Tòa án Hiến pháp Thái Lan chấp nhận đơn yêu cầu giải tán Đảng Move Forward

Chính trị THÁI LAN
15:57 - 03/04/2024
Cựu lãnh đạo Đảng Move Forward Pita Limjaroenrat. Ảnh: Nikkei Asia
Cựu lãnh đạo Đảng Move Forward Pita Limjaroenrat. Ảnh: Nikkei Asia
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 3/4, Tòa án Hiến pháp Thái Lan cho biết đã chấp nhận đơn yêu cầu giải tán Đảng Move Forward từ phía Ủy ban Bầu cử Thái Lan liên quan tới các đề xuất sửa đổi luật khi quân bị cáo buộc là nhằm lật đổ chế độ quân chủ lập hiến.

Theo Nikkei Asia trích dẫn Ủy ban bầu cử Thái Lan, cơ quan này đã đệ đơn lên Tòa án Hiến pháp Thái Lan vào ngày 12/3 sau khi tìm thấy "bằng chứng hợp lý" cho thấy các chính sách đề xuất sửa đổi luật khi quân của đảng này và nhà cựu lãnh đạo đảng là ông Pita Limjaroenrat nhằm tìm cách lật đổ chế độ quân chủ lập hiến của đất nước.

Tới ngày 3/4, Tòa án Hiến pháp cho biết trong một tuyên bố rằng: “Tòa án thấy có sự nghi ngờ hợp lý để xem xét liệu đảng Move Forward có vi phạm luật bầu cử hay không”. Cơ quan này cũng đồng thời cho biết đã ra lệnh cho Đảng Move Forward, với tư cách là bị cáo, gửi tài liệu giải thích trong vòng 15 ngày.

Nếu phán quyết giải tán Đảng Move Forward được đưa ra, ông Pita cùng 44 nhà lãnh đạo của đảng này sẽ ngay lập tức bị cấm tham gia chính trường Thái Lan trong tối đa 10 năm.

Trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5/2023, đảng đối lập Move Forward đã giành chiến thắng áp đảo với 151 ghế trong Hạ viện, cao nhất trong các đảng, từ đó có quyền được thành lập chính phủ. Sau đó, ông Pita đã thành lập liên minh 8 đảng, bao gồm đảng Pheu Thai - đảng giành nhiều ghế thứ 2 trong Hạ viện.

Mặc dù liên minh 8 đảng đã tập hợp được 312 ghế - tương ứng với 312 phiếu bầu, nhưng vẫn chưa đủ 376 phiếu bầu cần thiết từ Thượng viện và Hạ viện để thành lập Chính phủ mới tại Thái Lan và đưa ông Pita trở thành tân Thủ tướng.

Ngày 13/7/2023, ông Pita đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu trước Quốc hội khi chỉ giành được 324 phiếu bầu. Một số thượng nghị sĩ và nghị sĩ từ các đảng khác từ chối ủng hộ ông Pita do họ không tán thành lập trường của đảng trong việc sửa đổi Điều 112 trong Bộ Luật hình sự Thái Lan về luật khi quân.

Đảng Move Forward cho rằng luật này bị lạm dụng vì mục đích chính trị và cần được sửa đổi trước khi nó trở thành một “quả bom nổ chậm” trong tương lai. Tuy nhiên, những người theo chủ nghĩa bảo hoàng bao gồm các thành viên Thượng viện coi bất kỳ nỗ lực thay đổi nào là một mối đe dọa đối với chính chế độ quân chủ.

Ngày 19/7/2023, ông Pita bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan thông báo quyết đình chỉ tạm thời tư cách nghị sĩ để xử lý vụ kiện vi phạm quy tắc bầu cử vì nắm giữ cổ phần trong một công ty truyền thông. Theo Luật bầu cử Thái Lan, các ứng viên nghị sĩ không được nắm giữ cổ phần trong công ty truyền thông. Nếu bị kết tội, ông Pita có thể đối mặt với án tù 10 năm và bị cấm tham gia chính trị trong 20 năm.

Cũng trong ngày 19/7, Quốc hội Thái Lan đã bỏ phiếu tước tư cách ứng viên Thủ tướng của ông Pita, viện dẫn quy định số 49 của Quốc hội về việc cấm đệ trình lại một kiến nghị thất bại trong cùng một kỳ họp Quốc hội.

Đảng Pheu Thai sau đó đã liên minh với các phe phái bảo thủ để thành lập chính phủ, đồng thời đề xuất ông Srettha Thavisin là ứng cử viên Thủ tướng. Tới cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội vào chiều 22/8/2023, ông Thavisin nhận được hơn 375 số phiếu ủng hộ cần thiết từ lưỡng viện và do đó chính thức trở thành tân Thủ tướng Thái Lan.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.