Thu ngân sách 2021: Vẫn dậm chân tại chỗ bất chấp kỳ vọng tăng

TÀI CHÍNH Việt nAM
07:03 - 28/12/2021
Thu ngân sách 2021: Vẫn dậm chân tại chỗ bất chấp kỳ vọng tăng
0:00 / 0:00
0:00
Hết 11 tháng năm 2021, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) đã vượt dự toán. Đáng chú ý, các khoản thu bất thường, đặc biệt từ lĩnh vực chứng khoán, bất động sản…đóng góp lớn vào mức tăng thu.

Thu NSNN sớm vượt dự toán: Tưởng tăng mà không tăng

Theo báo cáo từ Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính), tổng thu cân đối NSNN 11 tháng năm 2021 ước đạt 1.398,2 nghìn tỷ đồng, bằng 103,4% dự toán thu cả năm và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, thu nội địa 11 tháng ước đạt 1.139,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 81,5% tổng thu NSNN và bằng 100,6% dự toán. Thu từ dầu thô ước 38,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,72% tổng thu và bằng 164,2% dự toán. Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước 210,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 15,06% tổng thu NSNN và bằng 118% dự toán.

TS. Vũ Sỹ Cường, chuyên gia tài chính công (Học viện Tài chính) nhận định: “Dự toán thu NSNN giảm gần 10 % so với kết quả thực hiện năm 2020 là khá thận trọng và phù hợp với tình hình năm 2021. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, dự toán thu giảm so với năm trước”.

Cụ thể, dự toán thu NSNN năm 2021 là 1.343 tỷ đồng, thấp hơn dự toán thu NSNN năm 2020 (1.539 nghìn tỷ đồng) và năm 2019 (1.411 nghìn tỷ đồng). Sau năm 2020 thu ngân sách chỉ đạt khoảng 98% dự toán, Bộ Tài chính đã xây dựng dự toán thu năm 2021 thận trọng hơn dựa trên các yếu tố vĩ mô và bối cảnh kinh tế nhiều bất ổn. Mục tiêu thu NSNN năm 2021 vì thế dễ hoàn thành hơn. Trên thực tế, nếu so sánh mức thu 11 tháng năm 2021 với cùng kỳ các năm trước đại dịch thì không tăng hoặc mức tăng không lớn.

Thu NSNN 11 tháng năm 2021 cán đích sớm một phần do dự toán thu NSNN năm 2021 thấp hơn năm 2020

Thu NSNN 11 tháng năm 2021 cán đích sớm một phần do dự toán thu NSNN năm 2021 thấp hơn năm 2020

Tuần qua, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua dự toán NSNN 2022 với mức dự toán thu 1.411,7 nghìn tỷ đồng, tức tăng khoảng 5% so với mức dự toán năm 2021. Trong đó, mục tiêu tỷ trọng thu nội địa chiếm 83,4% tổng thu NSNN, thu dầu thô chiếm 2% và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 14,1%.

Để đạt được mục tiêu này, không chỉ cần tìm cách tăng thu để đảm bảo tính cân đối của NSNN trước áp lực chi tương đối lớn, mà còn phải cải thiện nguồn thu ngân sách theo hướng tiếp tục tăng thu nội địa, hạn chế phụ thuộc vào thu bất thường từ chuyển nhượng bất động sản, đầu tư chứng khoán… và hướng đến những nguồn thu khác ổn định hơn.

Lo vì thu bất thường từ bất động sản, chứng khoán

Theo Tổng cục Thuế, một nguyên nhân quan trọng khiến thu NSNN năm nay sớm cán đích là do sự tăng đột biến một số nguồn thu từ các ngành hưởng lợi nhờ chính sách tài khóa - tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế mà Chính phủ đã triển khai thực hiện từ năm ngoái, cũng như một số ngành tăng trưởng nóng trong năm nay như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán…

Về vấn đề này, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thừa nhận trước đại biểu Quốc hội rằng thu ngân sách năm nay tăng chủ yếu đến từ tăng thu nội địa, trong đó có nhiều khoản bất thường.

