Thủ tướng dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 17

Việt nAM asean
15:30 - 13/11/2022
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong bối cảnh khó khăn, phức tạp hiện nay, sự hiện diện đông đủ của các lãnh đạo EAS tại Hội nghị lần này là một thành công lớn, minh chứng hùng hồn cho sự đoàn kết, sức sống và sức hút của EAS. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong bối cảnh khó khăn, phức tạp hiện nay, sự hiện diện đông đủ của các lãnh đạo EAS tại Hội nghị lần này là một thành công lớn, minh chứng hùng hồn cho sự đoàn kết, sức sống và sức hút của EAS. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) ở Campuchia, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định ASEAN sẵn sàng làm "trung gian tin cậy" cùng các đối tác EAS tham vấn, đối thoại, cùng tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu, bền vững và lâu dài cho các thách thức an ninh.

Sáng 13/11, tại Phnom Penh, Campuchia, trong khuôn khổ chương trình làm việc của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị liên quan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 17, cùng lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác EAS gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Mỹ.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi EAS ưu tiên đẩy mạnh phục hồi kinh tế dựa trên phát triển bền vững, giao thương thông thoáng và bảo đảm các chuỗi cung ứng thông suốt.

Thủ tướng đề nghị các đối tác EAS ủng hộ các nỗ lực của ASEAN phát triển tiểu vùng, trong đó có Mekong. Ảnh: VGP

Thủ tướng đề nghị các đối tác EAS ủng hộ các nỗ lực của ASEAN phát triển tiểu vùng, trong đó có Mekong. Ảnh: VGP

Thủ tướng kêu gọi các nước khẩn trương mở cửa thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho chu chuyển hàng hoá và dịch vụ, tăng cường hội nhập, khắc phục chuỗi cung ứng bị đứt gãy, góp phần thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, thương mại tự do, công bằng và bao trùm, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Thủ tướng đề nghị các đối tác EAS ủng hộ các nỗ lực của ASEAN phát triển tiểu vùng, trong đó có Mekong, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển và thúc đẩy phát triển đồng đều, bền vững, bao trùm và toàn diện.

Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định ASEAN sẵn sàng làm "trung gian tin cậy" cùng các đối tác EAS tham vấn, đối thoại, cùng tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu, bền vững và lâu dài cho các thách thức an ninh hiện nay, trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Để định hình và củng cố hệ thống quốc tế và cấu trúc đa phương hiệu quả, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật pháp quốc tế, tạo nền tảng cho hòa bình lâu dài và bền vững, ASEAN sẽ tiếp tục cùng các đối tác đề cao chủ nghĩa đa phương và tuân thủ luật pháp quốc tế, trên tinh thần minh bạch, xây dựng, tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN và tham vấn đầy đủ với ASEAN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, đề nghị các nước cùng nhau xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững, giải quyết hòa bình các mâu thuẫn, kêu gọi cộng đồng quốc tế và các nước EAS ủng hộ nỗ lực sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử COC hiệu lực, hiệu quả, công bằng và hợp lý với tất cả các bên có liên quan, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Thủ tướng đề nghị các đối tác EAS ủng hộ ASEAN thực hiện Đồng thuận 5 điểm, hỗ trợ Myanmar tìm kiếm giải pháp ổn định tình hình.

Chuyển giao Chủ tịch ASEAN cho Indonesia

Ngay sau Hội nghị cấp cao EAS-17, lãnh đạo các nước đã tham dự lễ bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN, lễ chuyển giao Chủ tịch ASEAN từ Campuchia sang Indonesia.

Trong phát biểu đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2023, Tổng thống Indonesia thông báo chủ đề của năm ASEAN 2023 là "ASEAN Matters: The Epicentrum of Growth" (tạm dịch: Tầm vóc ASEAN: Tâm điểm của tăng trưởng).

Các Hội nghị Cấp cao đã khép lại sau 4 ngày làm việc khẩn trương và tích cực, đánh dấu một năm thành công của ASEAN. Ảnh: VGP
Các Hội nghị Cấp cao đã khép lại sau 4 ngày làm việc khẩn trương và tích cực, đánh dấu một năm thành công của ASEAN. Ảnh: VGP

Các Hội nghị Cấp cao đã khép lại sau 4 ngày làm việc khẩn trương và tích cực, đánh dấu một năm thành công của ASEAN trên tinh thần "ASEAN Hành động - Cùng ứng phó thách thức", tạo tiền đề và động lực để ASEAN tiếp tục ghi các dấu ấn thành công mới trong những năm tiếp theo.

Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đã tham gia tích cực và đóng góp thực chất, hiệu quả vào tất cả các hoạt động, góp phần vào thành công chung, thể hiện nhất quán sự ủng hộ của Việt Nam đối với Chủ tịch ASEAN 2022 Campuchia cũng như tích cực phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm đối với công việc chung của ASEAN.

Đối thoại Toàn cầu ASEAN: Thủ tướng đề xuất đảm bảo các cân bằng chiến lược

Cũng trong sáng 13/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại Đối thoại Toàn cầu ASEAN lần thứ 2 với chủ đề "Phục hồi toàn diện sau COVID-19". Tại đây, các nhà lãnh đạo đã trao đổi những góc nhìn đa chiều về triển vọng, thách thức của kinh tế toàn cầu, các tác động đến khu vực và chia sẻ tầm nhìn, định hướng phát triển của ASEAN nhằm bảo đảm phục hồi toàn diện, phát triển bền vững, tự cường và bao trùm.

Nhiều ý kiến chia sẻ đánh giá môi trường kinh tế thế giới đang ngày càng gia tăng thách thức, đan xen các rủi ro trong cả ngắn hạn và dài hạn như nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát cao, bất ổn tiền tệ - nợ công, đứt gãy chuỗi cung ứng năng lượng - lương thực, các vấn đề về dịch bệnh, môi trường, khí hậu…

Do đó, các nhà lãnh đạo cho rằng cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác, đoàn kết, chung tay giải quyết các thách thức chung; bảo đảm cân bằng giữa mục tiêu phục hồi tăng trưởng và phát triển bền vững; tranh thủ tối đa các cơ hội phát triển mới từ tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, kết nối số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng bao trùm…

Tại Đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề xuất một số định hướng hợp tác ưu tiên, trong đó nhấn mạnh bảo đảm các cân bằng chiến lược giữa tăng trưởng, lạm phát và việc làm, chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô. Duy trì ổn định chuỗi cung ứng sau đại dịch thông qua đẩy mạnh đa dạng hoá thị trường, sản phẩm, thuận lợi hoá thương mại, thủ tục hải quan, gắn với bảo đảm an ninh lương thực – năng lượng.

Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, đào tạo lao động chất lượng cao, nâng cao kỹ năng nghề, tăng cường kết nối hạ tầng chiến lược. Phục hồi xanh với cách tiếp cận công bằng, công lý, theo đó các nước phát triển hỗ trợ về tài chính, chuyển giao công nghệ; chú trọng phát triển hài hoà về kinh tế, môi trường và an sinh xã hội.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào các nỗ lực chung nhằm xây dựng ASEAN phát triển bao trùm, bền vững và tự cường, đóng góp tích cực vào hoà bình, ổn định và phát triển chung của toàn cầu.

Chiều 13/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu Việt Nam rời Phnom Penh về nước, kết thúc thành công chuyến thăm chính thức Campuchia và dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị Cấp cao liên quan.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.