Thương mại điện tử kỳ vọng là động lực tăng trưởng cho thương mại Việt - Anh

XNK Việt nAM
12:04 - 19/01/2022
0:00 / 0:00
0:00
Với những lợi thế vốn có, thương mại điện tử xuyên biên giới giữa Việt Nam và Vương quốc Anh được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới, góp phần tăng giá trị trao đổi thương mại song phương sau khi hai nước có Hiệp định thương mại tự do (UKVFTA).

Trong năm 2021, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Anh đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Anh đạt 5,7 tỷ USD, tăng 16%, ngược lại Anh xuất khẩu sang Việt Nam đạt 849 triệu USD, tăng 23%. Trong vòng 5 năm qua, thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh đã tăng thêm 1 tỷ USD, từ 5,6 tỷ USD năm 2016 lên 6,6 tỷ USD năm 2021. Anh hiện là đối tác lớn thứ 3 tại châu Âu.

Tuy nhiên, dù đang đẩy mạnh phát triển thương mại song phương, hàng hóa Việt vào thị trường Anh hiện còn rất nhỏ mới chỉ chiếm 0,88% tổng kim ngạch nhập khẩu của Anh. Chính vì vậy, hiệp định UKVFTA có hiệu lực được kỳ vọng sẽ mở rộng dư địa, đồng thời thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới sẽ đưa mối quan hệ song phương lên một giai đoạn phát triển mới.

Trong khi đó, các chuyên gia tham dự Hội thảo “Thương mại điện tử trong Hiệp định UKVFTA - Chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh”, do Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức chiều 18/1, đều đánh giá Việt Nam và Anh đều là thị trường có tiềm năng cao về phát triển thương mại điện tử.

Việt Nam là một thị trường đông dân cùng với sự phát triển Internet ‘thần tốc’ trong một thập kỷ qua sẽ là thị trường rộng lớn cho thương mại điện tử. Trong khi đó, Anh là một trong những nước có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, đồng thời là nước có hạ tầng kỹ thuật số phát triển.

Ảnh trích xuất từ hội thảo.

Ảnh trích xuất từ hội thảo.

Theo Báo cáo Thương mại điện tử của Bộ Công Thương (Sách Trắng Việt Nam về Thương mại điện tử 2021) ban hành tháng 5/2021, doanh thu TMĐT bán lẻ (B2C) của Việt Nam trong năm 2020 đạt gần 12 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 20%. Mức tăng trưởng trung bình từ giai đoạn 2016 -2020 là khoảng 20%. Năm 2020, tổng số người tiêu dùng trực tuyến hơn 49 triệu người, chi tiêu trực tuyến bình quân đầu người đạt khoảng 240 USD.

Về phía Vương quốc Anh, theo thống kê của Statista, doanh thu TMĐT của Anh đạt 99 tỷ bảng Anh. Trong top 10 sàn TMĐT của thế giới, thị trường Anh luôn nằm trong top thị trường có nhiều người mua trực tuyến nhất.

Trong lĩnh vực số, Anh cũng có sự phát triển nhanh chóng. Năm 2016, lĩnh vực kỹ thuật và kỹ thuật số của Anh đều tăng trưởng mạnh, đạt hơn 50 tỷ USD về đầu tư, tăng 20%, vượt Đức (đạt 23 tỷ USD). Với sự phát triển này, bà Jessica Reilly, Trưởng điều phối mạng lưới thương mại kỹ thuật số, Bộ Thương mại quốc tế Anh, cho rằng một phần nhờ vào những hoạt động có sự tham gia của Starup, doanh nghiệp mới ra đời, nhờ vậy việc hoạt động trong lĩnh vực số cũng tăng lên.

Cơ hội phát triển thương mại điện tử từ ‘mạng lưới số’

Bộ Thương mại quốc tế Anh đã đưa ra ý tưởng về ‘mạng lưới số’ và tiến hành thực hiện từ tháng 6/2020 tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mục đích của mạng lưới này nhằm tăng cường năng lực kỹ thuật số của Anh tại khu vực này. Đồng thời, hướng tới nâng cơ hội hợp tác mới với các quốc gia và doanh nghiệp về đầu tư trên cơ sở nguồn lực được huy động và chia sẻ.