Theo Bộ trưởng Phớc, bên cạnh các khoản nổi bật như truy thu thuế nhà thầu của Formosa 2.257 tỷ đồng, xử lý thu chênh lệch giá khí trong bao tiêu sản phẩm 2.457 tỷ đồng, thu ngân sách đối với các khoản khác là 2.500 tỷ đồng và một khoản lớn phát sinh đột biến là 2.997 tỷ đồng tiền thuê đất của Đại sứ quán Mỹ…, thì một phần quan trọng đến từ các khoản thu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp như chứng khoán, bất động sản, khối tài chính - ngân hàng, hoạt động sáp nhập (M&A) và chuyển nhượng vốn…

TS. Vũ Sỹ Cường nhận định mặc dù tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách tăng lên trong thời gian qua là một xu hướng tích cực, nhưng ngay chính nguồn thu nội địa vẫn tiềm tàng nhiều rủi ro khi phụ thuộc lớn vào một số nguồn không bền vững và khó dự tính chính xác như thu từ tài sản nhà nước, thu từ cấp quyền sử dụng đất…

Ảnh tác giả

“Các khoản thu không bền vẫn chiếm xấp xỉ 16 % tổng thu NSNN những năm gần đây. Điều này góp phần làm hạn chế dư địa tài khóa vì các khoản thu này không ổn định và sẽ có xu hướng giảm đi trong dài hạn”.

TS. Vũ Sỹ Cường

Nhìn vào thu nội địa từ bất động sản, chứng khoán tăng vọt, bên cạnh nỗi lo cơ cấu thu NSNN không bền vững, một số ý kiến còn tỏ ra quan ngại về rủi ro hệ thống tài chính từ sự nóng lên của thị trường bất động sản, chứng khoán trong năm qua.

Vấn đề này đã được đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) đưa ra tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, khi đại biểu đặt vấn đề ngân sách Trung ương hụt thu 29,3 nghìn tỷ đồng mà tổng thu NSNN vẫn tăng trưởng, một trong những tăng trưởng đột biến nằm trong hoạt động ngân hàng, chứng khoán, đất đai.

“Có hay không hiện tượng nhiều nhà đầu tư thế chấp vay vốn ngân hàng, lấy tiền trong hệ thống tín dụng ra, rồi lại quay vòng tiếp. Vòng mới là tài sản, còn bong bóng là chứng khoán, bất động sản?”, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đặt câu hỏi.

Trong một sự kiện gần đây, chuyên gia bất động sản, TS. Sử Ngọc Khương cũng cảnh báo rủi ro vĩ mô khi dòng tiền rẻ tràn vào lĩnh vực chứng khoán, bất động sản. Theo TS. Sử Ngọc Khương, hiện tượng này không chỉ làm tăng rủi ro cho hệ thống tài chính mà còn làm mất đi phần giá trị gia tăng đáng lẽ được tạo ra nếu tiền đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ở một góc nhìn khác, TS. Cấn Văn Lực nhận định với MEKONG ASEAN rằng dòng tín dụng trên thị trường chứng khoán và bất động sản hiện không phải vấn đề quá lo ngại.

Ảnh tác giả

“Chính phủ đang tiến tới kiểm soát chặt chẽ hơn tín dụng vào bất động sản và chứng khoán. Xét chung, tín dụng bất động sản cho cả hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản và cho vay mua nhà tại Việt Nam hiện vẫn ở mức vừa phải, trong tầm kiểm soát”

TS. Cấn Văn Lực

Trong một cuộc trò chuyện gần đây với MEKONG ASEAN, TS. Vũ Đình Ánh cũng cho rằng chưa cần lo về rủi ro tín dụng bất động sản.

“Bao nhiêu vốn vào bất động sản là nhiều và bao nhiêu vốn là ít trong tổng tín dụng toàn nền kinh tế? Lấy ví dụ bây giờ tín dụng bất động sản ở Việt Nam chiếm 20% tổng tín dụng toàn nền kinh tế nhưng ở Trung Quốc con số này lên tới 25-30% là bình thường. Thêm nữa khoảng 2/3 trong tổng tín dụng bất động sản tại Việt Nam hiện là tín dụng cho vay mua nhà, chỉ có 1/3 là tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản”, ông Ánh cho hay.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.