Tổng thống Mỹ 'nóng lòng mong chờ' Thụy Điển gia nhập NATO

Quân sự Thụy Điển
11:43 - 06/07/2023
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Trong buổi thảo luận với Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson ngày 5/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định sự ủng hộ Stockholm gia nhập NATO trong bối cảnh nhiều yếu tố không chắc chắn quanh việc Thổ Nhĩ Kỳ có thay đổi thái độ trước thượng đỉnh Vilnius không.

Ngày 5/7, Tổng thống Mỹ chào đón Thủ tướng Thụy Điển tại Nhà Trắng trong một động thái thể hiện tình đoàn kết song phương. Ngồi cạnh ông Kristersson trong Phòng Bầu dục với các phóng viên có mặt, ông Biden nhận định Thụy Điển là một “người bạn đáng quý” của Mỹ, đồng thời cho biết ông rất “nóng lòng mong chờ tư cách thành viên của Thụy Điển" trong NATO.

Theo thông cáo của Nhà Trắng cùng ngày được Reuters trích dẫn, Tổng thống Joe Biden còn “ca ngợi vai trò của Thụy Điển với tư cách là nhà cung cấp an ninh khu vực và nhấn mạnh cam kết chào đón Thụy Điển gia nhập NATO càng sớm càng tốt".

Trong cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan để khuyến khích nước này ủng hộ Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự NATO. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Bộ trưởng Blinken nhấn mạnh vai trò của một NATO đoàn kết trong thời điểm quan trọng như hiện tại và khuyến khích sự hỗ trợ của Ankara để Thụy Điển gia nhập ngay bây giờ”.

Về phía Thụy Điển, ông Kristersson cho biết ông đánh giá cao sự ủng hộ của Mỹ đối với việc nước này gia nhập NATO. Tuy nhiên, Reuters trích dẫn tuyên bố của ông tại Đại sứ quán Thụy Điển ở Washington cho biết: “Cả hai chúng tôi đều nhận thức rằng chỉ Thổ Nhĩ Kỳ mới có thể đưa ra quyết định”.

Từ năm 2022, Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO và từ bỏ chính sách không liên kết quân sự của mình sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Phần Lan sau đó đã thành công gia nhập NATO vào tháng 4/2023, tuy nhiên đơn xin gia nhập của Thụy Điển vẫn chưa được Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận.

Ankara đã nhiều lần cáo buộc Stockholm quá khoan dung đối với các tổ chức khủng bố và các mối đe dọa an ninh, bao gồm các nhóm chiến binh người Kurd và những người có liên quan đến âm mưu đảo chính năm 2016 vốn bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đặt ngoài vòng pháp luật.

Nhằm giúp Thụy Điển đẩy nhanh quá trình gia nhập, Mỹ cùng các đồng minh đã thực hiện nhiều động thái thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ Thụy Điển tuyên bố đã đáp ứng các yêu cầu được thỏa thuận trong các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm việc đưa ra một dự luật mới coi việc trở thành thành viên của một tổ chức khủng bố là bất hợp pháp.

Tuy nhiên, các hành động này vẫn chưa đủ để nhận được sự đồng ý từ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Việc người biểu tình đốt Kinh Qur’an hồi cuối tháng 6 tiếp tục là một yếu tố khiến cuộc đàm phán kéo dài hơn nữa. Ngày 3/7, Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus gọi việc các nhà hoạt động đốt Kinh Qur’an là “một hành động cực kỳ khiêu khích, chống Hồi giáo và phản nhân loại” không thể bào chữa được.

Ông cũng cảnh báo nếu Thụy Điển không giữ lời hứa thì mong muốn trở thành một thành viên NATO của nước này sẽ “chỉ là một giấc mộng viển vông”. Để yêu cầu trên thành sự thật, Stockholm cần “ngăn chặn các hành động khiêu khích” và “dẫn độ những kẻ cầm đầu các tổ chức khủng bố chống Thổ Nhĩ Kỳ”.

Các tuyên bố trước đó của nước này cũng cho thấy khả năng Thụy Điển kịp gia nhập NATO trong khuôn khổ thượng đỉnh Vilnius là không cao. Ngày 13/6 khi phát biểu với các nhà báo trên đường trở về từ chuyến thăm cấp nhà nước tới Azerbaijan, hãng thông tấn Anadolu dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết các bên “không nên mong đợi bất cứ điều gì khác ở Vilnius”.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.