Bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam

Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn nhìn nhận, doanh nghiệp không nên coi việc làm tốt những cam kết người lao động trong EVFTA là khó khăn mà nên nhìn nhận đó là cơ hội mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích kinh tế.

Bởi những cam kết đó sẽ giúp các doanh nghiệp tạo ra hiệu quả sản xuất cao, giảm tỷ lệ nhân viên nghỉ việc, giảm chi phí tuyển dụng và tập huấn cho nhân viên mới. Giúp doanh nghiệp tăng trưởng trên thị trường chứng khoán, tăng khả năng tiếp cận của công ty đến nguồn vốn, tài chính và sự hài lòng của nhà đầu tư. Từ đó, doanh nghiệp có thể tăng giá trị của công ty và khả năng tiếp cận thị trường.

Bên cạnh đó, việc làm tốt cam kết lao động trong EVFTA còn mang lại cho các doanh nghiệp những lợi ích xã hội từ việc cải thiện hình ảnh của công ty và "giúp tăng khả năng thu hút và duy trì nguồn nhân lực chất lượng cao; củng cố quan hệ lao động, giảm mâu thuẫn và chi phí giải quyết mâu thuẫn; tăng khả năng tuyển dụng, nâng cao sức khỏe của nhân viên, an toàn; giảm chi phí kiểm tra, theo dõi, giám sát”, bà Phạm Thị Thu Lan chỉ ra.

Nội dung hợp tác trong thực thi cam kết Hiệp định EVFTA về lao động

Thông qua các diễn đàn quốc tế chia sẻ các thông tin và kinh nghiệm về phương pháp và chỉ số đánh giá tác động.

Xác định tác động của lao động tới thương mại, đầu tư và ngược lại, bao gồm xây dựng chiến lược và chính sách phát triển

Chia sẻ những kinh nghiệm thúc đẩy phê chuẩn và thực hiện Công ước ILO trên các khía cạnh liên quan tới thương mại của Chương trình Nghị sự việc làm thỏa đáng của ILO.

Thúc đẩy trách nhiệm xã hội và tính giải trình của doanh nghiệp, trong đó đề cập tới các công cụ quốc tế được hai bên thông qua và ủng hộ. Xây dựng và thực hiện các hoạt động hợp tác và xây dựng năng lực về thương mại và phát triển bền vững.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.
Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.