TikTok và Tokopedia thử nghiệm hợp tác thương mại điện tử

Thương Mại Indonesia
08:57 - 14/12/2023
Mới đây, TikTok đã mua 75% cổ phần của nền tảng thương mại điện tử Tokopedia để đưa TikTok Shop trở lại Indonesia.
Mới đây, TikTok đã mua 75% cổ phần của nền tảng thương mại điện tử Tokopedia để đưa TikTok Shop trở lại Indonesia.
0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống do nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok và sàn thương mại điện tử Tokopedia hợp tác triển khai nhằm giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa quảng bá, bán sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử.

Theo TechCrunch, ngày 13/12, Bộ trưởng Bộ Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan cho biết, Chính phủ nước này sẽ dành 3-4 tháng cho phép nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok và sàn thương mại điện tử Tokopedia, thử nghiệm mô hình hợp tác.

"Hệ thống do TikTok và Tokopedia hợp tác triển khai là một loại công nghệ cao cần phải trải qua giai đoạn thử nghiệm và đánh giá. Nỗ lực hợp tác của hai bên nhằm giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa quảng bá, bán sản phẩm trên nền tảng điện tử. Cả hai nền tảng nên ưu tiên các sản phẩm địa phương trong thời gian thử nghiệm", ông Zulkifli Hasan nói thêm.

Ngoài ra, quyết định hợp tác của hai nền tảng này còn nhằm cải thiện quản trị thương mại điện tử, đặc biệt liên quan đến xuất nhập khẩu để bảo vệ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa ở Indonesia.

Theo Bộ trưởng Zulkifli Hasan, Indonesia đang xây dựng hệ sinh thái để thương mại điện tử có thể mang lại lợi ích cho người dân, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và ngành công nghiệp trong nước.

Sự hỗ trợ của Chính phủ Indonesia đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa được thể hiện thông qua Quy định số 31/2023 của Bộ trưởng Thương mại Indonesia, trong đó cấm các giao dịch trên nền tảng truyền thông xã hội. Quy định này nhằm tạo ra một hệ sinh thái thương mại điện tử công bằng, lành mạnh và có lợi với việc quan tâm đến sự phát triển năng động của công nghệ.

Với thỏa thuận mới, người dùng TikTok ở Indonesia một lần nữa có thể mua sắm và thanh toán các giao dịch mua hàng của mình mà không cần rời khỏi ứng dụng.

Giới phân tích cho rằng, mục tiêu của TikTok là hồi sinh dịch vụ mua sắm trực tuyến tại Indonesia. Đây là thị trường đầu tiên và lớn nhất của TikTok Shop. Công ty bắt đầu cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại đây vào năm 2021 và nhanh chóng thu hút đối tượng người mua sắm trẻ tuổi.

Do đó, nước đi trên của TikTok được cho là chịu sức ép từ Chính phủ Indonesia sau quy định cấm kinh doanh trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội vào tháng 10/2023 nhằm bảo vệ những hiệu buôn nhỏ lẻ cũng như dữ liệu người dùng, qua đó khiến Tiktok Shop bị đóng cửa tại quốc gia này.

Còn đối với GoTo, các chuyên gia trong ngành nhận định, thỏa thuận với TikTok có thể gặp rủi ro vì sẽ giúp đối thủ bán lẻ trực tuyến lớn tiếp tục hoạt động tại quốc gia này. Nhưng họ cũng mang lại cho GoTo một đối tác truyền thông xã hội toàn cầu mạnh mẽ trong một thỏa thuận có thể thúc đẩy khối lượng mua sắm và thanh toán cho cả hai công ty.

Trước đó, ngày 11/12, TikTok công bố khoản đầu tư 1,5 tỷ USD vào tập đoàn công nghệ GoTo của Indonesia theo một thỏa thuận cho phép TikTok khởi động lại cửa hàng trực tuyến ở quốc gia này. Theo thỏa thuận, TikTok Shop sẽ mua 75,01% cổ phần của Tokopedia thuộc GoTo, để đưa hoạt động kinh doanh của TikTok Shop vào nền tảng Tokopedia mở rộng.

Thương vụ đầu tư này dự kiến ​​​​sẽ hoàn tất vào quý 1/2024. Goldman Sachs đóng vai trò cố vấn tài chính cho GoTo trong giao dịch này.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.
Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.