Ảnh tác giả

"Chúng tôi đã kết hợp một mạng lưới về hỗ trợ xuất khẩu dựa trên nền tảng kỹ thuật. Vương quốc Anh đã hỗ trợ thành công chương trình ‘Quan hệ Đối tác Sáng tạo số của Asean và Anh’. Thông qua trao đổi chi tiết, chúng tôi muốn thiết lập và tăng cường sự tham gia của mạng lưới xuất khẩu số tại thị trường này”.

Bà Jessica Reilly

Nói thêm về việc hợp tác với các nước trong khu vực Asean, ông Colin Colas, Trưởng mạng lưới thương mại kỹ thuật số thị trường Thái Lan, Bộ Thương mại quốc tế Anh chia sẻ rằng, Vương quốc Anh đã có dự án hợp tác, thúc đẩy dịch vụ công, số hóa, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia một cách hiệu quả tại Thái Lan thời gian qua.

Đối với Singapore, Anh cũng đang thực hiện một loạt thí điểm về số hóa và chuỗi cung ứng. Đồng thời trong năm qua, phía Anh và Singapore đã tiến hành ký kết các thỏa thuận hợp tác kỹ thuật số. Dự kiến, trong thời gian tới, giao thương trên nền tảng kinh tế số tại Singapore sẽ tăng trưởng mạnh.

Ảnh tác giả

“Chúng tôi sẵn sàng cởi mở với Việt Nam và Asean trên cơ sở đối thoại. Chúng tôi sẽ cố gắng thiết kế, xây dựng dự án, để làm sao chúng ta có thể tiếp cận, kết nối Asean, củng cố các đối tác trong nền kinh tế số”.

Ông Colin Colas

Bên cạnh đó, bà Jessica Reilly cho rằng: “Vương quốc Anh đang xây dựng một khuôn khổ pháp lý để tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu vực. Mục đích nhằm tăng cường hoạt động thúc đẩy kinh tế của Anh và tăng tính kết nối trong khu vực”. Còn theo ông Colin Colas, thông qua việc phát triển mạng lưới số, Vương quốc Anh sẽ hỗ trợ nâng cao chuyên môn về mặt kỹ thuật, hướng tới xây dựng chương trình quốc tế với các đối tác.

Thương mại điện tử với lợi thế từ UKVFTA

Trong khi đó, Hiệp định thương mại tự do Việt - Anh (UKVFTA) ngoài cam kết truyền thống về thuế quan, hàng hóa phi thuế quan… còn có các điều khoản cam kết liên quan thuộc lĩnh vực khác, trong đó bao gồm thương mại điện tử (TMĐT).

Từ đó, giúp tăng cường mối liên kết, tăng cường chia sẻ giữa hai nước trong ứng dụng TMĐT để thúc đẩy kinh doanh của các doanh nghiệp hai bên. Đồng thời, sự chia sẻ này còn góp phần hiểu đúng và hiểu rõ về UKVFTA, tận dụng tối đa cơ hội xuất khẩu hai chiều.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc

Trong UKVFTA còn cam kết hợp tác trong lĩnh vực nổi bật, tạo tiền đề, hạ tầng để thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới. Cụ thể, công nhận chứng chỉ chữ ký điện tử; khoản nợ của nhà cung cấp dịch vụ trung gian; xử lý các giao tiếp thương mại điện tử không được yêu cầu; bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử.

Chia sẻ tại buổi hội thảo, bà Trần Thị Yến Phi, Giám đốc điều hành Công ty DSW, đại diện doanh nghiệp đã áp dụng sàn TMĐT Việt Nam thành công giao thương với nước Anh qua sàn TMĐT Alibaba cho biết: “Trong giai đoạn 2019 – 2020, doanh nghiệp Việt và đối tác Anh gặp khó khăn vì không đồng nhất về chính sách. Việc UKVFTA thông qua đã giúp doanh nghiệp không cần mất nhiều thời gian để tìm kiếm hiệp định thương mại phù hợp, rút ngắn thời gian đàm phán của các doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi thì UKVFTA cũng tạo nên những ‘khắt khe’ mới cho doanh nghiệp Việt. Người tiêu dùng Anh giờ không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm đến quy định an toàn thực phẩm, cách thức tạo ra sản phẩm. Bởi vậy, doanh nghiệp càng phải chú trọng hơn về khâu sản xuất khi đưa sản phẩm lên sàn TMĐT B2C (Business to Customer).

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.